1

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

In

Việc làm khối ngành kinh tế: Cạnh tranh rất cao nhưng rộng cơ hội

Cập nhật 17/01/2018 - 08:06:00 AM (GMT+7)

Cơ hội việc làm ở nhóm ngành kinh tế đang rất khả quan. Nhận định này được các chuyên gia phân tích trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức tại thanhnien.vn, fanpage Facebook và YouTube Thanh Niên chiều 16.1.

Cần nhân lực trình độ cao

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho rằng chúng ta có thể có cái nhìn lạc quan hơn khi thị trường đang phát triển theo hướng mở, chuyển dịch với nhiều cơ hội việc làm của khối ngành kinh tế. Cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia đang tăng trưởng đều tại các địa phương, dự báo giai đoạn 2018 - 2025 cả nước cung cấp tới 2,5 triệu việc làm. Trong đó 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng việc làm cao trong cơ cấu lao động nói chung là công nghệ - kỹ thuật (chiếm 35%) và kinh tế - tài chính - hành chính - pháp luật (33%).

Tuy nhiên theo ông Tuấn, chúng ta đang thiếu hụt nhân lực có trình độ ĐH cho tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, thị trường lao động sẽ dần chuyển hóa từ nhóm lao động không có nghề sang lao động có nghề và đòi hỏi trình độ ngày càng cao. Trong nhóm ngành kinh tế, dự báo các ngành kinh doanh, ngân hàng sẽ thiếu hụt nhân lực trong thời kỳ sắp tới.

“Mức độ cạnh tranh việc làm ở TP.HCM hiện nay là 1/46 và Hà Nội là 1/33. Riêng nhóm ngành kinh tế mức độ cạnh tranh cao hơn với tỷ lệ 1/60, ở những vị trí lao động bậc cao mức cạnh tranh có thể 1/400 người. Mức lương dành cho sinh viên mới tốt nghiệp khối ngành kinh tế trung bình khoảng 4 - 8 triệu đồng/tháng”, ông Tuấn thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết khuynh hướng nhiều thí sinh chọn ngành kinh doanh nói riêng và kinh tế nói chung không chỉ trong năm 2017 mà còn nhiều năm trước đó. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, người học chuộng ngành kinh tế hơn các ngành khác.

“Nhu cầu thực tế của xã hội VN với nhóm ngành này hiện vẫn đang thiếu, trong tương lai gần thì nhu cầu cử nhân tốt nghiệp các ngành kinh tế vẫn rất cần. Bên cạnh công nghệ thông tin thì kinh tế được đào tạo nhiều với chỉ tiêu rất cao, vì vậy cơ hội trúng tuyển cũng sẽ cao”, tiến sĩ Nghĩa nói.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng trong 2 năm gần đây Chính phủ đang hướng đến quốc gia khởi nghiệp, xu hướng thành lập doanh nghiệp tăng lên. Đây là điều kiện để sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế có việc làm cao. Trong năm tới, với tình hình kinh tế tăng trưởng như hiện nay thì việc làm được tạo ra ở nhóm ngành này tiếp tục cao. Trong đó, những sinh viên giỏi tiếng Anh sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

Từ góc nhìn khởi nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ: “Trong cơ cấu khởi nghiệp, một doanh nghiệp cần 1 người kỹ thuật nhưng cần tới 2 - 3 người thuộc nhóm kinh tế. Điều này cho thấy cơ hội việc làm rất lớn của người tốt nghiệp ngành kinh tế”.

Cần điều kiện nào để có việc làm?

Theo ông Trần Anh Tuấn, học các ngành kinh tế chỉ cần tốt nghiệp điểm số cao là quan niệm sai và cần thay đổi. Người có kỹ năng thấp sẽ trở nên thất nghiệp trong kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động trong thời gian tới cần đáp ứng 4 yêu cầu: biết kết hợp với công nghệ thông tin, có ngoại ngữ, kỹ năng mềm và kinh nghiệm làm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, phân tích: “Nếu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng để phục vụ công việc thì nhóm kinh tế là một ngành đặc thù, luôn biến động, đòi hỏi sự sáng tạo và không sợ thất bại. Một người học giỏi và thành công trong lĩnh vực kinh tế là hai việc khác nhau. Vì vậy kiến thức quan trọng nhưng yếu tố quyết định thành công với lĩnh vực kinh tế lại chính là kỹ năng và kinh nghiệm. Những người trẻ luôn có sức sáng tạo và sự đột phá nên có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này”.

Tương tự, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng không nhất thiết bằng tốt nghiệp loại gì nhưng cần phải ứng dụng được kiến thức đã học trong công việc. Bên cạnh đó, nếu có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì cơ hội được tiếp nhận rất cao. “Những sinh viên học khối ngành kinh tế luật phải thực sự năng động, tự tin với khả năng giao tiếp của mình”, ông Hải nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, nhấn mạnh: “Mức độ cạnh tranh ngày càng cao của thị trường lao động đòi hỏi người lao động cần có kỹ năng, thái độ và năng lực ngày càng cao. Thái độ của người làm việc là yếu tố quyết định thành công và điều này chỉ có thể hình thành thông qua quá trình rèn luyện, tham gia các hoạt động bên ngoài”.

Về việc chọn ngành học này, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu phó Trường ĐH Mở TP.HCM, khuyên: “Nhóm ngành kinh tế có thể chia vào 2 hướng. Người có khả năng giao tiếp, tự lập, nhanh nhạy và hướng ngoại thì có thể chọn học các ngành quản trị, marketing... Ngược lại, người làm công việc về kế toán, tài chính ngân hàng, kiểm toán cần kỹ lưỡng, có khả năng tính toán, đầu óc phân tích và hướng nội”.

Hà Ánh

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin