Kinh Nghiệm Việc Làm
In5 tín hiệu “báo động” trong một cuộc phỏng vấn
Cập nhật 11/09/2013 - 07:49:22 AM (GMT+7)Dù hào hứng bao nhiêu trong quá trình tìm việc, bạn cũng nên cảnh giác với những tín hiệu “không bình thường” mà nhà tuyển dụng phát đi trong cuộc phỏng vấn.
Thời gian của mỗi cuộc phỏng vấn thường không nhiều, nhưng lại quyết định công việc của bạn trong một thời gian có thể là dài sau đó. Bởi thế, sự thận trọng không bao giờ là thừa. Dưới đây là một số tín hiệu mà bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi chấp nhận công việc mà nhà tuyển dụng đề xuất:
1. Họ muốn bạn bắt đầu công việc luôn
Hãy đặt câu hỏi tại sao một công ty muốn bạn bắt đầu làm việc luôn, nhất là khi bạn đang có một công việc hiện tại và phải báo trước với sếp về việc bạn sắp chuyển đi. Các khả năng có thể xảy ra là họ đang cần gấp người vì nhân sự trước đó ở vị trí này nghỉ đột ngột, để lại một “núi” công việc. Hoặc cũng có thể công ty này không có sự tổ chức tốt như bạn nghĩ. Cho dù điều gì xảy ra, bạn cũng cần phải biết mình đang bước chân vào đâu và kiểm soát những kỳ vọng của bản thân.
Hãy đề nghị nhà tuyển dụng cho bạn bắt đầu công việc sau thời gian chuẩn hai tuần để bạn có thời gian thông báo trước và sắp xếp công việc ở công ty hiện tại. Xét cho cùng, chẳng nhẽ công ty này không muốn nhân viên của họ có cách giải quyết tương tự khi xin nghỉ việc? Nếu họ buộc bạn phải bỏ công việc hiện tại của bạn một cách đột ngột và không giải quyết thỏa đáng quan hệ với công ty hiện tại, thì đó thực sự là một tín hiệu không tốt.
2. Vị trí công việc thường xuyên thay đổi người
Có thể bạn đã để ý thấy vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển đã được đăng tuyển nhiều lần trong năm qua. Có thể bạn đã nghe thấy những lời xì xào bàn tán. Nhưng nếu bạn hồ nghi mình không phải là người đầu tiên được đề nghị nhận công việc này trong mấy tháng trở lại đây, hãy tự đặt câu hỏi tại sao. Sau đó hãy đặt câu hỏi liệu bạn có gắn bó được với công việc này lâu hơn người gần nhất, và liệu bạn có muốn như thế hay không.
Việc thay đổi nhân sự thường xuyên là một tín hiệu của quản lý tồi và tinh thần làm việc sa sút của nhân viên. Liệu bạn có thực sự muốn thử trở thành nhân tố thay đổi để khắc phục tình trạng xấu trong công ty này? Có lẽ là không.
3. Danh sách những công việc cần làm vượt xa mô tả công việc trong đăng tuyển
Bạn tới cuộc phỏng vấn với ý nghĩ, công việc này có một số nhiệm vụ nhất định. Nhưng trong cuộc phỏng vấn, danh sách công việc ngày càng dài hơn, mà mức lương được đưa ra có vẻ như không hơn so với thông báo tuyển ban đầu. Đây chính là chiêu “dùng mồi nhử” cũ rích, và bạn không nên mắc bẫy.
Trước khi nhận một công việc nào đó, hãy đảm bảo là bạn đã có sự suy nghĩ thật kỹ ở nhà và đặt ra kỳ vọng về một mức lương phù hợp, thậm chí nhỉnh hơn so với kinh nghiệm và trách nhiệm mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Nếu nhà tuyển dụng từ chối bạn, thì hãy nói luôn lời chào với họ. Đừng bao giờ để một nhà tuyển dụng nào đánh giá thấp giá trị thực của bạn.
4. Họ muốn nhận bạn luôn
Cho dù bạn có muốn rút ngắn và đơn giản hóa quá trình chờ đợi sau cuộc phỏng vấn đến đâu, thì sự hồ nghi vẫn là cần thiết khi nhà tuyển dụng đề xuất bạn vào làm ngay sau cuộc phỏng vấn kéo dài 20 phút đồng hồ. Liệu bạn có phải là người duy nhất được phỏng vấn? Liệu họ đã quyết định tuyển bạn ngay từ trước khi bạn đến phỏng vấn? Tại sao họ lại vội vã đi đến quyết định tuyển bạn ngay lúc này?
Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn sẽ suy nghĩ về đề xuất của họ, sau đó đi về nhà và tìm hiểu thật kỹ để xác định xem vì sao công ty này lại tỏ ra “tuyệt vọng” đến thế.
5. Người phỏng vấn có cách tổ chức tồi
Cách tổ chức kém của người phỏng vấn không phải lúc nào cũng là một tín hiệu cho thấy đây là một công ty “không ra gì”. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý tới cách mà người phỏng vấn bạn xử lý cuộc gặp ra sao. Ông/bà ấy có biết tên bạn hay bất kỳ điều gì trong hồ sơ của bạn hay không? Ông/bà ấy có đưa ra những câu hỏi phù hợp liên quan tới công việc mà bạn đang làm?
Nếu trong cuộc phỏng vấn, bạn không thể hiểu được vai trò của mình sẽ như thế nào, hãy hỏi người phỏng vấn xem bạn có cơ hội gặp gỡ với những nhân vật khác trong đơn vị tuyển dụng hay không. Nếu được, có thể bạn sẽ biết rõ hơn về công việc, và cũng sẽ xác định được liệu tất cả những người trong công ty này có cách tổ chức kém như người phỏng vấn này hay không.
Nếu trong thâm tâm cảm thấy công ty này không ổn, tốt hơn hết bạn không nên luyến tiếc. Bạn có thể đang rất cần một công việc mới, nhưng sẽ chẳng có ích lợi gì nếu bạn chuyển từ tình trạng thất nghiệp hoặc một công việc không tốt sang một công việc không tốt khác. Nếu sau cuộc phỏng vấn, độ hứng thú của bạn về công ty này giảm sút, thì có lẽ tốt hơn hết, bạn nên tiếp tục công cuộc tìm việc.
Các Nội Dung Liên Quan
- 8 kinh nghiệm giúp bạn nhanh kiếm được việc làm (20/01/2018)
- Giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh (17/01/2018)
- 7 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công (25/04/2017)
- 6 kỹ năng cần có nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc (05/01/2017)
- Ham lương ngàn đô, sinh viên dễ “vướng bẫy” tuyển dụng (20/12/2016)
- 4 bước chuẩn bị giúp sinh viên dễ có việc làm sau tốt nghiệp (06/12/2016)
- 8 dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng đang chú ý (05/12/2016)
- Để nhanh tìm được việc khi mới ra trường (04/10/2016)
- Kinh nghiệm vàng để xin việc (14/09/2016)
- Kinh nghiệm phỏng vấn qua các giai đoạn (30/08/2016)