1

Tin Nghiên Cứu Khoa Học

In

Sáng chế - sáng tạo quan trọng nhất của loài người

Cập nhật 04/10/2012 - 02:15:15 PM (GMT+7)

Sở hữu trí tuệ đã và đang thực sự trở thành một loại tài sản vô hình, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tài sản của các doanh nghiệp.

Trong, bằng độc quyền sáng chế có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ mạnh để tăng hiệu quả cạnh tranh lành mạnh, thu hút các khoản đầu tư nhân lực, vật lực cả trong nước và nước ngoài.

Sáng chế là gì?

Nói một cách dễ hiểu nhất sáng chế (invention) được hiểu là một sản phẩm mới, một quy trình mới hoặc một chất mới mà có khả năng giải quyết một vấn đề kỹ thuật vốn chưa được giải quyết, hoặc được giải quyết chưa triệt để. Ví dụ như việc nghĩ ra một loại hợp chất/dược phẩm điều trị căn bệnh thế kỷ HIV vẫn đang trở thành vấn đề hóc búa đối với các nhà sáng chế/nhà bào chế dược phẩm.

Cũng cần phải lưu ý rằng sáng chế khác hẳn với phát minh (discovery) ở chỗ phát minh là việc phát hiện ra một quy luật nào đó vốn dĩ đã tồn tại trong tự nhiên mà tại thời điểm đó con người chưa nhận thức và phát hiện ra trước đó. Một ví dụ dễ thấy nhất là nhà phát minh nổi tiếng người Nga Medeleev đã phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (hay còn gọi là Bảng tuần hóa Medeleev).

Sáng chế luôn được coi là một trong những sáng tạo quan trọng nhất của loài người, góp phần làm giàu kho tàng trí thức của nhân loại, cho phép đem lại năng suất lao động cao hơn, trực tiếp tạo ra nhiều của cải vật chất hơn phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người. Chính vì thế, từ hàng trăm năm nay, cấp quyền độc quyền bảo hộ sáng chế đã được quy định trong hệ thống pháp luật của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.

Anh Nguyễn Hữu Trọng (Từ Liêm, Hà Nội) đang giới thiệu Thiết bị dùng nhiệt khí xả để làm hóa hơi hỗn hợp sử dụng cho động cơ đốt trong giúp tiết kiệm nhiên liệu, than thiện môi trường tại Techmart 2012. Thiết bị đã được Cục SHTT cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2010.

Việc nhà nước bảo hộ và thừa nhận quyền độc quyền sáng chế cho tác giả đã sáng tạo ra sáng chế trong một quãng thời gian nhất định (thường là 20 năm) thực chất mang ý nghĩa như một khế ước/thỏa thuận công bằng và hợp lý giữa Nhà nước và tác giả sáng chế (hoặc chủ sở hữu sáng chế) theo đó tác giả sáng chế được độc quyền khai thác và thương mại hóa sản phẩm được bảo hộ sáng chế để thu về các giá trị vật chất để vừa giúp thu hồi các giá trị đã đầu tư cho quá trình nghiên cứu gian khổ trước đó, vừa giúp tích lũy thêm các giá trị thặng dư nhằm khuyến khích tác giả sáng chế tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo các sáng chế mới. Đổi lại với quyền độc quyền được Nhà nước bảo hộ đó, tác giả sáng chế phải đồng ý bộc lộ toàn bộ và đầy đủ sáng chế đó.

Và chính việc bộc lộ sáng chế, sẽ trở thành nguồn tri thức mới được phép tự do tiếp cận và sử dụng bởi xã hội, và đồng thời nó còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng là giúp loại bỏ các nghiên cứu khoa học có nguy cơ trùng lắp với những nghiên cứu đã được bảo hộ dưới dạng sáng chế trước đó và là tiền đề cơ sở cho những cải tiến tiếp theo.

Nguyên lý căn bản của bảo hộ độc quyền sáng chế

Từ mối quan hệ giữa tác giả sáng chế và Nhà nước mang tính khế ước nêu trên, hiện nay luật pháp về sáng chế của các nước trên thế giới nhìn chung đều quy định 3 điều kiện bảo hộ đối với một sáng chế, đó là sáng chế đó phải có tính mới (Novelty), có trình độ sáng tạo (Inventive Step) và có khả năng áp dụng công nghiệp (Industrial Applicability). Một giải pháp kỹ thuật tuy không có trình độ sáng tạo và không phải là hiểu biết thông thường mà đáp ứng 2 điều kiện là có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thường cũng được bảo hộ theo pháp luật các nước (trong đó có Việt Nam) dưới dạng Bằng độc quyền giải pháp hữu ích/Mẫu hữu ích với thời hạn bảo hộ 10 năm.

Tính mới của sáng chế được hiểu là sáng chế đó chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế.

Trình độ sáng tạo của sáng chế về căn bản được hiểu là khi căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn của đơn đăng ký sáng chế, thì sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Khả năng áp dụng công nghiệp cũng là một điều kiện bắt buộc mà theo đó sáng chế đó phải có khả năng thực hiện được thông qua việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc được áp dụng lặp đi lặp lại một quy trình và thu được một kết quả ổn định.

Theo Luật sư Lê Quang Vinh (Giám đốc Bộ phận SHTT, Công ty luật Bross & Partners)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin