Tin Tức Các Báo
InHết thời vào đại học để xả hơi
Cập nhật 21/01/2013 - 09:39:36 AM (GMT+7)Quy định mới của Bộ GD-ĐT, sinh viên (SV) học tín chỉ sẽ bị buộc thôi học sau mỗi học kỳ nếu không đạt những yêu cầu tối thiểu về điểm số nhận được sự đồng tình của nhà trường và cả SV.
Tại điều 16 Bộ GD-ĐT quy định mức cảnh báo kết quả học tập đối với SV như sau: Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo;
Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với SV năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với SV năm thứ hai, dưới 1,60 đối với SV năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với SV các năm tiếp theo và cuối khoá; Số lần cảnh báo kết quả học tập do Hiệu trưởng qui định, nhưng không vượt quá 2 lần liên tiếp.
Quy định mới về đào tạo tín chỉ sẽ cảnh báo cho SV về tình hình học tập trước khi trường có quyết định thôi học.
Cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ hoặc chuyển xếp năm đào tạo mới.
Sau mỗi học kỳ, SV bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp: Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Hiệu trưởng; Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường quy định tại khoản 3 Điều 6 của Quy chế này;
Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định hoặc bị kỷ luật ở mức xoá tên khỏi danh sách SV của trường.
Mỗi trường một kiểu “chữa cháy”
Trước đó, tháng 9 năm 2010, 856/2.500 SV năm đầu của Trường ĐH Mỏ -Địa chất Hà Nội khá bất ngờ vì bị buộc thôi học do không đáp ứng được các điều kiện điểm số theo Quy chế 43 về đào tạo tín chỉ ở ĐH,CĐ.
Nguyên nhân một phần do Quy chế 43 đòi hỏi cao hơn so với Quy chế 25 cũ vì sử dụng thang điểm theo hình thức A, B, C, D... tương đương với 4, 3, 2, 1 điểm nên nhiều SV không đáp ứng được yêu cầu.
Trước tình hình này, trường đã áp dụng "điều kiện thấp nhất của quy chế đào tạo tín chỉ nhằm tạo điều kiện cho SV bằng cách giảm chuẩn yêu cầu của Quy chế 43.
Cụ thể, sẽ giảm từ 1,2 điểm tích lũy xuống mức còn khoảng 0,8 điểm tích lũy đối với SV năm thứ nhất. Sau đó chỉ có khoảng 120 SV khóa 54 của trường phải dừng học.
Sự việc tương tự đã xảy ra tại một số trường và mỗi trường đã có những giải pháp riêng: ĐH Đà Nẵng cho phép SV chưa đủ điều kiện được kéo dài thời gian học tập thêm 1 năm hay ĐH Huế tổ chức thi lại.
Hết thời vào ĐH để xả hơi
Hoài Nam, SV năm 4 lớp Địa vật lí, Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội cho rằng: “Các quy định về việc buộc thôi học ở Quy chế 43 đã ở mức thấp. Với dự thảo mới mình nghĩ chỉ những SV lười, không chịu học mới bị đuổi và nếu bị đuổi cũng là đúng”.
Mạnh Tiến, SV năm 4 khoa Thiết kế cầu đường, Trường ĐH Giao thông vận tải HN sắp tới lớp sẽ có khoảng 5 bạn bị buộc thôi học. “Phần nhiều do các bạn lười. Quy chế của Bộ đưa ra chỉ giúp SV cố gắng học tốt”.
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội Lê Trọng Thắng cho biết: “Chính từ việc gần 900 SV bị buộc thôi học, trường đã có ý kiến với Bộ về sửa đổi quy chế cho phù hợp thực tế”.
Siết chất lượng đầu ra với SV theo ông Thắng là cần thiết, buộc SV phải phấn đấu học ngay từ những học kỳ đầu nếu không sẽ bị loại. “Nếu đem so sánh điểm trung bình chung học tập đạt 2,0 (tín chỉ) còn cao hơn điểm trung bình chung học tập đạt 5,0 (niên chế)” – ông Thắng phân tích.
Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Hiền cho rằng: “Việt Nam không giống nhiều nước trên thế giới, mở đầu ra và khép đầu vào. Nên hiện có tình trạng sinh viên chỉ chú trọng học tập ở cấp phổ thông, vào được ĐH là dịp xả hơi.
Do vậy nhiều sinh viên khi vào ĐH thường không chú trọng học tập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Việc cảnh báo, buộc thôi học với SV là cần thiết giúp các bạn biết mình đang ở đâu để kịp thức tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Hựu, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Trước đây nhiều em bất ngờ khi nhận quyết định thôi học. Và mỗi trường “chữa cháy” theo một cách khác nhau. Nay sẽ có phần cảnh báo. Nếu chưa đủ điều kiện, SV có thể dừng lại và hoàn thành các tín chỉ. Trường cũng chủ động giúp đỡ cũng như buộc thôi học SV không đủ điều kiện”.
(Theo Báo VietNamnet)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)