Khoa Học Công Nghệ
InNăm bước để công bố bài báo quốc tế
Cập nhật 17/07/2019 - 08:43:25 AM (GMT+7)Trong quy trình năm bước, khâu xét duyệt là khó khăn nhất bởi quyết định bài báo có được công bố hay không.
Mỗi tạp chí có thể có yêu cầu riêng, nhưng nhìn chung các tác giả sẽ trải qua 5 bước khi gửi bài báo để công bố quốc tế.
Chuẩn bị
Muốn có công bố quốc tế, tác giả phải nhìn nhận nghiên cứu của mình có điểm gì nổi bật, tính mới thế nào và đóng góp gì cho khoa học. Yếu tố mới của nghiên cứu khoa học là tiêu chí tiên quyết để được chấp thuận đăng bài. Để có yếu tố mới thì ý tưởng của công trình phải khác với những gì đã có trong quá khứ.
Với gần 200 bài báo quốc tế và đa số trong nhóm q1, giáo sư Trương Nguyện Thành (Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen) cho rằng, trước khi cầm bút viết một chữ cho bài báo, bạn cần có câu trả lời cho câu hỏi như: Bạn muốn bài báo đạt được điều gì? Câu chuyện mà bạn muốn viết là gì? Tại sao người khác phải quan tâm đến nó và người quan tâm đó là ai, trình độ kiến thức của họ thế nào?
"Đừng bắt đầu viết cho đến khi có câu trả lời cho câu hỏi trên. Nếu câu trả lời là tôi phải làm thì chưa đủ để bạn bắt đầu", giáo sư Thành cho hay.
Sau khi chắc chắn công trình có tính mới, tác giả cần lên khung bài và hoàn thiện bài viết.
Để một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế cần trải qua 5 bước. |
Chọn tạp chí và gửi bản thảo
Ban đầu, tác giả có thể chọn ra ba tạp chí phù hợp, sau đó loại dần còn một. Để làm được điều này cần lưu ý người quan tâm đến kết quả nghiên cứu là ai và họ thường đọc tạp chí nào? Tạp chí nào xuất hiện nhiều và phù hợp với phương án nghiên cứu của bài?
Tác giả nên tự đánh giá tầm ảnh hưởng của bài báo và chọn tạp chí với tầm ảnh hưởng của IF phù hợp. Tạp chí càng chuyên đề thì hệ số ảnh hưởng IF càng thấp nhưng xác suất đăng cao hơn. Nếu từng đăng bài ở tạp chí có IF lớn hơn 2, tác giả không nên chấp nhận đăng ở tạp chí IF nhỏ hơn 2.
Sau khi lựa chọn được nơi sẽ gửi bài báo, người viết cần tìm hiểu xem tạp chí đó yêu cầu sử dụng mẫu thế nào để đáp ứng.
Xét duyệt
Đây là khâu khó nhất. Trong phần này, tổng biên tập (editor) sẽ đọc phần giới thiệu ngắn về bài báo, xem bài có chất lượng, nội dung phù hợp với tạp chí không. Sau khi xem xét, tạp chí sẽ chọn các chuyên gia đầu ngành để phản biện, 2 người hoặc có thể 5 người tùy tạp chí đó. Thời gian phản biện có thể 3-4 tuần hoặc lâu hơn. Tác giả có thể nêu 2-3 người phản biện bài của mình, nhưng tổng biên tập có thể không chọn và nếu có thì thường chỉ chấp thuận một.
Tạp chí sẽ nhận ý kiến phản biện và gửi cho tác giả (tác giả không biết phản biện là ai và chỉ liên hệ thông qua tạp chí).
Dù là giai đoạn khó nhưng với nhiều nhà khoa học đây là khâu hấp dẫn bởi nó quyết định bài báo có được đăng hay không. "Có khi bên phản biện nêu vài chục vấn đề với bài báo, như tôi từng bị hỏi hơn 30 vấn đề", anh Phạm Văn Thế (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật) nói.
Sửa chữa
Nhận ý kiến phản biện, tác giả có quyền sửa hoặc không, nhưng đều phải giải trình. Nếu tạp chí, phản biện và tác giả đều thống nhất chung thì sẽ được đăng và ngược lại. Toàn bộ quy trình này diễn ra khoảng 6 tháng.
Trường hợp bị từ chối, tác giả cần kiên nhẫn xem lại toàn bộ bài viết, từ cách đặt tiêu đề, đề mục đến nội dung chính và gửi đi tạp chí khác.
Theo giáo sư Trương Nguyện Thành, tác giả nên phân loại theo tính khách quan và chủ quan của người phản biện. Người viết nên đồng ý với yêu cầu khách quan giúp nâng cao chất lượng bài báo. Còn những yêu cầu có tính chủ quan hoặc làm phức tạp, phân tích mà không thay đổi kết luận thì nên từ chối và nêu rõ lý do trong thư phản hồi.
"Tác giả nên sửa chữa vừa đủ để thuyết phục ban biên tập và phản biện là tác giả đặt mục tiêu chất lượng và danh dự lên trên vấn đề bài báo được xuất bản hay không. Lúc ấy những yêu cầu vô lý của người phản biện sẽ được cho qua", giáo sư Thành cho hay.
Quảng bá
Sau khi bài báo được xuất bản, tác giả cũng cần quảng bá nghiên cứu đến bạn bè trong ngành. Gửi email và kèm theo pdf sao chép của bài báo đến khoa học gia đầu ngành. Nếu công trình nghiên cứu có liên quan và tác giả có nhắc đến công trình của họ trong bài báo cũng nên nói trong email.
Ngày nay hệ thống như Research Gate sẽ giúp việc quảng bá công trình nghiên cứu dễ dàng hơn.
(Theo VnExpress)
Các Nội Dung Liên Quan
- Trình diễn hệ điều hành Ubuntu for Android (04/08/2012)
- Trang web nghe nhạc Zing MP3 là “ổ chứa mã độc”? (01/04/2012)
- Xem cảnh báo tắc đường trên Google Maps (01/04/2012)
- Phần mềm cực độc giúp “thư giãn” trong ngày “cá tháng tư” (01/04/2012)
- Ultrabook “chật vật” tìm chỗ đứng tại Việt Nam (31/03/2012)
- Nhà sáng lập Facebook bất ngờ ghé thăm Trung Quốc (31/03/2012)
- Cận cảnh máy tính bảng giá rẻ nhất 1,8 triệu đồng (31/03/2012)
- Sao trẻ Justin Bieber “gặp hạn” vì Twitter (31/03/2012)
- Thăm trụ sở đẹp như mơ của “cha đẻ” Firefox (31/03/2012)
- Trải nghiệm miễn phí Photoshop CS6 vừa xuất hiện (31/03/2012)