1

Khoa Học Công Nghệ

In

Ultrabook “chật vật” tìm chỗ đứng tại Việt Nam

Cập nhật 31/03/2012 - 07:21:38 AM (GMT+7)
(Dân trí) - Dồn dập đổ bộ thị trường Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên laptop siêu mỏng ultrabook vẫn đang rất chật vật để tìm chỗ đứng trên thị trường máy tính xách tay, nhất là khi giá thành của sản phẩm vẫn có sự chênh lệch rất lớn so với laptop truyền thống.
Giá sản phẩm “trên mây”

Thời gian qua, thị trường máy tính xách tay trong nước chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của những mẫu laptop siêu mỏng ultrabook, từ Samsung, Acer, Toshiba, Lenovo… đều lần lượt ra mắt sản phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, hiện tại giá của các mẫu ultrabook đang được phân phối tại thị trường Việt Nam vẫn còn ở mức khá cao so với các dòng laptop truyền thống khác.

Ultrabook-VN-1_ba3a6.jpg
Ultrabook mỏng nhất thế giới của Toshiba có giá “khủng” hơn 32 triệu đồng tại Việt Nam

Đơn cử như mẫu ultrabook mỏng và nhẹ nhất thế giới PORTÉGÉ Z830 được Toshiba giới thiệu tại thị trường Việt Nam vào cuối năm ngoái có giá lên đến 32,3 triệu đồng. 2 mẫu ultrabook của Asus là Zenbook UX 21 và Zenbook UX 31 được ra mắt vào tháng 11 năm ngoái cũng có giá khá “chát”, lần lượt 26,5 và 29,5 triệu đồng. Lenovo cũng bán mẫu ultrabook U300 với giá gần 30 triệu đồng.

Samsung cũng vừa ra mắt 2 mẫu ultrabook của mình tại thị trường Việt Nam, với mức giá được xem là “mềm” hơn các đối thủ, nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của thị trường laptop, với 2 mẫu sản phẩm thuộc dòng Ultrabook Series 5 có giá 20 triệu cho phiên bản màn hình 13-inch và 23 triệu cho phiên bản 14-inch. Có giá “mềm” nhất trong số các mẫu ultrabook đang bán tại Việt Nam có thể kể đến Acer với mẫu sản phẩm Aspire S3, với giá tương đương 20 triệu đồng.

Ultrabook-VN-2_0e99a.jpg
Các người mẫu trình diễn ultrabook của Lenovo trong buổi ra mắt

Sức mua đã tăng, nhưng số lượng bán ra vẫn thấp

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /?>

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Giám đốc phát triển ngành hàng laptop của Thế giới di động, sức mua trên thị trường Ultrabook đã tăng đúng như mong đợi mặc dù số lượng máy bán ra tại chuỗi siêu thị này mới chỉ đạt khoảng 200 máy/tháng trong tổng số 10.000 laptop mà hãng tiêu thụ được. Cũng tương tự, tại hệ thống FPTShop, doanh số Ultrabook vẫn đang rất nhỏ so với laptop, mỗi tháng chuỗi siêu thị này bán được từ 80-100 máy.

 

Bà Thương cho rằng Ultrabook thực sự vẫn đang ở thời điểm giá cao nên không thể so sánh với thị trường laptop nói chung được. Tuy nhiên, đại diện chuỗi siêu thị này nhận xét Ultrabook là điểm sáng trên thị trường laptop trong năm nay bởi dòng máy này có rất nhiều ưu điểm, như thiết kế siêu mỏng, nhẹ, và pin lâu. Ultrabook được đánh giá rất tiềm năng, và có thể cạnh tranh được với máy tính bảng khi giá bán dòng máy tính này “hạ nhiệt”. Samsung là hãng mới nhất chào bán ultrabook với giá bán rất cạnh tranh, dưới 20 triệu và cùng nhiều chương trình khuyến mãi lớn.

 

Theo tiết lộ của bà Thương, trong đợt nhận đặt hàng trước trên website, chỉ trong vòng 1 tuần, Samsung đã bán được gần 100 máy. Đây là một con số ấn tượng khi mà ultrabook vẫn còn là mặt hàng “kén khách”.

 
Trong khi đó, hiện tại rất khó để tìm ultrabook trên các cửa hàng kinh doanh tư nhân. Theo chia sẻ của anh Thanh Phong, đại diện của hàng kinh doanh laptop HL (Phố Vọng, Hà Nội), khách hàng vẫn ưa thích laptop truyền thống hơn so với các mẫu ultrabook, mà lý do chính vẫn là vì giá của ultrabook còn quá cao.Với mức giá của ultrabook, người dùng có thể dễ dàng tìm được những sản phẩm thay thế có cấu hình cũng không quá tệ, nhưng giá chỉ bằng phân nửa. Nhiều mẫu laptop truyền thống hiện nay được trang bị vi xử lý Core i thế hệ mới của Intel nhưng mức giá chưa đến 10 triệu đồng, trong khi đó với mức giá 20 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu nhiều mẫu laptop Core i 7 mạnh mẽ không kém gì ultrabook.

Ultrabook-VN-3_7c1ce.JPG
Laptop truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường máy tính xách tay trong nước

Bên cạnh đó, nhu cầu của người dùng cũng là một lý do khiến ultrabook đang “lép vế” so với các dòng laptop truyền thống hiện tại. Với nhu cầu phổ thông của phần lớn người dùng, chủ yếu sử dụng laptop cho các công việc đơn giản như soạn thảo văn bản hay duyệt web, thì cấu hình mạnh và những công nghệ mới của ultrabook được xem là “thừa thãi”.

Trong khi đó với người dùng chuyên nghiệp, đòi hỏi sử dụng máy tính cấu hình mạnh để phục vụ các công việc chủ yếu như đồ họa hay thiết kế, thì nhiều người vẫn chọn máy tính để bàn hơn vì sử dụng desktop dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc thay đổi và nâng cấp cấu hình.

Với cùng một mức giá, người dùng đang đặt Ultrabook lên bàn cân cùng với MacBook Air của Apple. Sản phẩm của Apple đang có lợi thế bởi thương hiệu luôn được người dùng đánh giá cao.

Theo nhận xét của anh Phong, nếu ultrabook vẫn tiếp tục giữ mức giá cao như hiện nay thì rất khó để cạnh tranh  và tìm chỗ đứng trên thị trường laptop, và có thể phải chờ đến tận năm sau, khi Intel ra mắt thế hệ vi xử lý mới và giảm giá thế hệ vi xử lý cũ, lúc đó giá thành của ultrabook mới có điều kiện để giảm giá và có cơ hội cạnh tranh trên thị trường máy tính xách tay.

Tuy nhiên, đại diện FPTshop rất lạc quan: “Ultrabook sẽ là một chuẩn máy tính của tương lai có khả năng thay thế dần các máy tính truyền thống, và với một thị trường nhạy về công nghệ như Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó”.

T.Thủy - Khôi Linh

Các Nội Dung Liên Quan


VIDEO CLIPS

photo-99
photo-100
photo-101
photo-102