Kinh Nghiệm Việc Làm
In“SỐNG CHUNG” VỚI CÔNG VIỆC BẠN GHÉT
Cập nhật 01/07/2014 - 09:04:39 AM (GMT+7)Làm công việc bạn ghét thật chẳng dễ chút nào! Tuy nhiên, không phải ai cũng dám từ bỏ ngay công việc đó trước khi có được một công việc khác. Bạn vẫn phải vui vẻ chịu đựng nó cho đến khi kiếm được một công việc mới. Dù bạn đang “mắc kẹt” với công việc hiện tại để trang trải cuộc sống hay chịu đựng để chờ một cơ hội mới, hãy khám phá những mẹo sau để bạn luôn sống vui với công việc hiện tại:
Mỗi tuần một mục tiêu
Hãy chú ý đến “phần thưởng” mình nhận được khi hoàn thành công việc, bạn sẽ dễ dàng làm việc hơn. Ngay cả khi bạn ghét công việc hiện tại, vẫn còn những điều có thể khiến bạn vui vẻ. Hãy xác lập mục tiêu của từng tuần làm việc để giúp bạn tìm cơ hội nghề nghiệp mới. Mỗi tuần bạn có thể phấn đấu gửi đi 5 hồ sơ tìm việc hoặc tham gia một buổi networking. Xác lập những mục tiêu như vậy sẽ cho bạn một cái đích để nhắm đến.
Mỗi ngày làm một việc để tiến gần đến mục tiêu
Bạn không nhất thiết phải đạt hết tất cả mục tiêu chỉ trong một ngày mà hãy phân bổ chúng ra nhiều ngày. Buổi sáng thức dậy, bạn hãy xác lập mục tiêu của ngày hôm ấy và đảm bảo mình sẽ thực hiện tốt. Thành quả đạt được sẽ đem lại cho bạn cảm xúc tuyệt vời và giúp bạn cảm thấy hài lòng về sự tiến bộ của bản thân.
Thư giãn một chút trước khi bắt đầu làm việc
Một khi đã không thích công việc, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy tệ hại hơn nếu đến công ty một cách gấp gáp, căng thẳng và mệt mỏi rã rời. Hãy dành chút thời gian thư giãn, để tinh thần thư thái trước khi bắt tay vào việc.
Chào buổi sáng, chào xinh tươi!
Hãy thết đãi bản thân một tách cà phê thơm ngon vào sáng sớm, thưởng thức tờ báo bạn thích, hoặc chỉ đơn giản là chọn một giai điệu vui nhộn cho chuông đồng hồ báo thức. Một buổi sáng sảng khoái sẽ tác động rất tích cực đến thời gian còn lại trong ngày hôm đó của bạn.
Tạo thú tiêu khiển cho bản thân
Có phải trong lúc ở công ty bạn chỉ mong mỏi được ra ngoài? Có phải tiếng chuông điện thoại reo liên tục làm bạn phát điên? Hãy làm điều gì đó để giúp mình phấn chấn hơn khi ở công ty. Hãy chọn một bức ảnh thiên nhiên vùng nhiệt đới để làm trình bảo vệ màn hình (screensaver) cho máy tính của bạn, chọn lịch bàn có những câu châm ngôn khích lệ tinh thần, nghe nhạc trên máy tính hay iPod, và nên đi ăn trưa bên ngoài công ty.
Tranh thủ phát triển kỹ năng
Không thích công việc không có nghĩa là bạn không thể học hỏi những kỹ năng mới. Hãy tranh thủ thời gian để biến mình trở thành một ứng viên hoàn thiện hơn. Nếu công ty của bạn có tổ chức các khóa đào tạo, hãy tận dụng chúng. Hãy dùng thời gian rảnh trong giờ làm việc để học kiến thức mới trên mạng. Đọc một cuốn sách về quản trị trong lúc ăn trưa. Hãy biến công việc nhàm chán thành cơ hội phát triển năng lực bản thân.
Rũ bỏ sự căng thẳng
Mỗi người thường có những hoạt động riêng để thư giãn và loại bỏ căng thẳng. Bạn có thể chạy bộ sau giờ làm việc, đi bơi vào giờ nghỉ trưa hoặc đi bộ đường dài. Hãy đưa những hoạt động này vào kế hoạch làm việc, bạn sẽ luôn có điều gì đó để mong đợi mỗi ngày.
Chăm sóc bản thân
Để bù đắp cho sự chán chường khi ở công ty, hãy tìm những hoạt động nho nhỏ để tự thưởng cho bản thân như mua một cuốn truyện hay, đi ăn kem, mua hoa, mua một bộ cánh mới cho buổi phỏng vấn sắp tới hay lên kế hoạch đi du lịch. Hãy cố gắng khám phá những điều có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong tâm hồn.
Duy trì hiệu quả làm việc
Dù tình hình hiện tại ra sao, bạn cũng phải tiếp tục công việc và làm tốt nó. Hãy xác lập mục tiêu hiệu quả công việc bạn cần đạt được và dùng những thành tích đó để “ghi điểm” trong những cuộc phỏng vấn trong tương lai.
Trân trọng những mối quan hệ tại công ty
Thế giới này rất nhỏ bé, bạn chẳng thể biết khi nào mình sẽ lại gặp những đồng nghiệp cũ. Vì thế, đừng làm tổn hại bất kỳ mối quan hệ nào ở công ty chỉ vì bạn không cảm thấy thoải mái. Hãy giữ địa chỉ liên hệ của những người bạn quen và duy trì quan hệ tốt với họ. Sau này, bạn có thể sẽ cần một trong số họ giới thiệu hay đưa ra nhận xét tốt về bạn.
Luôn nỗ lực để thay đổi
Hiện tại, bạn có thể cảm thấy mình sẽ mãi mãi “mắc kẹt” trong công việc này. Hãy lạc quan lên và nhớ rằng chính bạn mới là người quyết định vận mệnh của mình. Hãy tìm hiểu thông tin tuyển dụng liên quan đến các vị trí khác trong công ty và nỗ lực tìm kiếm công việc mới ở bên ngoài.
Các Nội Dung Liên Quan
- 8 kinh nghiệm giúp bạn nhanh kiếm được việc làm (20/01/2018)
- Giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh (17/01/2018)
- 7 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công (25/04/2017)
- 6 kỹ năng cần có nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc (05/01/2017)
- Ham lương ngàn đô, sinh viên dễ “vướng bẫy” tuyển dụng (20/12/2016)
- 4 bước chuẩn bị giúp sinh viên dễ có việc làm sau tốt nghiệp (06/12/2016)
- 8 dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng đang chú ý (05/12/2016)
- Để nhanh tìm được việc khi mới ra trường (04/10/2016)
- Kinh nghiệm vàng để xin việc (14/09/2016)
- Kinh nghiệm phỏng vấn qua các giai đoạn (30/08/2016)