1

Công Tác Giáo Dục

In

Xin đừng như tôi!

Cập nhật 08/07/2009 - 10:31:31 AM (GMT+7)
Có người đã ví von rằng: sinh viên là một xã hội thu nhỏ -điều đó không sai chút nào. Biết bao sinh viên đã chôn vùi tuổi trẻ của mình ở chốn đô thành vì nhiều cám dỗ... đã cướp đi hoài bão của họ, trong đó có tôi. Mỗi lần thấy bạn bè tốt nghiệp Đại học ra trường, tôi vui mừng cho họ, nhưng lòng lại đau như cắt!

5 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi bước chân vào giảng đường Đại học. Chắc các bạn sẽ hỏi tôi hiện nay đã làm gì, công tác ở đâu? 5 năm là khoảng thời gian đủ để học gần 3 khoá trung cấp, 2 khoá cao đẳng, hay tốt nghiệp 1 trường đại học. Nhưng bây giờ tôi vẫn đang học năm thứ 2, nhưng không phải là tôi đang học văn bằng 2. Nhiều người sẽ cảm thấy lạ về điều đó phải không?

 

Tôi bước chân vào Đại học với biết bao niềm hi vọng của gia đình. Tôi mừng, ba mẹ anh chị tôi mừng, bạn bè, xóm giềng cũng mừng cho tôi. Đã lâu lắm rồi ở quê tôi mới có người đỗ đại học.
 
Ngày tôi xa quê, bố mẹ tôi đã dặn dò tôi rất kỹ, những anh chị sinh viên khoá trước cũng đã cảnh báo tôi về cuộc sống đầy cạm bẫy ở chốn thành thị. Nhưng tôi đã bỏ ngoài tai tất cả, trong mắt tôi cuộc sống chỉ là một màu hồng. Có lẽ tôi là một chàng trai lãng mạn nên không biết những cạm bẫy đang chờ đón mình ở chốn đất khách quê người. Và chính điều đó đã khiến tôi phải trả giá.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cuộc sống ở thành phố không yên bình như ở quê, nó ồn ào náo nhiệt và đầy phức tạp. Tôi nghĩ làm người thì ai cũng thật thà chất phác như người ở quê tôi, nhưng tôi đã lầm. Ở quê nhà, tôi chỉ biết học và học, thời gian rảnh thì giúp việc nhà cho bố mẹ chứ đâu biết rượu chè ăn chơi là gì.

 

Những ngày đầu tiên ở thành phố trôi qua lặng lẽ, sáng đi học, chiều về nhà học bài, tối ngủ. Tôi nghĩ cuộc sống sẽ chỉ đơn giản như vậy, tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học hành để sớm ra trường kiếm một việc làm ổn định để khỏi phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Nhưng ông trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người.

 

Sau một tháng xa nhà, tôi đã quen được rất nhiều bạn mới. Ai tôi cũng làm quen, tôi chỉ nghĩ đơn giản càng có nhiều bạn càng tốt chứ có vấn đề gì đâu. Ngoài nhóm bạn mới quen tôi còn chơi với các anh sinh viên đồng hương, tôi lấy các anh làm chỗ dựa trong cuộc sống, nhưng nào có ngờ họ đã “tu luyện” mấy năm trời, bây giờ đã trở thành “cao thủ” và sẵn sàng “truyền nghề” cho lớp đàn em như tôi.

 

Là sinh viên thì mới gặp nhau là nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, rảnh thời gian cũng nhậu..., nói chung là nhậu với bất cứ lí do nào (không biết SV ở các trường khác ra sao chứ tôi cam đoan ở Đà Nẵng sự thật là như vậy). Tôi bắt đầu lao vào các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, những lần đầu nôn thốc nôn tháo cũng sợ, nhưng nhờ sự “tôi luyện” của các bậc “tiền bối” tôi đã trở thành một “cao thủ”, và tôi đã tuột dốc từ đó.

 

Đêm uống rượu say, sáng dậy đầu đau như búa bổ, tôi không tài nào bước chân đi học nổi, vậy thì... ngủ tiếp. Mấy hôm đầu tôi tự nhủ nghỉ học một vài buổi cũng chẳng sao, nhưng dần dần tôi đã quen với việc... không đến trường. Về sau cho dù đêm không nhậu thì sáng tôi vẫn không đi học, mà la cà ở các quán cà phê, tiệm internet, có khi cả tháng trời tôi mới đến lớp... 1 lần. Tôi quen nhiều “cao thủ” hơn và cũng học được nhiều trò ăn chơi mới hơn. Cá độ bóng đá, lô đề, bài bạc, game online..., không trò nào là tôi không biết, mà đã biết thì nghiện luôn.

 

Ban đầu chơi với số tiền nhỏ, nhưng càng chơi thì càng lớn dần. Tiền tháng bố mẹ gửi không đủ cho tôi nướng vào một trận bóng đá, xe máy luôn nằm ở tiệm cầm đồ. Tôi trở thành một con nợ, ban đầu thì nợ bạn bè, hết người để mượn tiền thì vay nóng, thuê xe đem đi cắm ở các tiệm cầm đồ. Tôi không còn khái niệm học hành nữa, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ cách kiếm tiền để mà ăn chơi, để thể hiện với đàn anh. Tôi để ngoài tai những lời khuyên của bạn bè, của bố mẹ và tôi phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra.

 

Mới năm thứ nhất mà tôi đã nợ tới...12 môn học và tất nhiên tôi bị đuổi học. Mẹ tôi khóc ngày khóc đêm, lo lắng, buồn phiền vì tôi nên đổ bệnh nặng và mất. Bố tôi thì tái phát bệnh cũ, ông phải bán tất cả tài sản (trừ ngôi nhà để ở), vay họ hàng, ngân hàng để vào trả nợ cho tôi, chỉ trong một thời gian ngắn mà bố đã gầy đi rất nhiều. Bạn bè, người thân, ai cũng... ngán tôi, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt trách móc.Tuy bị đuổi học nhưng tôi cũng không chịu về quê mà ở lại thành phố để tiếp tục ăn chơi, mẹ ốm ở nhà tôi cũng mặc kệ (có lẽ tôi là thằng con bất hiếu nhất trên đời).

 

Căn bệnh quái ác đã cướp mất mẹ tôi, chính điều đó đã khiến tôi hối hận và thức tỉnh bản năng làm người trong tôi. Mẹ là người thương tôi nhất và cũng là người mà tôi thương yêu nhất trên đời. Mẹ mất khiến tôi đau đớn, buồn bã, dằn vặt, hối hận suốt một thời gian dài, nhiều lúc tôi muốn kết liễu cuộc đời để đi theo mẹ nhưng tôi không thể, bởi vì tôi còn bố. Nếu tôi làm thế thì bố tôi làm sao sống nổi trên cõi đời này nữa. Thâm tâm tôi luôn tự hứa sẽ làm lại từ đầu, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm bố vui, để xoá vết nhơ mà tôi đã gây ra.

 

Ba năm sau, tôi thi lại đại học và đỗ vào một trường tư thục. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bố tôi vẫn tạo điều kiện cho tôi đi học. Bạn bè, nguời thân ai cũng mừng và động viên tôi. Tôi cũng đã cố gắng học hành để không phụ lòng bố tôi. Hiện tại tôi đang học năm thứ 2, trong khi bạn bè cùng lứa đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, có đứa đã lập gia đình, nhiều lúc nghĩ cũng buồn nhưng biết làm sao được, mình gây ra lỗi lầm thì mình phải tự sửa chữa thôi. Phía trước là cả chặng đường dài đầy chông gai nhưng tôi tin sẽ vượt qua nó, bài học rút ra từ sai lầm quá khứ sẽ giúp ích tôi rất nhiều trong tương lai.

 

Đây là sự thật về đời sinh viên của tôi, mong các bạn hãy lấy đó làm bài học, đừng bao giờ phạm sai lầm như tôi. Cuộc đời còn lắm cạm bẫy chông gai, hãy rèn luyện bản lĩnh để vượt qua nó.

 

                                                Tinh Nguyen nguyendun_dtvt@yahoo.com

 

LTS Dân trí - Nỗi niềm tâm sự của một sinh viên viết bài trên đây đúng là một bài học phản diện cho những sinh viên mới bước chân từ nông thôn ra thành phố. Do hoàn cảnh sống có nhiều đổi thay, lại sống xa nhà, không có cha mẹ nhắc nhở, rất dễ rơi vào cạm bẫy khó lường đối với tuổi trẻ.

 

Từ bậc học phổ thông lên đại học, mọi sinh viên đều đứng trước những điều mới mẻ, từ cách giảng dạy của thầy đến nội dung chương trình cũng như phương pháp học tập. Những sinh viên nào không sa đà vào việc ăn chơi, biết tập trung thời gian cho học tập và biết rút kinh nghiệm về phương pháp học tập, thì thời gian bỡ ngỡ ban đầu sẽ nhanh qua đi, công việc học tập đi vào nền nếp và sẽ đạt được kết quả tốt. Đấy chính là nguồn vui chân chính đối với những sinh viên biết phấn đấu vượt qua những khó khăn để thực hiện ước mơ của mình.

 

Theo Dan Tri

Các Nội Dung Liên Quan


VIDEO CLIPS