1

Người Thành Công

In

"Cô gái triệu đô" của làng startup Việt

Cập nhật 10/09/2015 - 09:02:16 AM (GMT+7)

"Khởi nghiệp là quá trình chứ không phải đích đến", đó là quan niệm của Trương Thanh Thủy.

Chỉ hơn 12 tháng sau khi thành lập, một công ty khởi nghiệp (start-up) có trụ sở tại TP.HCM đã được hãng công nghệ Weeby.co đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với mức giá lên đến hàng triệu USD. Đó chính là start-up Tappy do nhà khởi nghiệp trẻ Trương Thanh Thủy đồng sáng lập và trực tiếp điều hành.

Sản phẩm chính của Tappy là ứng dụng di động “tám”, cho phép những người dùng đang ở cùng một địa điểm có thể dễ dàng trò chuyện với nhau. Còn đối với các doanh nghiệp như nhà hàng hay quán bar, “tám” cho phép đưa thông tin giảm giá/khuyến mãi đến khách hàng ngay trên thiết bị di động của họ đúng lúc đúng chỗ. Tiềm năng của sản phẩm này đã phần nào được nhìn nhận bởi không lâu sau khi ra mắt, Tappy đã được quỹ tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng 500 Startups cùng một số nhà đầu tư cá nhân rót 200.000 USD vốn ban đầu.

Thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa Weeby.co và Tappy cũng là lần đầu tiên start-up Việt Nam về tay một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Tuy giá bán cụ thể không được công bố, nhưng theo Trương Thanh Thủy, các nhà đầu tư của Công ty đều tỏ ra hài lòng với giá trị thương vụ này. Còn bản thân Thủy, quyết tâm khởi nghiệp với công nghệ cuối cùng đã đơm quả ngọt, dù Tappy không phải là start-up đầu tiên cô xây dựng sau khi trở về Việt Nam.

Theo gia đình sang Mỹ định cư khi mới vừa 17 tuổi, Thủy phải học thêm một năm phổ thông tại Mỹ. Hai năm sau đó, cô theo học ngành Kỹ sư Máy tính ở Pasadena City College; rồi nhận được học bổng liên thông vào Đại học Nam California (USC) và hoàn thành chuyên ngành Khoa học Máy tính tại đây vào năm 2009.

“Sáu năm ở Mỹ, chưa ngày nào tôi ngủ hơn 6 tiếng. Lúc nào cũng phải đối mặt với áp lực tài chính cho cuộc sống và tiếp tục theo học. Nước Mỹ cho tôi rất nhiều thứ như học bổng, cơ hội và kinh nghiệm làm việc... Nhưng Mỹ là đất nước của vội vã, sòng phẳng đến cứng nhắc, lấy đi của tôi nhiều thứ về tinh thần”, Thủy tâm sự.

Thời điểm bắt đầu năm học cuối cùng tại USC cũng là lúc cô quyết định phải trở về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp, dù gia đình không mấy ủng hộ và bản thân đang có trong tay công việc thu nhập tốt ở một hãng bảo hiểm quy mô lớn của Mỹ.


Trương Thanh Thủy, đồng sáng lập start-up Tappy

Có chuyên môn về công nghệ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nhưng Trương Thanh Thủy lại khởi sự kinh doanh tại Việt Nam với mô hình kinh doanh kem sữa chua bằng chuỗi nhà hàng mang tên Parallel. Có người quen sở hữu mặt bằng rộng rãi ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), cô cùng người bạn thân khai trương nhà hàng kem sữa chua Parallel đầu tiên ở đây vào giữa năm 2009. Lúc cao điểm, chuỗi kinh doanh này hoạt động cùng lúc ở 4 chi nhánh, trong đó bao gồm địa điểm ở 2 trung tâm thương mại Vincom và NowZone tại TP.HCM.

Bước ngoặt đưa Trương Thanh Thủy trở lại đam mê công nghệ diễn ra vào năm 2010, khi một bạn học cũ ở USC sang Việt Nam thăm cô. Người này là Elliot Lee, sáng lập start-up GreenGar mà sau đó Thủy trở thành đồng sáng lập và trực tiếp điều hành.

“Elliot nói rằng những ứng dụng di động mà chúng tôi cùng phát triển khi còn đi học đã thu hút được một lượng lớn người dùng trên khắp thế giới và muốn tôi tham gia để tiếp tục phát triển start-up GreenGar, lúc đó chỉ có mình anh ấy. Thế là tôi đứng ra xây dựng GreenGar thành một công ty hoàn chỉnh, đóng tại TP.HCM”, Thủy kể.

Cũng chính nhờ cơ duyên với GreenGar, start-up công nghệ đầu tiên của Trương Thanh Thủy tại Việt Nam, mà cô đã tạo được mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở cả trong lẫn ngoài nước. Thủy và Elliot chính là những người đầu tiên có sáng kiến đưa mô hình cuộc thi lập trình Hackathon đến với sinh viên Việt Nam vào năm 2011. Cuộc thi Hackathon đầu tiên diễn ra thiếu thốn đủ bề, đến nỗi Thủy đã phải huy động nhân viên của GreenGar và chuỗi Parallel, cũng như bỏ tiền túi làm phần thưởng cho người chiến thắng.

Kết thúc năm 2011, start-up GreenGar đạt doanh thu nửa triệu USD từ các ứng dụng di động được Công ty phát hành trên hệ điều hành iOS và Android.

Trong số các sản phẩm của GreenGar, nổi bật phải kể đến Whiteboard, một ứng dụng cho phép người dùng tương tác trực tuyến với nhau bằng cách vẽ hình hoặc viết các đoạn ghi chú. Bài thuyết trình về mô hình kinh doanh của Whiteboard đã giúp Trương Thanh Thủy vượt qua 290 ứng viên để đoạt giải nhì cuộc thi PITCH Competition Women 2.0 năm 2013 diễn ra ở San Francisco (Mỹ). Và cô cũng đã đóng cửa chuỗi nhà hàng sữa chua kem Parallel để tập trung vào start-up của mình.

Sau cuộc thi, GreenGar của Thủy được đề cử tham gia vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp 500 Startups và trở thành start-up Việt Nam đầu tiên lọt vào mắt xanh của quỹ danh tiếng này. 500 Startups đã sắp xếp cho GreenGar một nơi làm việc tại Thung lũng Silicon và tài trợ số vốn nhỏ để Công ty tiếp tục phát triển sản phẩm.

“Ba tháng tham gia 500 Startups, tôi đã nói chuyện và thuyết trình với hàng trăm nhà đầu tư công nghệ. Nhưng cuối cùng GreenGar đã không thể gọi thêm đồng vốn nào bởi lý do đơn giản là chúng tôi đã bước qua đỉnh thành công. Bà Giám đốc Quỹ Intel Capital Christine Herron, cũng là một người dùng sản phẩm Whiteboard, lúc đó đã khuyên tôi hãy trở về Việt Nam và xây dựng start-up mới thật nổi bật sao cho các nhà đầu tư phải bay sang để đổ vốn”, Thủy nói.

Thế là, dù GreenGar từng có được một sản phẩm đặc biệt như Whiteboard với hơn 9 triệu lượt tải về trên khắp thế giới và mang về nguồn thu không nhỏ cho những người sáng lập, start-up này vẫn loay hoay tìm lối ra trong dài hạn. Cuối năm 2013, Elliot rời khỏi GreenGar và Thủy tuyên bố đóng cửa start-up đầu tiên của mình.

Trương Thanh Thủy quan niệm rằng khởi nghiệp là quá trình chứ không phải đích đến. Thế nên sau mỗi chặng đường, cô đều rút được cho mình những bài học hữu ích. Với chuỗi nhà hàng kem sữa chua Parallel, đó là bài học đầu tiên về vốn và vấn đề sở hữu. Còn sau trải nghiệm ở GreenGar, Thủy bắt đầu thấu hiểu được vai trò của mối quan hệ trong kinh doanh, cũng như quan điểm của nhà đầu tư đối với start-up. “Phải biết ai thực sự muốn mua và phải bán những gì họ muốn. Chọn đúng đối tác đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Và start-up bắt buộc phải có cố vấn pháp lý hiểu vấn đề và phải giỏi”, cô chia sẻ.

Tất cả những bài học đó đã giúp nữ doanh nhân trẻ này thành công với start-up công nghệ thứ 2 của mình tại Việt Nam. Bán Tappy, một start-up chỉ hơn 12 tháng tuổi, được giá cho một công ty công nghệ đến từ Thung lũng Silicon, Thủy cũng đã mở ra hướng đi mới cho cộng đồng khởi nghiệp về mặt thoái vốn của các nhà đầu tư. Trước đây, đa số các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ vốn chỉ là giao dịch nội bộ giữa start-up thành viên trong cùng một công ty mẹ, hay các công ty trong nước mua lẫn nhau. Với thương vụ của Tappy, rõ ràng start-up Việt hoàn toàn có thể nằm trong kế hoạch M&A của các hãng công nghệ nước ngoài nếu thỏa mãn những giá trị mà họ đang tìm kiếm.

Với Tappy, giá trị quan trọng nhất thu hút Weeby.co chính là chất xám. Theo Thủy, sản phẩm thì start-up nào cũng có thể phát triển vì chỉ là vấn đề kỹ thuật và thời gian, nhưng điểm đặc biệt của Tappy nằm ở chỗ đây là một trong số ít start-up trong khu vực quy tụ được các đồng sáng lập có nhiều kinh nghiệm.

“Ngoài tôi còn có Leslie Ngân Nguyễn, kỹ sư từng xây dựng Groupon, Box và ứng dụng VoIP của Cisco; và Vũ Duy Thức, nhà đồng sáng lập start-up Katango được Google mua lại từ năm 2011. Weeby.co muốn chúng tôi cùng phát triển mảng kinh doanh ứng dụng giải trí trên di động của họ tại thị trường châu Á và tìm kiếm các đối tác ở Việt Nam trong thời gian tới”, Thủy cho hay.

Các Nội Dung Liên Quan


Tính Năng Thường Dùng

photo-99
photo-100
photo-101
photo-102

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Tổ Tư Vấn
    Facebook YouTube
    Google + Twitter
  • 08) 38 505 520
    Ext: 106 - 107
  • Địa Chỉ liên lạc:
    180 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh