1

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

In

Nhu cầu nguồn nhân lực: Giảm lượng - giảm chất ?

Cập nhật 20/06/2014 - 10:08:34 AM (GMT+7)

Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM vừa công bố một khảo sát khá bất ngờ khi xu hướng nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn năm 2014 lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 37,29% trong khi đó trình độ đại học chỉ chiếm 13,68 %.

Điều này dẫn đến nguy cơ thất nghiệp nhiều nhất là nhóm lao động có trình độ đại học. Nó không chỉ mâu thuẫn trong chính sách đào tạo và sử dụng mà còn mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế khi mà nhu cầu sử dụng chưa qua đào tạo tăng trong khi lao động có tay nghề được đào tạo giảm.

Tài chính – Ngân hàng là ngành nghề có số lượng DN tái cấu trúc bộ máy nhân sự nhiều nhất, vì vậy tỷ lệ lao động mất việc làm trong ngành nghề này tăng so năm 2012, bên cạnh đó nhu cầu tuyển dụng năm 2013 giảm 32,34% so năm 2012, trong khi nhu cầu tìm việc không giảm, điều này tạo sự cạnh tranh gay gắt về việc làm đối với người lao động.

Lệch pha cung - cầu

Trước xu hướng tái cắt giảm nhân sự của DN, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết: Vấn đề khủng hoảng trong ngành ngân hàng cũng được đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho biết, người lao động trong lĩnh vực ngân hàng đang đối mặt với vấn đề rất nghiêm trọng và nhiều người còn cảm thấy hoang mang đó là sự bị động về chính sách cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương mà nhiều trường hợp dù đã ra đi nhưng họ vẫn không được biết nguyên nhân tại sao.

Lý giải điều này, ông Văn Thọ - Giám đốc khối quản trị và phát triển nhân sự tại ngân hàng SeABank cho rằng: riêng ngành ngân hàng rất khắt khe vì đây là ngành kinh doanh mặt hàng nhạy cảm. Các quy trình làm việc trong ngân hàng đặt ra đều rất ngặt nghèo. Chẳng hạn như ở các tổ chức sản xuất kinh doanh khác, một quy trình làm việc yêu cầu 3 người nhưng có khi chỉ cần 1 hoặc 2, song riêng ngân hàng, nếu quy trình cần 3 người thì buộc phải có 3 người, không thể cắt xén. Hơn nữa, tính bảo mật trong ngành ngân hàng yêu cầu rất cao. Có thể ngày mai ngân hàng cho lao động nghỉ việc thì hôm nay họ mới thông báo. Nguyên nhân là do ngân hàng lo sợ rất có thể người trong diện cắt giảm là người tốt, nhưng khi được thông báo, họ thất vọng và có thể làm điều gì đó gây bất lợi cho hệ thống, và những điều đó không thể lường trước được nên các ngân hàng buộc phải đề phòng mọi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Không chỉ riêng ngành ngân hàng, tại TP HCM, năm 2013 nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo năm 2013 giảm 25,56% so năm 2012. Về cơ cấu trình độ chuyên môn, năm 2013 nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ (38,10%) trong tổng nhu cầu tuyển dụng, lao động có trình độ Đại học – trên Đại học chiếm (14,87%), Cao đẳng chiếm (14,05%), Sơ cấp nghề chiếm (2,50%), Trung cấp chiếm (25,70%).

Mức độ chênh lệch cung cầu giữa các nhóm lao động cũng rất đáng nói. Chẳng hạn, nhu cầu tìm việc của lao động có bằng đại học chiếm 53,8%, trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 14,9%. Ngược lại, tỉ lệ lao động tìm việc có trình độ trung cấp chỉ chiếm 13,9% nhưng nhu cầu tuyển dụng của DN lại chiếm 25,7%.

Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, tính chung 11 tháng, cả nước có gần 55.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, trong đó, số DN đã hoàn thành thủ tục giải thể là 8.857 DN và số DN gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 46.075 DN, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn và để giải quyết bài toán cắt giảm nhân sự của DN phải đi đôi với tăng năng suất lao động.

Lãng phí

Hiện chưa có một thống kê thực sự đầy đủ về tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm trên địa bàn cả nước, tuy nhiên, con số có thể lên tới hàng trăm nghìn người.  Nghệ An là một ví dụ. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp được thực hiện đầu năm 2013 cho thấy: Trong số 19/20 huyện, thành, thị được khảo sát, có tới 11.569 người đã tốt nghiệp trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa tìm được việc làm. Trong đó, có 1 thạc sỹ, 3.047 người tốt nghiệp ĐH, 4.042 người có trình độ CĐ và 4.479 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Những con số “biết nói” trên cho thấy một thực tế đáng buồn trước tình trạng lãng phí lớn về nguồn nhân lực. Trong khi lẽ ra, đây phải là nguồn chất xám quý báu giúp Nghệ An phát triển. Đáng nói là, trong số hàng nghìn sinh viên đang chịu cảnh thất nghiệp, có không ít người ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi. Tình trạng kỹ sư, cử nhân thất nghiệp tràn lan đã tạo ra gánh nặng cho xã hội, trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình và bản thân các sinh viên.

 

Cái bắt tay giữa nhà trường và DN hiện còn hờ hững vì chưa mang lại lợi ích sống còn cho cả nhà trường và DN.

Để chu cấp cho một sinh viên ăn học trong 4 - 5 năm đại học, trung bình mỗi gia đình phải tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng. Con số này nhân lên cho hàng chục nghìn sinh viên đã tốt nghiệp thực sự là một số tiền khổng lồ. Tình trạng sinh viên thất nghiệp ngày càng nhiều không chỉ gây ra sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, sức lực mà về lâu dài còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

 

Bắt tay còn hờ hững

Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, hệ thống giáo dục VN cần gắn kết các trường học với các DN. Nhằm đào tạo đúng với như cầu DN, tránh tình trạng thất nghiệp diễn ra hiện nay.

Tuy nhiên, theo TS Giáp Văn Dương - Đại học Quốc gia Singapore, cái bắt tay giữa nhà trường và DN hiện còn hờ hững vì hai bên chưa thực sự có nhu cầu. Nói rõ hơn là cái bắt tay đó chưa mang lại lợi ích sống còn cho cả nhà trường và DN.

DN thì đa số thích đầu tư theo kiểu chụp giật, mà ít chú trọng đến phát triển bền vững lâu dài, nên không có nhu cầu nhiều cho đầu tư nghiên cứu và đào tạo. Các TCty lớn hay các DN Nhà nước thì đã có bầu sữa ngân sách. Lỗ bao nhiêu đã có nhà nước lo. Còn nhà trường thì đào tạo theo chương trình tự mình đã lên khung trước mà không cần phải thay đổi. Vì sao? Vì không có đủ động lực nào để thay đổi do không có cạnh tranh. Cứ giậm chân tại chỗ như vậy vì cánh cửa đại học rất hẹp, mà số người muốn học lại quá nhiều, nên chẳng việc gì phải thay đổi cho mệt.

Như vậy, sự hờ hững hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường và DN có nguyên nhân sâu xa ở cơ cấu nền kinh tế bất hợp lý, và rộng hơn là cách thức tổ chức xã hội, trong đó có cách thức tổ chức nền kinh tế và hệ thống giáo dục không phù hợp.

TS Giáp Văn Dương - Đại học Quốc gia Singapore: Thay đổi cơ chế

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã làm cho các DN phải tư duy lại mô hình phát triển của mình. Thay vì đầu tư theo kiểu chụp giật, thì nhu cầu phát triển bền vững dựa vào sản xuất, dịch vụ chất lượng và công nghệ tiên tiến là có thật. Như vậy, quả bóng đang nằm ở phía nhà trường. Nhưng nhà trường chỉ chuyển động khi cả hệ thống chung đều phải chuyển động. Mà muốn như vậy thì một sự thay đổi căn bản về cơ chế vận hành hệ thống cần phải được thực hiện trước hết.

Thay vì “ép duyên” nhà trường và DN, thì cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi cơ chế và cách thức quản lý để nhà trường và DN được tự chủ nhiều hơn. Khi đó nhà trường sẽ được tự quyết định chương trình đào tạo của mình sao cho bắt nhịp được với chương trình của thế giới và nhu cầu của nhà tuyển dụng; còn nhà tuyển dụng, đặc biệt là các cơ quan công quyền, sẽ được tự do lựa chọn nguồn lao động chất lượng. Tuy nhiên, với vai trò kết nối của mình, cơ quan quản lý có thể đứng ra tổ chức các sân chơi, các diễn đàn để nhà trường và DN gặp nhau, như sàn giao dịch công nghệ, hay gặp gỡ nhà trường – DN, chẳng hạn. Nói nôm na là cơ quan quản lý hãy bớt quản lý đi và tập trung giúp đỡ nhà trường và DN nhiều hơn, thực chất hơn.

Ở mức vĩ mô hơn thì nhà nước cần thay đổi cơ chế vận hành của hệ thống, bao gồm cả hệ thống kinh tế và chính trị, sao cho mọi thành phần của hệ thống đều phải cạnh tranh một cách minh bạch và bình đẳng, thì nhu cầu tự hoàn thiện mình, hợp tác để gia tăng giá trị cho mình, trong đó có hợp tác giữa DN và nhà trường, mới có thể tiến hành được hiệu quả.

 

Thực học - thực nghiệm

Một số nước có nền giáo dục phát triển như Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore... tinh thần thực học thực nghiệp được đề cao. Hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề được thiết kế trên tinh thần này, nên sinh viên ra trường đáp ứng được rất tốt đòi hỏi của nhà tuyển dụng.

Nhiều trường còn xây dựng những vườn ươm công nghệ, trung tâm hợp tác với DN, những phòng thí nghiệm chung, để tận dụng điểm mạnh của cả hai phía. Chẳng hạn, ở Đại học Liverpool nơi tôi từng làm việc, có một trung tâm chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghiệp. Khi DN muốn phát triển sản phẩm mới, họ có thể đến đây để làm nghiên cứu chung với các giáo sư trong khoa. Sinh viên sẽ được tham gia các dự án đó, nên am hiểu về cách vận hành của công nghiệp rất sớm.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của các giáo sư cũng được khuyến khích liên kết, và ưu tiên các đề tài có sự tham gia của DN, nên có sự trao đổi thường xuyên giữa những người làm DN và những người nghiên cứu, giảng dạy trong nhà trường. Khi đã có sự trao đổi như thế, hai bên đã nói chuyện được với nhau thì sẽ hiểu nhau và điều chỉnh hoạt động của mình sao cho đáp ứng được yêu cầu của cả hai phía.

Nhưng suy cho cùng thì động cơ chính để nhà trường và DN ở các nơi này hợp tác với nhau là vì lợi ích của họ gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhà trường cần DN và DN cần nhà trường.

Vậy làm sao có được điều này? Có cách nào khác hơn là phải thiết kế lại cơ chế vận hành của cả hệ thống quản lý, đồng thời xiển dương tinh thần thực học thực nghiệp trong toàn xã hội?

ThS Nguyễn Lê Nguyễn 
(Anh Quốc)

 

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin