Tin Tức Các Báo
In“Chính sách học phí thấp đang trợ cấp ngược cho người giàu”
Cập nhật 19/11/2012 - 09:18:08 AM (GMT+7)Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Trường Giang (Vụ hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính) về những bất cập của cơ chế tài chính hiện hành trong hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học” diễn ra hôm 17/11 tại Hà Nội.
Bất cập do đầu tư bình quân, cào bằng cho Giáo dục Đại học
Theo TS. Nguyễn Trường Giang, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo công lập hiện mang tính bình quân, cào bằng, chưa gắn với nhu cầu đào tạo, cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo.
“Hiện nay, việc giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học công lập được thực hiện theo cơ chế khoán, việc giao khoán được căn cứ vào khả năng của ngân sách, dự đoán được giao năm trước để làm căn cứ giao khoán năm sau”, TS Giang nói.
“Tuy nhiên, hàng năm có sự thay đổi nhiều về số lượng, cơ cấu đào tạo, giá cả... nhưng việc giao khoán không gắn với số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo. Hơn nữa, căn cứ được giao khoán dựa trên dự toán được tính toán theo định mức phân bổ ngân sách nhà nước quy định tại công văn số 562/HCSN (ngày 3/3/1998) của Bộ Tài chính, đến nay cũng đã không còn phù hợp với thực tế”.
Ông Giang cũng nhấn mạnh: “Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo dẫn đến việc hỗ trợ của Nhà nước mang tính chất bình quân, cào bằng đối với tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo và gia đình trung lưu. Sinh viên các gia đình có thu nhập cao chiếm tỉ lệ không nhỏ, điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp của chúng ta lại đang trợ cấp ngược cho người giàu”.
Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc đầu tư bình quân cho sinh viên các ngành học khác nhau với một khoản kinh phí như nhau từ ngân sách nhà nước là điểm bất cập hiện nay. “Với những ngành nhu cầu xã hội cần nhiều, người học thích học sẽ phải chịu một cơ chế khác so với những ngành học Nhà nước cần nhưng người học chưa mặn mà”.
Ông Nhã đề xuất: “Sắp tới, đối với sinh viên sư phạm, có thể sẽ không miễn giảm học phí như trước, mà được cho vay như với sinh viên khác. Nếu ra trường, người tốt nghiệp làm trong ngành giáo dục thì được miễn giảm phần trả, nếu công tác ngoài ngành, sẽ có cơ chế bồi hoàn lại kinh phí đào tạo”.
Cần phải tính đủ chi phí đào tạo
Theo TS Nguyễn Trường Giang, đối với giáo dục đại học, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về giáo dục đại học. Học đại học để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống nuôi sống bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí.
“Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận quy luật là tiền nào, của đó, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ xã hội có nhu cầu cao thì giá phải cao và ngược lại”, ông Giang nêu quan điểm.
Ý kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính. “Lương giáo viên tăng nhưng chất lượng giáo dục không tăng kịp với tốc độ đó, bởi lẽ lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng không nhiều. Theo quan điểm của tôi, giáo dục là một dịch vụ và phải tính đủ giá dịch vụ”.
“Theo định hướng dự kiến đổi mới tới đây, chi phí cho giáo dục Đại học (GD ĐH) phải được tính đủ. Chi phí cho một sinh viên y khoa chẳng hạn, tính đủ là 50 triệu đồng/năm; sinh viên kinh tế là 30-40 triệu đồng. Đối với những ngành có khả năng phân hóa cao, người học có nhu cầu thì ngoài phần ngân sách hỗ trợ được bao nhiêu, nhà nước sẽ cho phép các trường được trợ thu để đảm bảo đủ chi phí đào tạo”, bà Minh nói.
Tự chủ tài chính phải gắn với trách nhiệm xã hội và chất lượng
Ủng hộ việc từng bước trao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng cơ chế tự chủ tài chính hiện tại vẫn còn nhiều bất cập.
“Mặc dù là tự chủ về tài chính nhưng các trường tự chủ không được tự xác định mức học phí, vẫn phải tuân thủ mức trần học phí, vốn rất thấp được quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các trường không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực và tình hình thực tiễn của mình.
Với những trường tự chủ một phần, nhà nước còn thực hiện cơ chế khoán ngân sách cho từng trường, với mức khoán chưa gắn với nhiệm vụ được giao, chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra”, ông Nhạ dẫn giải những bất cập chính liên quan tới nguồn thu trong cơ chế tự chủ hiện hành.
Để giải quyết những bất cập trên, theo PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, nhà nước cần tạo một cơ chế đầy đủ hơn cho các trường. Đi kèm với việc giao quyền tự chủ là việc tăng cường trách nhiệm giải trình của các các trường, tăng cường giám sát của nhà nước và cộng đồng với các trường qua các tiêu chí cụ thể và minh bạch.
“Việc chi tiêu của các cơ sở giáo dục phải minh bạch và phải công bố công khai. Cơ quan nhà nước phải tăng cường giám sát. Đồng thời phải có chế tài cụ thể cho việc tự chủ thì những người thực hiện mới yên tâm triển khai”, ông Nhạ nói.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương, tán đồng: “Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, người đứng đầu phải có trách nhiệm với sản phẩm đầu ra của mình, phải có cơ chế giám sát cam kết xã hội về chất lượng đào tạo”.
(Theo Dân trí)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)