1

Gương Sáng

In

Chàng trai 25 tuổi 'made in Vietnam' với 17 bài báo quốc tế

Cập nhật 06/12/2016 - 09:34:49 AM (GMT+7)

Hoàn toàn được đào tạo trong nước, chưa bao giờ được ra nước ngoài dự một sinh hoạt khoa học nào, đang là nghiên cứu sinh mới bước vào năm thứ ba, nhưng Phạm Hồng Công đã có 17 bài báo quốc tế.

Phạm Hồng Công (áo trắng, bên phải) đang nghe GS Nguyễn Đình Đức giảng bài

Phạm Hồng Công (áo trắng, bên phải) đang nghe GS Nguyễn Đình Đức giảng bài

Con đường đến với khoa học của chàng trai mồ côi cha

Công sinh ra và lớn lên ở Trung Mỹ, một xã miền núi của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ cách thị xã Vĩnh Yên khoảng hơn 10 km thôi mà dường như đã bước sang một thế giới khác. Người dân phần lớn là bà con dân tộc (quá nửa là người Sán Dìu). Đời sống kinh tế xã hội khó khăn (cách đây dăm năm, xã còn thuộc diện xã 135).

Gia cảnh nhà Công thì đỡ hơn nhờ có đồng lương giáo viên tiểu học của mẹ. Tuy nhiên, do bố mất khi mới em học lớp 4 nên để nuôi được Công và chị gái ăn học đến nơi đến chốn, mẹ Công đã phải chịu vô vàn nhọc nhằn. Thương mẹ, và thấm thía phận nghèo của người dân vùng quê lam lũ, Công xác định mình chỉ còn một con đường học giỏi để “thoát ly”.

Rất may, chị gái học giỏi nên Công chỉ việc nhìn vào tấm gương của chị để học tập. Thi đại học cũng là do chị gái “định hướng”, chị học sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì em học trường công nghệ gần đó (Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) để tiện bề qua lại, chăm sóc, bảo ban nhau. Hai chị em cùng ở ký túc xá của trường.

Hóa ra lại hay, vì nhờ môi trường đó mà Công hòa nhập đời sống sinh viên rất tốt. Em còn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của sinh viên tại ký túc xá, cộng với thành tích học tập xuất sắc nên được vào Đảng khi là sinh viên năm cuối.

Vào trường với điểm thi đầu vào khá cao (25 điểm), thành tích học tập luôn luôn dẫn đầu nên gần như năm nào, Công cũng được học bổng. Điều này không chỉ khích lệ Công mà còn giúp em cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho Công có thể chuyên tâm học hành. Cơ may đến khi Công được học thầy Nguyễn Đình Đức, một trong những nhà khoa học uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite, bắt đầu giao cho làm các bài tập lớn. “Hồi ấy vào khoảng cuối năm thứ 2. Thầy vào lớp hỏi, ai học giỏi toán nhất, các bạn chỉ vào em. Thầy lại hỏi, ai được điểm trung bình môn cao nhất, các bạn lại chỉ vào em. Vậy là em được chọn”, Công nhớ lại.

Không chỉ Công là sinh viên duy nhất được thầy “chọn”. Ban đầu, cùng nhóm được thầy giao làm thêm bài tập lớn với Công còn có khoảng 5 - 6 bạn, nhưng chỉ duy nhất mỗi mình Công “trụ” lại được, từ đó giúp Công đến với các công trình đẳng cấp được làm chung cùng thầy, mà khởi đầu là bài báo đầu tiên được đăng trên một tạp chí ISI (ISI là tên gọi những tạp chí khoa học quốc tế có uy tín), khi Công đang là sinh viên năm thứ 3.

“Ngay cả khi bắt đầu theo thầy Đức tập tành nghiên cứu thì với sinh viên chúng em, bài báo quốc tế là một khái niệm xa vời. Vì vậy khi thầy thông báo bài đã được đăng thì em rất xúc động, tự hào. Nó cũng là đốm lửa nhen lên trong em niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp, nếu mình cứ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học”, Công chia sẻ.

Pham-Hong-Cong

Phạm Hồng Công (trái) và GS Nguyễn Đình Đức

17 bài báo tạp chí ISI

Riêng trong thời sinh viên, Công được đứng tên cùng thầy trong 5 bài báo quốc tế. Ngoài ra em còn có một giải nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội tặng. Thành tích này là điểm cộng trong hồ sơ (cùng với hai yếu tố khác là tốt nghiệp đại học bằng xuất sắc, có công trình trên tạp chí ISI) giúp Công được phép làm thẳng nghiên cứu sinh mà không phải học qua thạc sĩ.

Sau hơn 2 năm làm nghiên cứu sinh do chính GS Nguyễn Đình Đức trực tiếp hướng dẫn, Công tiếp tục có thêm 12 bài báo được công bố quốc tế nữa. Hiện nay bài thứ 18 của Công đã qua được nhiều vòng phản biện và sắp được đăng.

Công cho biết: “Bí quyết của em là chăm chỉ, làm việc rất tập trung, và kiên trì. Khi mới bước vào cuộc đời sinh viên, em cũng như nhiều bạn trẻ Việt Nam khác là khả năng tự học rất kém. Nhưng cách học ở ĐH buộc em phải thay đổi. Em chủ động tìm tài liệu đọc, chủ yếu là tài liệu tiếng Anh. Hồi đó tiếng Anh của em rất kém, nhưng em vẫn tự đọc tự dịch thông qua sự hỗ trợ của từ điển. Đọc nhiều thì không chỉ kiến thức của mình được mở rộng ra mà vốn từ vựng tiếng Anh khá hơn hẳn”.

Theo Công, may mắn lớn nhất của em là được “gặp thầy” Nguyễn Đình Đức, được tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Vật liệu và kết cấu tiên tiến của thầy, một môi trường nghiên cứu khoa học tốt bậc nhất trong nước. Công nói: “Em rất tự hào vì thầy em rất giỏi. Thầy đã lập được một nhóm nghiên cứu mạnh, tạo dựng được một phòng thí nghiệm mà tại đó đã thu hút nhiều tiến sĩ trẻ, giỏi đến từ nhiều trường ĐH khác nhau ở trong và ngoài nước. Qua thầy, em được gặp và học hỏi từ nhiều giáo sư đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực mà em theo đuổi đến từ các nước khác nhau”.

Tuy nhiên, theo Công, một thiệt thòi mà Công và các bạn trẻ đam mê khoa họcđang cùng phải chịu là cơ hội tham gia sinh hoạt khoa học với cộng đồng khoa học quốc tế (ví dụ như đi dự hội thảo) ở nước ngoài là gần như không có. “Dù các thầy đã tạo được một môi trường đào tạo tiến sĩ rất tốt ở ngay trong nước, các thầy cũng cố gắng mời bạn bè quốc tế đến hợp tác, trao đổi, để nghiên cứu sinh có được cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học quốc tế, nhưng dẫu sao thì “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, việc đi ra ngoài không chỉ giúp chúng em mở rộng mối quan hệ với giới khoa học quốc tế mà còn mở rộng tầm nhìn cho chúng em”, Công tâm sự.

“Công rất thông minh, được đào tạo bài bản, lại cần cù và say mê, có hoài bão khát khao vươn lên đỉnh cao khoa học. Những điều đó đã giúp Công sớm thành công trong con đường nghiên cứu khoa học.

Nhưng trong số các học trò của tôi, trường hợp Công không phải là duy nhất. Có một bạn khóa trên (là Trần Quốc Quân, hiện đang đi trao đổi khoa học ở Anh) cũng rất xuất sắc. Nếu chúng ta tạo điều kiện tốt để các em chuyên tâm làm khoa học, tôi tin chắc cả Quân và Công đều có thể trở thành giáo sưkhi tuổi đời còn trẻ và sẽ có những đóng góp xứng đáng cho ngành cơ học của Việt Nam.

Hoàn cảnh gia đình của các em đều khó khăn, điều kiện làm việc của thầy trò hầu như chưa có đầu tư gì, vậy mà các em say sưa làm việc nghiêm túc, kết quả nghiên cứu được như vậy, có thể nói còn hơn cả nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài, là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng”.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng phòng thí nghiệm vật liệu và kết cấu tiên tiến, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin