Tin Tức Các Báo
InHiểu lao động của nhà giáo để đãi ngộ và tôn vinh
Cập nhật 16/11/2012 - 08:49:07 AM (GMT+7)Phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ tôn vinh xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của người học, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách.
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khi chia sẻ với Dân trí nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhà giáo lao động cả trí tuệ lẫn nhân cách
Hiểu lao động của nhà giáo để có chế độ đãi ngộ và tôn vinh thỏa đáng.
Không có động lực thì HS không thể có nghị lực để vượt qua những thử thách, những cám dỗ của cuộc sống đầy biến động hiện nay. Chính người thầy bằng ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ. Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc mới có. Cái đó thì không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thầy. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng của thầy.
Cũng theo TS Lâm, trong xã hội hiện nay, tỷ lệ các gia đình không ổn định rất cao. Trẻ em là người thiệt thòi nhất khi nhân tố giáo dục trẻ từ mỗi gia đình bị phá vỡ. Nếu các em không được các thầy cô trong các nhà trường nâng đỡ chăm sóc. Chắc chắn nhiều em dễ bị lệch chuẩn. Và vai trò của nhà giáo lúc này sẽ là người cha, người mẹ thứ 2 của các em. Nên ta không chuẩn bị tốt cho những người thầy có đủ năng lực sư phạm tâm huyết với nghề để làm thiên chức thứ 2 này, chắc chắn xã hội sẽ nhận nhiều hậu quả.
“Trong khi xã hội chưa tìm được giải pháp để xây dựng các tổ ấm gia đình, tạo môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Tại sao ta không tôn vinh, đãi ngộ để các nhà giáo yên tâm, chuyên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp cho nghề dạy học của mình?” - TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.
Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý
Liên quan đến vấn đề lương của giáo viên (GV) hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng có mấy vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thỏa đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu.
Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao... thì phải ưu tiên giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.
“Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo hiệu quả lao động thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khóa, đoàn đội, chủ nhiệm... cũng phải được trả tiền. Chứ nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng thôi. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay có hai kiểu GV. Một là kiểu thực sự có năng lực giỏi được HS yêu quý. Còn kiểu thứ hai, phổ biến nhất, là dùng cách này hay cách khác để ép HS phải học. Trước thực tế này, TS Lâm đặt vấn đề: Tại sao không khuyến khích người ta dạy giỏi để trả lương thật cao? Chúng ta phải mạnh dạn cải tiến tiền lương theo hướng đó. Với GV phải đi đúng 4 bước: Tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Và trong tuyển chọn phải có thải loại, dám bỏ những người không phù hợp. Ngành giáo dục càng loại trừ tốt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không thể nhân đạo với một người mà vô nhân đạo với rất nhiều thế hệ.
“Việc đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ GV mầm non và tiểu học hiện nay chúng ta đang làm ngược quy luật. Trẻ mầm non và tiểu học là lứa tuổi cần được chăm sóc và giáo dục một cách chu đáo và khoa học nhất, kết quả giáo dục của những lớp này sẽ quyết định rất nhiều đến việc phát triển tài năng và tính cách của mỗi cháu. Để làm được việc này, GV mầm non và tiểu học phải được đào tạo chính quy đạt ít nhất trình độ Cao đẳng và tiền lương lại được ưu tiên có hệ số cao hơn các GV dạy ở các cấp khác. Bảng lương của ta chỉ có hệ số cao cho GV THPT và Đại học. Có lẽ phải làm ngược lại. Nhiều sai sót trong ứng xử sư phạm hiện nay của GV mầm non và tiểu học cũng là do họ không được đào tạo chính quy, không được đãi ngộ đúng với lao động có tầm quan trọng với lứa tuổi học trò” - TS Lâm nói.
Chốt vấn đề tiền lương, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta đặt ra yêu cầu đối với GV, rồi đưa người ta đi bồi dưỡng. Có thể GV sau 5 năm phải đào tạo lại 6 tháng. Đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có thể có được đội ngũ GV giỏi. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, GV lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ phấn đấu theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì phải chịu loại bỏ. Sử dụng, đãi ngộ và chọn lọc phải đi với nhau.
(Dân Trí)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)