1

Người Thành Công

In

Bí mật đằng sau thành công của tỷ phú Warren Buffett

Cập nhật 13/05/2013 - 08:28:04 AM (GMT+7)

Khởi nghiệp với chưa đầy 10.000 USD trong tay, nhưng với nhãn quan đầu tư vô cùng sắc bén, Warren Buffett đến nay đã trở thành tỷ phú hàng đầu thế giới với hơn 40 tỷ USD. Bí quyết thành công của ông là điều tất cả các nhà đầu tư đều muốn khám phá.

Nếu ai đó có thể phát minh ra cỗ máy đi ngược thời gian để đưa các nhà đầu tư trở về thời điểm 1976, cổ phiếu nào sẽ được họ tung tiền mua nhiều nhất? Với người Mỹ câu trả lời là rất rõ ràng. Cho dù giá cổ phiếu của Apple có đang cao ngất ngưởng thì tính trên khả năng sinh lời đã điều chỉnh rủi ro, cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vẫn hấp dẫn hơn cả.

 Warren Buffett luôn có những thương vụ đầu tư ít ai dám thực hiện

Không ít nhà nghiên cứu đã xem Buffett như người đứng ngoài những con số thống kê. Những người khác thì đơn giản là kinh ngạc trước kỹ năng lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư huyền thoại này và xem đó là những quyết định không thể bắt chước. Nhưng các nhà nghiên cứu tại đại học New York và công ty quản lý quỹ AQR Capital Management mới đây có vẻ như đã tìm ra được những nhân tố chính giúp tạo nên thành tích phi thường của "huyền thoại xứ Omaha".

Để hiểu được thành công của Buffett trước hết chúng ta cần nắm được sơ qua lý thuyết về đầu tư. Các nhà chuyên môn thường đánh giá mức độ nhạy cảm của các cổ phiếu trong mối liên hệ với những biến động của thị trường, hay còn gọi là hệ số beta.

Các cổ phiếu có mức biến động mạnh hơn mức chung của thị trường (ví dụ tăng 10% khi chỉ số chung tăng 5%) được xem là có hệ số beta cao. Trong khi đó các cổ phiếu có mức biến động thấp hơn mức chung của thị trường bị xem là có hệ số beta thấp. Mô hình này có nghĩa là các nhà đầu tư luôn mong muốn kiếm lời cao hơn thông qua việc sở hữu các cổ phiếu dễ biến động hơn, có nghĩa là rủi ro cao hơn.

Vấn đề với mô hình này là ở chỗ, trong dài hạn, thực tế lại hoàn toàn khác. Các cổ phiếu có hệ số beta thấp lại thường có kết quả tốt hơn khi so với các cổ phiếu có hệ số beta cao xét trên cơ sở đã điều chỉnh rủi ro. Do đó trên lý thuyết các nhà đầu tư có thể khai thác sự khác thường này bằng cách mua các cổ phiếu có hệ số beta thấp và tăng khả năng sinh lời thông qua sử dụng đòn bẩy tài chính.

Nhưng về cơ bản sự bất thường này vẫn tồn tại chủ yếu vì hầu hết nhà đầu tư không thể hoặc không muốn sử dụng chiến lược này. Do đó họ thường lựa chọn các cổ phiếu có hệ số beta cao để tăng sức sinh lời của danh mục đầu tư. Và tất nhiên danh mục đầu tư của các quỹ này luôn dễ biến động hơn mức trung của thị trường. Trong khi đó việc các cổ phiếu có hệ số beta thấp bị phớt lờ khiến chúng thường có giá rẻ hơn giá trị thực.

Sự xuất sắc của Buffett chính là ở chỗ ông có thể khai thác sự khác thường này. Đã từ lâu tỷ phú này nổi tiếng với việc mua được cổ phiếu thuộc hàng bluechip khi các công ty đó gặp khó khăn tạm thời. Tiêu biểu nhất có thể kể đến cổ phiếu Coca-Cola trong những năm 1980 khi thứ đồ uống có tên New Coke mà công ty này cho ra mắt bị thị trường chối bỏ. Hay mới đây hơn là cổ phiếu của General Electric trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.

"Tôi thà mua cổ phiếu một công ty tuyệt vời ở mức giá vừa phải còn hơn là mua một công ty vừa phải ở mức giá tuyệt vời", Buffett từng tuyên bố. Đồng thời ông cũng hoàn toàn tránh xa các lĩnh vực dễ biến động ví dụ như công nghệ bởi ông không thể chắc chắn liệu lợi thế của một công ty trong ngành này có bền vững hay không.

Tuy nhiên nếu không sử dụng đòn bẩy tài chính, lợi nhuận mà vị CEO kiêm chủ tịch của Berkshire Hathaway có được sẽ giảm đi nhiều. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, trung bình Berkshire sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khoảng 60%, do vậy đã tăng được khả năng sinh lời. Quan trọng hơn nữa là công ty này có thể vay được vốn với lãi suất thấp. Suốt giai đoạn 1989 đến 2009, mức tín nhiệm của họ luôn được chấm cao nhất.

Bên cạnh đó một yếu tố ít được chú ý tới trong chiến thuật sử dụng đòn bẩy của Berkshire đó là hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm của công ty này, đóng góp khoảng hơn một phần ba nguồn vốn. Các công ty bảo hiểm luôn nhận phí bảo hiểm trước và trả tiền cho người thụ hưởng sau. Thực tế đây là một hình thức vay tiền từ khách hàng.

Chiến lược này sẽ không hiệu quả nếu công ty không lường hết được rủi ro mình đang bảo hiểm. Nhưng nhờ sức sinh lời mạnh từ hoạt động bảo hiểm, chi phí vay vốn của Berkshire từ nguồn này trung bình chỉ ở mức 2,2%/năm, thấp hơn khoảng 3 điểm phần trăm chi phí vay vốn ngắn hạn của chính phủ Mỹ trong cùng thời kỳ.

Một lợi thế nữa đó là sự ổn định trong nguồn vốn của Berkshire. Các nhà bất động sản từng phải rút ra bài học đau đớn rằng việc dựa vào nguồn vốn vay có thể tăng lợi nhuận nhưng cũng có thể trở thành mối nguy lớn một khi các chủ nợ mất niềm tin. Tuy nhiên bản chất dài hạn của hoạt động bảo hiểm đã giúp Buffett trụ vững trong suốt thời kỳ cổ phiếu của Berkshire có mức sinh lời thấp hơn mức chung của thị trường.

Như vậy, chính chiến lược duy trì danh mục đầu tư có hệ số beta thấp và sử dụng đòn bẩy tài chính đã giúp Buffett có được thành công vượt trội. Điều đáng nói hơn là chiến thuật ấy đã được Buffett nhận ra và áp dụng thành công suốt nửa thế kỷ qua trước khi giới chuyên môn và báo giới nhận ra nó.

Theo Economist

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin