Thế nhưng, có một nguyên tắc trong lựa chọn ngành nghề mà không phải bất kỳ HS nào cũng nắm được, đó là sự cân bằng giữa năng lực, sở thích để lựa chọn những ngành, nghề và trường học có khả năng trúng tuyển.
Một nhóm SV đến từ các trường ĐH ở Đà Nẵng đã kết nối với HS các trường THPT trên địa bàn với những hoạt động trải nghiệm để có những định hướng cho tương lai.
Từ phân xưởng dệt…
Em Nguyễn Thảo Nhi (Trường THPT Lê Quý Đôn) vẫn vẹn nguyên sự xúc động khi lần đầu tiên sử dụng chiếc máy may, đi những đường chỉ để thực hiện một công đoạn trong dây chuyền may một cái áo dưới sự hướng dẫn của các chị công nhân tại Công ty Cổ phần Vinatex.
“Lúc đầu thì em run lắm, nhìn thấy cả dàn máy móc khổng lồ là đã thấy ngợp rồi. Di chuyển mấy mũi kim đầu tiên để lắp cái thân áo mà em không nghĩ là mình sẽ làm được. Những thử nghiệm này rất thú vị với em và thực sự rất cần thiết để em định hình sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình”.
Không chỉ được tham quan dây chuyền sản xuất may dệt của Công ty dệt may Vinatex, nhóm học sinh đến từ các trường THPT ở Đà Nẵng còn được hướng dẫn và tự pha chế các loại thức uống, học cách sắp xếp các công đoạn của dịch vụ buồng phòng, học cách làm bánh, trải nghiệm những công việc của một lễ tân tại CĐ Quốc tế Pegasus; nhìn thấy tận mắt chuỗi dây chuyền sản xuất ô tô tại Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải…
Những chuyến đi thực tế cho các bạn HS THPT đều được ban điều phối của dự án “Vút bay” tổ chức sau các buổi talkshow hướng nghiệp do đại diện các doanh nghiệp hoặc giảng viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đảm nhận. Ngoài được nghe các câu chuyện liên quan đến ngành nghề, các HS tham gia còn được giải đáp những thắc mắc, được trình bày những ước mơ, dự định về tương lai.
Các chuyên gia sẽ là những người tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc, nhận định nghề để mỗi HS có thể chọn một nghành nghề phù hợp năng lực và sở thích.
“Vút bay” là tên gọi dự án do 20 bạn trẻ đến từ một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng được khởi động từ hơn một năm nay nhằm giúp HS phổ thông có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp. Huỳnh Quang Triết - Trưởng điều phối dự án chia sẻ:
“Nhiều bạn trẻ vì chọn học nhầm nghành mà có tâm lý chán nản, không có động cơ học tập, dẫn đến kết quả học không tốt, thậm chí có bạn bỏ học giữa chừng.
Làm sao để không chọn nhầm nghề, học nhầm ngành không chỉ là câu chuyện đau đầu của các bạn trẻ mà còn của cả phụ huynh nữa. Đó là những lí do để bọn em liên kết với các trường THPT kêu gọi học sinh đăng ký tham gia và chạy dự án”.
Những nhóm nghành nghề mà nhóm tập trung định hướng gồm: Kỹ thuật, dịch vụ du lịch, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật. Mỗi đợt của dự án sẽ kéo dài khoảng 2 tháng với số lượng tham gia tối đa là 35 em HS khối lớp 10.
Đến hình thành hứng thú nghề nghiệp
Dù ngay từ nhỏ, gia đình em Nguyễn Thị Ánh Tuyết (HS Trường THPT Trần Phú) đã có hướng đầu tư cho em trở thành một diễn viên múa.
Tuyết được gia đình cho đi học múa từ rất sớm, cũng đã tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình. Rồi Ánh Tuyết bất ngờ quyết định rẽ lối: “Tham gia dự án Vút bay với nhiều trải nghiệm công việc khác nhau, em nhận thấy khả năng của mình rất thích hợp với nghề hướng dẫn viên du lịch và cũng rất hứng thú với công việc này. Em sẽ vạch cho mình kế hoạch học tập và tích lũy kiến thức ngay từ bây giờ để theo đuổi nghiêm túc nghề này” - Tuyết chia sẻ.
Đã có nhiều bạn trẻ như Tuyết, hoặc nhận ra ngành nghề mình thích là không phù hợp để thay đổi quyết định, hoặc biết chủ động với những ngành nghề mình chọn để có những kế hoạch học tập phù hợp.
Nguyễn Hồ Bá Thành - HS Trường THPT Trần Phú - là một trường hợp khác. Ông Nguyễn Văn Tâm - Ba của Thành - tâm sự: “Dù gia đình có hướng cho cháu theo ngành kinh tế, nhưng khi hỏi con về một công việc yêu thích trong tương lai, nghe con nói ba cứ thấy nghề nào có nhiều tiền thì chỉ cho con thi vào, thiệt tình là tôi buồn lắm. Có vẻ như cháu không có ước mơ, lý tưởng gì về một nghề nghiệp nào, chưa kể là chưa ra đời mà đã có suy nghĩ thực dụng”.
Trong đêm Gala “My voice - Lời con nói” để kết thúc đợt 1 của dự án “Vút bay”, Thành đã khiến ba mình không khỏi xúc động, ôm chầm lấy con trên sân khấu khi chia sẻ:
“Từ nhỏ con đã yêu múa, đam mê múa và luôn nuôi ước mơ sẽ có ngày trở thành vũ công chuyên nghiệp, được đứng trên sân khấu để phục vụ cho cộng đồng. Con mong ba mẹ hiểu cho con…”.
Bá Thành thì kể rằng, em không đủ can đảm thổ lộ mong ước được trở thành một dancer chuyên nghiệp với ba mẹ như thế nào trước định hướng phải theo học khối ngành kinh tế của gia đình.
“Nhờ tham gia các buổi trò chuyện với các thầy cô ở trường ĐH, các chú, các cô từ các doanh nghiệp thì em mới đủ tự tin để xin phép ba mẹ”.
Bằng chính những hoạt động trải nghiệm, “Vút bay” đã hướng cả HS và phụ huynh có cái nhìn đúng đắn trong việc chọn ngành, trường học.
Việc chọn ngành nghề cho tương lai phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng vẫn là sở thích và phù hợp với học lực của từng HS. Nếu sở thích ngành nghề đó vượt quá khả năng, các em sẽ dễ bị loại ngay từ vòng đầu, dẫn đến thất vọng, bi quan.
“Vút bay”, với sự trợ giúp của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động xã hội cũng như giảng dạy ở các trường đại học, đã giúp HS biết cách thức để đạt được nguyện vọng, sở thích và niềm đam mê của mình bằng cách chuẩn bị kiến thức thật vững vàng.