Gương Sáng
InNghị lực sống của cô học trò mắc bệnh ung thư
Cập nhật 06/05/2013 - 10:07:55 AM (GMT+7)Mang trong mình bệnh ung thư, em Quách Thị Mỹ Hảo luôn lạc quan để sống và học tập. Hơn một năm qua, cô học trò người dân tộc Mường chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhưng luôn tâm niệm “khi không cầm được bút viết, không nhìn thấy chữ mới thôi học”.
Em Quách Thị Mỹ Hảo là người dân tộc Mường, hiện là học sinh lớp 11E, Trưởng THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa. Sinh ra trong một gia đình nhà nông ở huyện miền núi Thạch Thành, bố mẹ quanh năm lam lũ ruộng đồng, Hảo và em gái luôn cố gắng học để mong thoát nghèo, thoát khổ.
Suốt những năm học tiểu học và trung học, hai chị em Hảo luôn đạt học sinh giỏi của trường. Với lực học như vậy, không khó khăn để Hảo thi và đậu vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.
Thế nhưng điều đáng buồn là mới bước vào năm học lớp 10 được một học kỳ, Hảo bỗng nhiên phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư buồng trứng. Những bài học bắt đầu bị bỏ dang dở khi em phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị.
Vậy mà cứ khi nào được bệnh viện cho về nghỉ ngơi sau những đợt chuyền hóa chất, Hảo lại tiếp tục đến trường. Có những ngày cơn đau hành hạ, em vẫn gắng đến lớp để nghe giảng bài. Mái tóc xanh trên đầu em đã rụng hết sau những lần điều trị căn bệnh ung thư nhưng nụ cười trên môi em chưa bao giờ tắt. Những lần lên lớp, Hảo luôn cố gắng gạt đi nỗi đau đớn bệnh tật, gạt đi những nỗi lo toan để nở nụ cười thật tươi cùng bạn bè.
Hảo tâm sự: “Em đang chắt chiu từng khoảnh khắc quý báu được ở bên bạn bè và thầy cô, còn đi được, nói được thì cuộc sống vẫn còn. Em không muốn ai thương hại hay lo lắng cho mình. Bố mẹ em bảo nghỉ học một năm rồi đợi khi sức khỏe phục hồi cả đi học lại nhưng em không chịu vì ở nhà sẽ rất buồn, bệnh lại nặng hơn, hơn nữa kiến thức sẽ dễ bị quên”.
Mang trọng bệnh như thế, Hảo vẫn sống ở khu nội trú và đều đặn đến trường. Xa nhà hàng mấy chục cây số, không được gần bố mẹ, không được bàn tay chăm sóc của gia đình nhưng với Hảo, mỗi ngày được nghe những lời động viên của bố mẹ và em gái qua điện thoại cũng làm Hảo vui lắm rồi. Em bảo không sợ bệnh, không sợ khổ, chỉ sợ không được đến trường nữa thôi.
Hơn một năm qua, Hảo sống chung với căn bệnh hiểm nghèo, sau những đợt chuyền hóa chất, em lại tiếp tục đến lớp như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hảo chia sẻ: “Phải nghỉ học nhiều ngày nên bây giờ có những kiến thức em phải cố gắng đọc lại sách và nhờ bạn giảng mới theo kịp được bài mới của thầy cô. Mặc dù rất khó khăn nhưng em sẽ cố gắng như chính bản thân đang cố gắng chống chọi lại với căn bệnh ung thư vậy. Bác sĩ bảo em sẽ phải sống cùng căn bệnh rất lâu dài vì thế sẽ rất nhiều gian nan và sẽ phải cố gắng rất nhiều”.
Rồi em đưa tay chỉ lên mái tóc mới mọc lại của mình khoe với tôi: “Em nghỉ truyền hóa chất nên tóc em đã mọc lại rồi. Năm ngoái, lúc nào em cũng phải đội tóc giả đấy, nóng và khó chịu lắm”, nói rồi em nở một nụ cười thật tươi. Dường như mọi đau đớn bệnh tật, mọi nỗi lo toan đã biến mất, chỉ thấy đôi mắt thật sáng, thật trong ẩn chứa một niềm tin và một nghị lực sống lớn lao.
Được biết, thời gian qua, bố mẹ Hảo phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn hàng mấy chục triệu đồng cho con chữa bệnh. Đối với những gia đình nông dân thì mấy chục triệu đã là quá lớn, bởi thế khi nói về ước mơ của mình. Hảo cho biết: “Em sẽ cố gắng học để thi vào Trường Đại học Y, sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo, sẽ đền đáp những gì mà bố mẹ đã vất vả vì em”.
Cô Nguyễn Thị Dung - Tổ trưởng tổ quản lý học sinh, Trưởng THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa tâm sự: “Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhiều lúc đau đớn, mệt nhọc nhưng em Hảo chưa bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Em luôn chứng tỏ mình là người có nghị lực và lạc quan hòa đồng với bạn bè, vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của trường, của lớp. Nhiều khi các thầy cô và bạn khuyên em nên nghỉ ngơi nhưng em vẫn rất cố gắng để tham gia”.
“Đợt thi cuối học kỳ, em đang điều trị ở Hà Nội nhưng đã bắt xe từ Hà Nội về Thanh Hóa thi xong rồi mới quay ra. Những ngày được điều trị ngoại trú, em lại trở về trường và tiếp tục đến lớp học như các bạn bè bình thường khác. Không theo đều đặn các bài giảng của thầy cô nhưng Hảo luôn là học sinh khá trong lớp. Em thật sự khiến các giáo viên và học sinh trong trường khâm phục về nghị lực sống và tinh thần vượt khó”.
Các Nội Dung Liên Quan
- 17 tuổi sáng chế robot hỗ trợ điều trị tự kỷ, website học trực tuyến (20/03/2020)
- Học sinh Việt Nam đạt 2 Huy chương Vàng về sáng tạo trẻ thế giới (WYIE) (06/05/2019)
- "Chàng trai vàng" Hóa học nhận học bổng 6,4 tỷ đồng của ĐH số 1 thế giới (25/01/2018)
- Vào giảng đường bằng xe lăn, 9X Việt trở thành “người hùng” trên đất Mỹ (03/11/2017)
- Cô gái “rinh” học bổng Mỹ nhờ bài luận viết về... trại giam (12/07/2017)
- Nữ sinh 17 tuổi ở Quảng Ngãi nhận 12 học bổng của Mỹ và ước mơ giúp thay đổi môi trường Việt Nam (07/02/2017)
- Sinh viên sáng chế thiết bị giúp trẻ em không bị đuối nước (05/01/2017)
- Nữ sinh Hà Tĩnh được đại học Mỹ cấp học bổng hơn 6 tỷ đồng (22/12/2016)
- Giáo sư 8X Nguyễn Đình Phú được vinh danh tại Hoa Kỳ (20/12/2016)
- Lan tỏa dòng máu hiếm cứu người (20/12/2016)