Khoa Học Công Nghệ
InĐiện thoại thương hiệu Việt: Ồn ào ra đời, lặng lẽ khai tử?
Cập nhật 15/07/2011 - 11:11:08 PM (GMT+7)Nếu so với thời điểm này 1 năm về trước khi thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt chỉ xuất hiện một vài tên tuổi như FPT, Q-mobile thì nay đã có khoảng vài chục nhãn hiệu với đủ loại điện thoại như Bluefone (CMC), Avio (VNPT), Hi-mobile (HiPT), Mobistar, Mobel... Điểm chung của các mẫu điện thoại này là giá rẻ, chỉ dao động trong khoảng từ vài trăm tới 1 triệu đồng. Các dòng sản phẩm thông minh, ứng dụng 3G cũng chỉ có giá chưa tới 2 triệu đồng.
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /?>
Kết quả thống kê con số bán ra từ một số nhà phân phối cũng cho thấy những tín hiệu khả quan về khả năng phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu điện thoại Việt. Theo đại diện của Thế Giới Di Động, hiện các dòng điện thoại thương hiệu Việt đang chiếm khoảng 30% về số lượng tiêu thụ và 15% về giá trị thị trường. Công ty Thế giới trực tuyến cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2011, doanh số bán của hàng sản phẩm Q-mobile đã tăng 175% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Avio đã tăng tới 90% so với năm 2010 do có những chương trình khuyến mãi của VNPT. Đại diện của Avio cũng thông báo, từ tháng 3/2011, chỉ tính riêng thị trường miền Bắc doanh số của thương hiệu này đã đạt tới con số 50 nghìn máy/tháng.
Thách thức vẫn còn rất lớn
Mặc dù bước đầu có những kết quả khả quan nhưng những quan ngại về tiềm năng phát triển của thương hiệu điện thoại Việt vẫn còn nhiều. Hiện miếng bánh thị phần dành cho các thương hiệu mới rất nhỏ. Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK, năm 2010 có tới 90% thị trường điện thoại nằm trong tay 5 ông lớn là Nokia, Samsung, Q-mobile, FPT và LG. Như vậy, chỉ còn khoảng 10% dành cho các thương hiệu còn lại.
Kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số bán ra của các loại điện thoại Việt. Nếu như trong năm 2010 điện thoại thương hiệu Việt chiếm 15-20% tổng số lượng điện thoại bán ra tại siêu thị điện máy Pico thì 6 tháng đầu năm nay con số này chỉ còn là 5%. Ông Đỗ Giang Vinh, Giám đốc Hi-Mobile nhận định, một số thương hiệu Việt có thị phần nhỏ và không có những chiến lược dài hạn sẽ sớm bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
Các nhà phân phối lớn cũng “kỹ tính” hơn khi lựa chọn những thương hiệu có uy tín để bán. Thế giới trực tuyến phân phối Avio, Q-mobile. Tại hệ thống siêu thị của thegioididong.com, chỉ duy nhất một thương hiệu điện thoại Việt được bày bán tại đây là FPT. Lý giải về vấn đề này, ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Công ty Thế giới di động cho biết, sau khi qua tận nhà máy sản xuất của các nhãn hiệu điện thoại nếu “xét thấy quy trình sản xuất, máy móc, kỹ thuật… đảm bảo thì mới bán, còn thấy không an toàn, không đảm bảo chất lượng thì không bán”. Như vậy, rõ ràng là muốn có “chân” trong hệ thống các siêu thị lớn thì bản thân mỗi doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt phải nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm của mình.
Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm ở đây là vấn đề dịch vụ hậu mãi chưa thực sự được quan tâm. Bà Võ Thị Thanh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thế giới trực tuyến cho biết, những khó khăn mà đơn vị này gặp phải khi bán hàng là dịch vụ của một số hãng chưa hoàn hảo, chưa theo loại hình kinh doanh trực tuyến, nhiều dòng vừa ra đời đã gặp phải lỗi kỹ thuật, chính sách đổi trả hàng chưa linh hoạt khi máy đã kích hoạt…
Tìm hướng đi mới
Với những thách thức đã nói ở trên, các thương hiệu Việt vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ có thể bị các thương hiệu nước ngoài đánh bại bất cứ lúc nào nếu không có những chiến lược bài bản và sự chuẩn bị chu đáo. Hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển sang sản xuất smartphone giá rẻ như FPT với F99, Q-mobile với S10… Tuy nhiên theo ông Đỗ Tuấn Anh, Admin diễn đàn GSM, thì trước mắt việc đưa ra những mức giá cả cạnh tranh có thể thu hút được người tiêu dùng. Nhưng về lâu dài thì sẽ khó vì khách hàng thuộc phân khúc này khá kỹ tính. Thêm vào đó có quá nhiều loại smartphone nên tự phân khúc này sẽ lại phân cấp ra thành: thấp, trung, cao.
Việc các doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm đa chức năng như 2 sim, 2 sóng online vẫn được thị trường đón nhận rất tốt bởi hiện các thương hiệu lớn vẫn chưa chú ý tới phân khúc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu những ông lớn như Nokia, Samsung... cho ra đời những sản phẩm tương tự thì phân khúc này của các doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý “ngoại hơn nội” hiện vẫn đang thịnh hành trong giới tiêu dùng Việt Nam. Do đó, để tồn tại các doanh nghiệp phải tự tạo ra bản sắc riêng của mình để thu hút khách hàng. Hiện Q-mobile đã hợp tác cùng Công ty VTC dịch vụ di động để xây dựng chợ nội dung số Q-Store. FPT và FPT Software đã thành lập liên doanh FMA để phát triển F-store. Tập đoàn HiPT cũng đang tập trung nghiên cứu yếu tố vùng miền để cho ra đời những chiếc điện thoại chuyên biệt…
Ngoài việc lựa chọn phân khúc, sản phẩm chiến lược thì vấn đề chọn hướng đi nào để phát triển thương hiệu vẫn đang là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đưa ra. Quảng cáo vẫn được lựa chọn như một phương thức hữu hiệu nhất để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên không phải lúc nào bỏ nhiều tiền ra để quảng cáo cũng là giải pháp tốt nhất. Bằng những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên sóng truyền hình, chỉ trong thời gian ngắn sau khi có mặt trên thị trường, Avio đã được nhiều người biết đến với câu slogan quen thuộc: “Alo Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" /?>Nam ơi”. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, với tiềm lực tài chính mạnh, chọn lựa được kênh quảng cáo đúng, Avio đã có những bước khởi đầu rất tốt bằng việc định vị được thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng.
“Về chất lượng, Avio có thể cạnh tranh được với F-mobile và Q-mobile. Nếu có tầm nhìn, Avio hoàn toàn có khả năng đuổi kịp Q-mobile”, ông Tuấn Anh nhận xét. Tuy nhiên, Admin Diễn đàn GSM Việt Nam này khuyến cáo, Avio nên nhìn vào sự thất bại của Beeline để làm bài học cho mình nếu muốn tiến xa hơn nữa. Còn nhớ, một thời Beeline đã quá tập trung vào làm thương hiệu, dành quá nhiều tiền của và thời gian cho quảng cáo mà bỏ quên việc nâng cao chất lượng. Beeline ra đời vào thời điểm thị trường mạng di động đã bão hòa. Chính vì vậy, đáng lẽ thay vì hô hào ầm ĩ, nhà mạng này nên xây dựng cộng đồng của riêng mình bằng việc đánh vào các thị trường ngách, xây dựng cộng đồng khách hàng bền vững. Đây chính là một gợi ý về hướng đi cho Avio mà ông Tuấn Anh muốn nói tới. Theo cách nhìn của ông Tuấn Anh, nếu nhà sản xuất điện thoại Việt có tầm nhìn, trước mắt làm thương hiệu, sau tự sản xuất điện thoại của mình thì sẽ có khả năng đi xa hơn ở thị trường này.
Theo Nguyễn Diệp
Doanh nhân
Các Nội Dung Liên Quan
- Năm bước để công bố bài báo quốc tế (17/07/2019)
- Trình diễn hệ điều hành Ubuntu for Android (04/08/2012)
- Trang web nghe nhạc Zing MP3 là “ổ chứa mã độc”? (01/04/2012)
- Xem cảnh báo tắc đường trên Google Maps (01/04/2012)
- Phần mềm cực độc giúp “thư giãn” trong ngày “cá tháng tư” (01/04/2012)
- Thăm trụ sở đẹp như mơ của “cha đẻ” Firefox (31/03/2012)
- Trải nghiệm miễn phí Photoshop CS6 vừa xuất hiện (31/03/2012)
- Xe tự lái của Google giúp… người mù tự lái xe (31/03/2012)
- Hơn một nửa dân Mỹ sử dụng sản phẩm của Apple (31/03/2012)
- CEO Apple ghé thăm nhà máy lắp ráp iPhone tại Trung Quốc (31/03/2012)