Tin Tức Các Báo
InTrường ngoài công lập tuyển sinh “èo uột”: Đổ lỗi trường công
Cập nhật 21/12/2012 - 09:48:13 AM (GMT+7)Trước tình cảnh tuyển sinh “bê bết” năm nay, nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập khu vực phía Nam đòi quyền bình đẳng, nâng quyền tự chủ, bỏ điểm sàn và rút ngắn thời gian tuyển sinh.
Mở đầu buổi hội thảo ngày 20/12 để lấy ý kiến của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) khu vực phía Nam về vấn đề tuyển sinh hiện nay GS. TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL đánh giá những khó khăn của năm nay. “Tuyển sinh không được, đặc biệt là năm nay nhiều trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, thậm chí nhiều trường chỉ tuyển được vài chục thí sinh. Có những trường đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ khá mạnh và chỉ tiêu không nhiều nhưng vẫn tuyển không được. Triển vọng của các trường NCL sẽ ra sao,liệu có sống nổi không; các nhà đầu từ có tiếp tục đầu tư thêm vào không; các nhà đầu tư khác có muốn đầu tư xây dựng trường không? Chắc chắn không ai dám vì không tuyển sinh được. Trên bình diện này thì có thể biết trước rằng hệ thống các trường NCL không phát triển tiếp nữa thậm chí sẽ còn “thui chột” đi. Bộ GD-ĐT công bố trong năm tới khả năng 7 trường phải đóng cửa chứ không phải ngừng tuyển sinh".
Đa phần các đại biểu đều đổ lỗi do trường công đã “vét” hết thí sinh. TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng thí sinh đi đâu mà các trường tuyển không được trong khi thị trường đào tạo vẫn như thế với khoảng 1 triệu thí sinh dự thi mỗi năm. Có lẽ một trong những lý do chính là thí sinh đi vào các trường công hết. Hai năm gần đây các trường công được cấp ngân sách theo hình thức khoán chứ không cấp theo chỉ tiêu. Năm 2012, các trường được tự đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh kể cả với trường công. Hiện nay trường công chiếm 86% sinh viên trong khi đó khoảng 80 trường NCL nhưng chỉ chiếm được 14%. Nếu các trường công lập (CL) tăng 10% chỉ tiêu thì sẽ giảm 50% đầu vào cho các trường NCL . Trường công hưởng nhiều lợi thế hơn như được lo kinh phí trong khi trường tư lo bù giá. Nếu có cùng chất lượng đào tạo thì học phí ở trường tư cao hơn, nếu muốn đồng giá để thu hút người học thì tất nhiên chất lượng trường tư phải thấp hơn. Đề xuất duy nhất là Bộ GD- ĐT nên giảm chỉ tiêu các trường CL ngang với các trường xã hội hóa và quản lý chặc chẽ tổng chỉ tiêu các hệ (tại chức, văn bằng 2…). Nếu mỗi năm các trường CL giảm 7% chỉ tiêu sẽ tạo điều kiện cho các trường NCL nguồn tuyển dồi dào.
Còn TS Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Miền Đông có ý kiến rằng nên tìm kiếm sự bình đẳng giữa các trường. Hiện tại ở ta không chỉ có ĐH CL và NCL mà còn kể đến các trường nước ngoài đầu tư vào. Nếu xét góc độ tài chính thì ĐH NCL và ĐH nước ngoài bị mất bình đẳng so với trường công lập. Trong phương thức tuyển sinh thì cả trường CL và NCL đều phụ thuộc về chỉ tiêu và điểm sàn nhưng một bên được “nuôi dưỡng” và một bên tự lực thì trên “sàn đấu” việc thắng thua đã quá rõ ràng.Trong khi đó, các trường ĐH nước ngoài lại có phương thức tuyển sinh riêng không phụ thuộc chỉ tiêu, không bị khống chế điểm sàn nên trường NCL lại tiếp tục thua một lần nữa.
TS Phúc kiến nghị cần phải phân tầng đại học bao gồm ĐH nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực. Đối với trường nhận ngân sách thì cần phải giảm chỉ tiêu, những sinh viên nào muốn học những trường này phải trải qua kỳ tuyển sinh quốc gia gắt gao để trở thành những nhà nghiên cứu lớn. Vì vậy, chỉ tiêu các trường này không thể cao được. Bên cạnh đó một đề xuất quan trọng là các trường NCL cần được hưởng quyền lợi tuyển sinh như các trường nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
TS Nguyễn Minh Châu - Hiệu trưởng ĐH Quang Trung cũng phát biểu rằng nguyên nhân khách quan là do các trường công có thể lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn. Điều này chỉ có lợi với việc tuyển sinh của các trường công lập “tốp cao”. Ngoài ra, theo TS Châu thì việc xác định nguồn tuyển sinh theo điểm sàn là không đúng. Tổng số lượng thí sinh thực tế không nhiều, chỉ đủ cho chỉ tiêu các trường công còn các trường NCL thì đã cạn.
Nếu như năm ngoái, chính Hiệp hội các trường NCL đã đề xuất kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 12. Thế nhưng trong buổi hội thảo hôm 20/12, đa phần các đại biểu phàn nàn rằng năm nay xét tuyển kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh mà các trường cũng không tuyển được. Không những thế, đại diện các trường tư cũng “eo sách” là nên bỏ điểm sàn vì chưa chắc đảm bảo chất lượng đầu vào, cải cách đề thi “nhẹ nhàng” để thí sinh đạt điểm cao.
GS.TS Trần Hồng Quân cho biết sẽ tập hợp các ý kiến của đại diện các trường NCL ở phía Bắc và Nam để đề xuất với Bộ GD-ĐT trước hội nghị tuyển sinh dự kiến diễn ra vào tháng 1 năm 2013 sắp tới.
(Theo Dân Trí)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)