Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực
InBất cập nhân lực ngành du lịch
Cập nhật 16/04/2013 - 03:04:05 PM (GMT+7)Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang trên đà phát triển, mỗi năm thành phố đón hàng triệu lượt khách. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, việc đào tạo nhân lực cho ngành này tại các trường còn nhiều bất cập.
Chất lượng không đều
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 nghìn lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi đi làm, hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 50 trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho hay: Nếu trung bình một trường cho "ra lò" 100 sinh viên/năm đã có hơn 5.000 người và ngành du lịch không thiếu nhân lực. Tuy nhiên, việc đào tạo sinh viên làm đúng ngành, tốt chuyên môn hằng năm chưa tới 1.000 người, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch. Chương trình giảng dạy trong nhà trường quá chú trọng đến lý thuyết mà không tổ chức nâng cao thực hành khiến sinh viên ra trường không có kỹ năng thực tế. Trên thực tế, sinh viên muốn thành HDVDL phải được học từ thực tế để biết cách tổ chức, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn để hài lòng du khách...
Qua tìm hiểu, hiện mỗi trường lại đào tạo theo một kiểu giáo trình riêng làm chất lượng đầu ra không đồng đều. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn Vũ Khắc Chương nhìn nhận: Số lượng sinh viên ngành du lịch trong mỗi đợt tuyển sinh của các trường đều tăng nhưng chất lượng đầu ra lại không đều. Việc giảng dạy giữa các trường nghề với các trường không thuộc khối này, giữa các trường công lập và ngoài công lập vẫn còn có sự khác biệt lớn về phương pháp, giáo trình giảng dạy. Phần lớn sinh viên ra trường đều thiếu kỹ năng cần thiết để có thể tiếp cận ngay vị trí công việc được giao. Ðiều này đang gây lãng phí về thời gian, kinh phí... cho cả doanh nghiệp, người học và cơ sở đào tạo.
Những năm qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ "Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam" làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch, phần nào đáp ứng được nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhưng đến nay, bộ tài liệu chuẩn này chưa được áp dụng rộng rãi trong các loại hình cơ sở đào tạo du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường cần sớm áp dụng các tiêu chí chung đào tạo nhân lực ngành du lịch làm cơ sở để hoàn chỉnh, thống nhất giáo trình giảng dạy.
"Khát" nhân lực giỏi ngoại ngữ
Mỗi năm TP Hồ Chí Minh đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hằng năm. Tuy nhiên khó khăn hiện nay của ngành du lịch là nguồn nhân lực yếu về ngoại ngữ. Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30-45% HDVDL, điều hành tua và 70 - 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn tiếng Anh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Lã Quốc Khanh cho rằng: Trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng nghiệp vụ thiếu, khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành du lịch cũng khó làm tròn bổn phận, chứ chưa nói đến việc giúp người nước ngoài hiểu về văn hóa Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tình trạng trình độ ngoại ngữ HDVDL yếu khiến nhiều công ty du lịch không dám nhận nhiều tua khách nước ngoài. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist Nguyễn Minh Quyền chia sẻ: Tại trung tâm của chúng tôi có 30% khách du lịch nước ngoài cần HDVDL sử dụng được tiếng Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vì không tìm được lao động chuyên ngành đủ trình độ đáp ứng nhu cầu này nên đành bỏ ngỏ thị trường.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong 12 nhóm ngành cần nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh. Chúng ta cần chú trọng đầu tư vào việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; phải thống kê chính xác lượng cung - cầu lao động của ngành này để việc đào tạo sao cho vừa đủ, tránh tình trạng nhân lực thừa nhưng vẫn yếu.
Các Nội Dung Liên Quan
- 'Khát' nhân sự trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng (31/05/2019)
- Việc làm khối ngành kinh tế: Cạnh tranh rất cao nhưng rộng cơ hội (17/01/2018)
- 4 ngành công nghiệp trọng điểm TPHCM thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (06/12/2016)
- hiếu hụt lao động và gợi ý khởi nghiệp (26/09/2016)
- Thị trường lao động mất cân đối (14/09/2016)
- Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (22/08/2016)
- Khủng hoảng thừa nhân lực ngành sư phạm (10/12/2015)
- Khó khăn nhiều hơn cơ hội (01/10/2015)
- Giải quyết “mâu thuẫn” giữa nhà tuyển dụng và trường ĐH (18/09/2015)
- Những ngành nghề "HOT" trong năm 2015 (20/08/2015)