Tin Tức Các Báo
In“Thẳng tay” để có một mùa thi chất lượng
Cập nhật 01/02/2013 - 01:42:03 PM (GMT+7)Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, không ai dám chắc sẽ không có những “Đồi Sắn, Đồi Khoai” tiếp sau vụ Đồi Ngô năm 2012. Tuy nhiên, so với mùa thi trước, việc xử lý tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, ngành giáo dục đã “thẳng tay” hơn rất nhiều.
Với những đổi mới thi cử ngày càng được chú trọng thì những mảng tối màu kỳ thi tốt nghiệp THPT dần dần sẽ được đưa ra ánh sáng để ngành giáo dục cũng như toàn xã hội cùng chữa căn bệnh tiêu cực kinh niên.
Bệnh thành tích chưa bao giờ “biến mất”
Năm 2006, sau sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo hành vi tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Tây (cũ), Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Hai không” chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Ngay lập tức, năm 2007, kết quả thi tốt nghiệp THPT của tất cả các tỉnh/thành và tỷ lệ chung của cả nước đã “rớt” thảm hại. Nhiều người thấy thế là đáng mừng vì giáo dục đã được trả về thực chất nhưng nhiều người lại thấy băn khoăn. Cùng năm đó, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT công bố biểu đồ chênh lệch giữa tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐH của tất cả các sở GD-ĐT. Con số này đã như một “cái tát” giáng vào chính ngành giáo dục. Nhưng những năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã dần được nâng lên và đến nay, nó lại ở mức trước “Hai không”, còn biểu đồ chênh lệch đã lui vào vòng bí mật như vị trí vốn có của nó trước đây.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn thừa nhận, bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục không phải mới quay lại mà nó vẫn tồn tại. Chính vì vậy mới có những chuyện xảy ra tại Đồi Ngô. Nhiều người còn cho rằng đây là sự kiện không đáng nhớ của ngành giáo dục trong năm 2012.
Những bí mật sẽ không còn... bí mật
Tại Hội nghị thi và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2013 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng việc cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi là không cần thiết, là gây khó khăn cho công tác coi thi, các trường không đủ “trình độ” để thẩm định thiết bị… Đa số các trường đều phản đối việc này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định việc này không có gì “làm khó” các trường. Bởi không phải thí sinh nào cũng có thiết bị để mang đi. Bộ trưởng cũng cho biết, chỉ những thí sinh không bằng lòng với công tác tổ chức thi và tuyển sinh của chúng ta mới có ý định mang vào phòng thi thiết bị cho phép. Mở cho thí sinh một quyền thì đồng thời cũng giao cho các em một trách nhiệm. Đó là không được phép phát tán trên mạng như thời gian vừa qua. Thực tế kỳ thi ĐH, CĐ 2012, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa vấn đề này vào thực hiện và không có sự cố gì xảy ra. “Cho phép thí sinh mang thiết bị vào phòng thi, cũng là “treo trên đầu” những người làm công tác thi một sự giám sát vô hình nhưng rất hiệu quả” - người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.
Không chỉ cho phép sử dụng công nghệ trong phòng chống tiêu cực mà năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận; tổ chức hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, từ năm 2013 kết quả chấm thẩm định bài thi tự luận sẽ được công bố công khai.
Hy vọng trong năm 2013, cùng với chủ trương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo, các cơ chế công khai minh bạch, những góc tối của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ sớm được đưa ra ánh sáng.
(Theo Báo Giáo Dục TP.HCM)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)