Kinh Nghiệm Việc Làm
In6 câu hỏi khó về tiền lương
Cập nhật 19/07/2013 - 01:47:34 PM (GMT+7)Hầu hết mọi người đều ngại nói chuyện tiền lương với cấp trên, vì không rõ nhà quản lý sẽ phản ứng ra sao. Tuy nhiên, bạn cần bỏ qua những ngại ngần đó để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Dưới đây là 6 câu hỏi khó thường gặp về vấn đề tiền lương, và câu trả lời cho những câu hỏi đó:
1. Làm sao tôi biết mình nên được trả mức lương bao nhiêu?
Những cách hữu hiệu để xác định xem bạn nên được trả mức lương như thế nào là hợp lý bao gồm:
- Hỏi những người khác cùng làm trong lĩnh vực của bạn. Hầu hết mọi người đều không muốn bị hỏi trực tiếp về mức lương của họ, nhưng bạn có thể đưa ra một vài con số để xem họ phản ứng như thế nào. Liệu họ trả lời con số bạn đưa ra là chính xác, quá cao hay quá thấp đối với mức lương của họ?
- Tìm hiểu kết quả các cuộc thăm dò về tiền lương liên quan tới lĩnh vực của bạn, hoặc xem mức lương trên các trang việc làm trực tuyến đối với các vị trí công việc tương tự như của bạn.
Nên nhớ rằng, bạn đang tìm hiểu về các xu hướng tiền lương để xác định xem bản thân bạn nên có được mức lương như thế nào là phù hợp, thay vì đi tìm một con số cụ thể. Tiền lương có thể chỉ là một phần trong những gì mà công ty trả cho bạn, vì nhiều công ty tính tới cả những chế độ khác như tiền thưởng, bảo hiểm, phụ cấp…
2. Nếu như đồng nghiệp của tôi được trả cao hơn tôi thì sao?
Bạn sẽ không thấy thoải mái khi một đồng nghiệp làm công việc tương tự như bạn nhưng lại được trả mức lương cao hơn. Tuy nhiên, lương của mọi người có thể khác nhau vì nhiều lý do. Chẳng hạn như, đồng nghiệp kia giỏi đàm phán hơn bạn khi cô/anh ấy được tuyển; cô/anh ấy có bằng cấp hay kỹ năng mà công ty đề cao hơn; hoặc ngân sách cho bộ phận của cô/anh ấy cao hơn cho bộ phận của bạn; hoặc sếp của cô/anh ấy là một “cơn ác mộng” và công ty thấy cần phải trả cao hơn cho những người làm việc dưới quyền vị sếp đó.
Điều mà bạn cần tập trung vào là đạt được mức lương mà bạn xứng đáng được hưởng từ công việc mà bạn đang làm. Điều này hoàn toàn không liên quan đến mức lương mà đồng nghiệp của bạn nhận được.
3. Thời điểm nào là phù hợp nhất để xin tăng lương?
Nếu bạn đang nghĩ tới chuyện xin tăng lương, hãy đảm bảo chắc chắn là bạn có thể nêu ra cho cấp trên thấy bạn đã có một quá trình làm việc với những thành tích tốt. Xét cho cùng, tăng lương là sự công nhận cho công việc được hoàn thành tốt, một sự thừa nhận rằng bạn đang đóng góp ở một mức độ cao hơn so với mức độ phù hợp với mức lương hiện có của bạn. Tăng lương đồng nghĩa với “công việc của anh/chị giờ có giá trị hơn đối với công ty”. Bởi thế, bạn cần đảm bảo điều đó là đúng trước khi đưa ra đề nghị xin tăng lương với sếp.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo có một quãng thời gian làm việc đủ dài để xin tăng lương. Trong hầu hết các trường hợp, bạn cần có một năm làm việc liên tục trước khi đưa ra đề nghị này. Lý tưởng nhất để xin tăng lương là khi công ty của bạn có tình hình tài chính ổn. Còn khi công ty gặp khó khăn, họ thường tìm cách để cắt giảm chi phí, và đề nghị xin tăng lương của bạn đưa ra sẽ trở nên không phù hợp.
4. Tôi nên xin tăng lương như thế nào?
Hãy nghĩ xem bạn có thể dựa vào điều gì để cho sếp thấy, bạn đang đem tới thêm giá trị cho công ty. Bạn đã đạt được thành tích công việc nào trong năm qua? Bạn cũng có thể đặt bản thân vào vị trí sếp của bạn để xem việc nào bạn làm gây ấn tượng nhiều nhất, và sếp sẽ tiếc điều gì nhất nếu bạn chuyển chỗ làm. Những câu trả lời này sẽ giúp bạn có được lập luận vững chắc trong cuộc đối thoại về tiền lương với cấp trên.
Chẳng hạn, bạn có thể đưa ra những nhận xét tích cực mà bạn nhận được từ phía khách hàng; ý tưởng của bạn đã giúp doanh thu tăng thêm bao nhiêu; hoặc năng suất làm việc của bạn cao gấp đôi mức trung bình của đồng nghiệp.
Sẽ không thừa nếu bạn có sự tập dượt trước khi nói với sếp. Bạn có thể mở đầu bằng những câu như: “Công ty đã có những đánh giá tích cực đối với công việc của tôi, như tăng cường thêm trách nhiệm và trao cho tôi những nhiệm vụ quan trọng hơn. Tôi thực sự cảm kích về điều đó. Tuy nhiên, hiện tôi đang làm việc với một cường độ cao, liên tục vượt mục tiêu doanh thu, và giữ vai trò chính trong chỉ bảo nhân viên mới. Tôi muốn trao đổi với anh/chị về việc điều chỉnh tiền lương cho tôi để phản ánh những đóng góp này”.
5. Liệu sếp có phản ứng tiêu cực khi tôi xin tăng lương?
Nếu bạn đã được tăng lương một lần và có ý định xin tăng lương lần nữa thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Nếu đề nghị của bạn là hợp lý và có cơ sở là những đóng góp của bạn cho công ty, thì một nhà quản lý tốt sẽ không bao giờ có phản ứng tiêu cực, cho dù không thể đáp ứng đề nghị đó.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, thì bạn cần hiểu về những suy nghĩ nảy ra trong đầu sếp khi bạn đưa ra đề nghị xin tăng lương. Thông thường, khi một nhân viên xin tăng lương, sếp thường nghĩ: “Tăng lương cho anh/cô ấy có phù hợp không? Nếu mình từ chối thì anh/cô ấy có xin nghỉ việc không? Nếu tăng lương thì mức lương của cô ấy sẽ ở đâu trong cơ cấu tiền lương nói chung của công ty? Và quan trọng hơn cả, nhân viên này có giá trị tới đâu?”
Các nhà quản lý thường tìm cách đáp ứng đề nghị xin tăng lương của những nhân viên giỏi mà họ không muốn để mất, và có xu hướng thờ ơ với đề nghị tương tự từ những nhân viên “có cũng được mà không có cũng chẳng sao”.
6. Tôi xin tăng lương và không được chấp nhận thì sao?
Nếu bị sếp từ chối, hãy hỏi sếp xem bạn cần nỗ lực như thế nào để được tăng lương trong tương lai. Một vị sếp tốt sẽ chỉ ra cho bạn hướng đi để đạt được điều đó. Đến đây, việc có đi theo hướng đó hay không là quyết định của bạn, và đừng quên nhắc lại đề nghị tăng lương với sếp khi bạn cảm thấy tình thế đã phù hợp.
Các Nội Dung Liên Quan
- 8 kinh nghiệm giúp bạn nhanh kiếm được việc làm (20/01/2018)
- Giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh (17/01/2018)
- 7 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công (25/04/2017)
- 6 kỹ năng cần có nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc (05/01/2017)
- Ham lương ngàn đô, sinh viên dễ “vướng bẫy” tuyển dụng (20/12/2016)
- 4 bước chuẩn bị giúp sinh viên dễ có việc làm sau tốt nghiệp (06/12/2016)
- 8 dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng đang chú ý (05/12/2016)
- Để nhanh tìm được việc khi mới ra trường (04/10/2016)
- Kinh nghiệm vàng để xin việc (14/09/2016)
- Kinh nghiệm phỏng vấn qua các giai đoạn (30/08/2016)