Kinh Nghiệm Việc Làm
In5 “bí mật” của phòng nhân sự
Cập nhật 01/08/2013 - 07:58:05 AM (GMT+7)Phòng nhân sự (HR) luôn là một bộ phận đầy quyền lực và có phần “bí hiểm” trong các công ty. Đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì đang diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín của phòng này?
Thực chất, phòng nhân sự là người bảo vệ bạn hay là đại diện cho sếp của bạn? Dưới đây là 5 điều “bí mật” mà bạn nên biết về phòng nhân sự:
1. Phòng nhân sự không là người bênh vực cho bạn
Trước hết, bạn cần hiểu rằng, chức năng của phòng nhân sự là phục vụ các nhu cầu của công ty. Vì vậy, sự trung thành và các trách nhiệm của phòng này là dành cho công ty.
Trong một số trường hợp, chức năng đó đồng nghĩa với việc bảo vệ người lao động trước những vị sếp tồi, vì mục đích cao nhất của chủ sử dụng lao động là giữ chân những nhân viên giỏi nhất, nhận diện và giải quyết những nhà quản lý có vấn đề, cũng như chấm dứt những vấn đề về luật pháp trước khi lan rộng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, lợi ích cao nhất của nhà sử dụng lao động lại không trùng với lợi ích tốt nhất của người lao động. Khi đó, lợi ích cao nhất của chủ sử dụng lao động luôn chiến thắng. Việc đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi đó là sứ mệnh được đặt ra cho phòng nhân sự.
2. Phòng nhân sự không bắt buộc phải giữ bí mật những gì mà bạn nói, cho dù bạn có đề nghị
Nhân viên phòng nhân sự không phải là bác sỹ hay mục sư, và bạn không nên tin là những gì mà bạn nói với họ sẽ được giữ bí mật. Nếu đại diện phòng nhân sự nghe được những thông tin mà họ cho là cần thiết phải được chia sẻ hoặc sử dụng để giải quyết vấn đề nào đó, nhiệm vụ bắt buộc của họ là phải làm như vậy. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nếu không hành động, phòng nhân sự sẽ bị coi là cẩu thả về mặt nghề nghiệp, hoặc thậm chí là phạm luật.
Điều đó không có nghĩa là bạn không bao giờ có thể trao đổi với phòng nhân sự trong bí mật. Nhưng bạn nên đưa ra các điều kiện rõ ràng từ trước, và cần biết rõ rằng, phòng nhân sự vẫn sẽ được yêu cầu phải báo cáo một số vấn đề nhất định, chẳng hạn các hành vi quấy rối hoặc vi phạm pháp luật, cho dù họ đã nhất trí giữ bí mật với bạn trước khi nghe bạn trình bày.
3. Phòng nhân sự biết những chuyện mà họ không bao giờ nói với bạn
Chuyện công ty sắp có những điều chỉnh về chế độ phúc lợi và tiền lương, lý do một số phòng ban được phân bổ nguồn lực lớn hơn đơn vị của bạn, ai trong công ty có vị trí không thể lay chuyển, hay ai là người sắp mất việc… đều là những chuyện mà phòng nhân sự có thể biết nhưng họ không được phép tiết lộ với bạn. Nếu một nhân viên phòng nhân sự tỏ thái độ “kín như bưng” khi bạn hỏi chuyện gì đó, thì có lẽ họ không được phép chia sẻ điều bí mật đó.
Trong trường hợp bạn thường xuyên không hỏi được thông tin cần thiết từ phòng nhân sự, hãy cân nhắc gây áp lực với họ hoặc đưa ra đề nghị với một nhân viên khác của phòng này.
4. Công việc của phòng nhân sự là hỗ trợ các nhà quản lý trong công ty, không phải chỉ dẫn họ cách hoạt động
Một số công ty trao cho phòng nhân sự quyền lực lớn hơn bình thường, chẳng hạn cho phép họ quyền kiểm soát việc tuyển dụng nhân sự của các phòng ban khác hoặc đưa ra những quyết định về thăng chức.
Nhưng nhìn chung, nếu bạn là một nhà quản lý và phòng nhân sự đang gây ra những trở ngại cho công việc của bạn (chẳng hạn, gây khó dễ cho bạn trong vấn đề thuê nhân sự mới hoặc giải quyết những vấn đề về hiệu quả công việc của nhân viên), bạn cần phải tỏ thái độ kiên quyết. Theo đó, bạn có thể báo cáo lên cấp cao hơn có quyền ra lệnh đối với phòng nhân sự hoặc đi theo một quy trình khác.
5. Phòng nhân sự có thể tuyệt vời, hoặc cũng có thể đáng sợ
Phòng nhân sự của một số công ty có sự gắn bó mật thiết với văn hóa và các mục tiêu của công ty, đồng thời làm những công việc tuyệt vời, chẳng hạn đảm bảo việc các nhà quản lý được đào tạo tốt, chế độ phúc lợi tốt, lương phù hợp với chuẩn của ngành và các điều kiện thị trường và được tăng khi cần thiết, và hỗ trợ thay vì cản trở các nhà quản lý trong công ty.
Trong khi đó, cũng có những phòng nhân sự tập trung nhiều hơn vào chuyện tổ chức các bữa tiệc của công ty, “ngáng đường” khi các nhà quản lý muốn tuyển nhân sự mới, đưa ra phản hồi và giải quyết những vấn đề khó về nhan sự. Một phòng nhân sự tốt có thể giúp công ty hoàn thành nhiều việc hơn, trong khi một phòng nhân sự “không ra gì” sẽ chỉ gây cản trở cho công việc.
Tuy nhiên, đặc điểm của phòng nhân sự ở mỗi công ty một khác. Bởi thế, không nên cho rằng những gì đã diễn ra ở phòng nhân sự của công ty mà bạn từng làm việc sẽ lặp lại ở công ty mà bạn sắp sửa vào làm.
Các Nội Dung Liên Quan
- 8 kinh nghiệm giúp bạn nhanh kiếm được việc làm (20/01/2018)
- Giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh (17/01/2018)
- 7 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công (25/04/2017)
- 6 kỹ năng cần có nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc (05/01/2017)
- Ham lương ngàn đô, sinh viên dễ “vướng bẫy” tuyển dụng (20/12/2016)
- 4 bước chuẩn bị giúp sinh viên dễ có việc làm sau tốt nghiệp (06/12/2016)
- 8 dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng đang chú ý (05/12/2016)
- Để nhanh tìm được việc khi mới ra trường (04/10/2016)
- Kinh nghiệm vàng để xin việc (14/09/2016)
- Kinh nghiệm phỏng vấn qua các giai đoạn (30/08/2016)