Tin Tức Các Báo
InPhải phân luồng học sinh phổ thông
Cập nhật 02/11/2012 - 08:10:56 AM (GMT+7)Để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là cơ cấu của giáo dục phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chiến lược cụ thể nhằm thay đổi bậc học này.
Học sinh học ngành quản trị bếp tại trường trung cấp nghề là một trong những hướng đi cho học sinh sau THCS nếu không đủ điều kiện học lên cao
Học bao nhiêu năm là đủ ?
Hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau về cơ cấu bậc học phổ thông: Một bên cho rằng vẫn duy trì 12 năm như hiện nay, ý kiến ngược lại đề nghị chỉ nên kéo dài 9 - 10 năm.
GS Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ, nước ta còn nghèo, lại là nước đi sau và muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước nên không thể phát triển dàn trải. Trong vòng 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài.
Với tư tưởng thực học như vậy, GS Thuyết cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông cũng cần được xem xét lại. Việc kéo dài thời gian học phổ thông tới 12 năm như hiện nay tỏ ra không phù hợp với hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước nói chung. Vì vậy, ông đề nghị nên thiết kế hệ thống này theo công thức 9+2, tức là đại bộ phận học sinh chỉ học chương trình giáo dục cơ bản 9 năm; sau đó, tùy sở nguyện, sở trường và kết quả học tập mà vào trường trung học nghề hoặc THPT 2 năm với chương trình tự chọn gồm các môn phục vụ chuyên ngành tương lai do người học xác định.
Trong khi đó, GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học giáo dục, lại cho rằng giáo dục Việt Nam từng trải qua các thời kỳ 9, 10, 11 năm và hiện tại đang ổn định ở 12 năm. Ông Lộc cho rằng theo số liệu của hơn 200 nước mà ông có được, chỉ có khoảng 6 nước chọn hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, gần 120 nước (hơn 60%) theo hệ 12 năm. Còn các tỷ trọng khác rơi vào các hệ thống 11, 13, 14... năm. Vì vậy ông Lộc khẳng định 10 hay 12 năm xét ở một góc độ nào đó cũng không quan trọng bằng nội dung chương trình, sắp xếp thế nào cho phù hợp.
Những hướng đi hợp lý
GS Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, một trong những xu thế quan trọng về cải tổ hệ thống giáo dục của nhiều nước hiện nay là phân luồng học sinh sau cấp học phổ thông.
Ông Đường đề xuất, cần hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng sau THCS, học sinh học THPT được phân thành 2 nhánh: phân hóa và nghề. Phân hóa chỉ học 3 - 4 môn chung bắt buộc còn lại là các môn tự chọn theo hướng nghề nghiệp tương lai mà các em đã chọn. Nghề vừa dạy văn hóa phổ thông vừa dạy nghề với 50% thời lượng các môn văn hóa chung bắt buộc, thời gian còn lại học nghề, trong đó chú trọng đến học thực hành.
Sau THPT, học sinh được chia thành 2 nhánh: hàn lâm và công nghệ. Nhánh hàn lâm tuyển sinh chủ yếu học sinh tốt nghiệp THPT để đào tạo nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH cho các ngành khoa học. Ngược lại nhánh công nghệ tập trung tuyển học sinh tốt nghiệp các trường THPT nghề để tạo nhân lực có trình độ CĐ và ĐH cho các ngành công nghệ. Thực hành chiếm một thời lượng lớn trong chương trình của nhánh công nghệ để đào tạo ra công nhân kỹ thuật trình độ cao, kỹ thuật viên hoặc kỹ sư có kỹ năng thực hành thành thạo, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững vàng đáp ứng cho yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Cùng quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị: “Cấu trúc mới của bậc phổ thông nên theo hướng cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình; cấp THPT được phân thành 2 nhánh: một nhánh tạm gọi là THPT, nhánh kia có thể gọi là trung học nghề. Nhánh THPT đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể thi vào các trường ĐH. Chương trình bao gồm 5 môn học bắt buộc và các môn tự chọn. Nhánh trung học nghề dạy học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có một nghề. Học sinh học hết 12 năm có thể ra làm nghề hoặc học liên thông lên CĐ nghề hoặc TCCN”.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu cấu trúc của bậc phổ thông thay đổi theo hướng này thì vấn đề thi cử sẽ rất nhẹ nhàng. Không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tổ chức thi cuối năm và xét học bạ rồi cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Các trường CĐ dạy nghề, trường TCCN... có thể tuyển sinh căn cứ vào học bạ và chứng chỉ tốt nghiệp. Các trường ĐH có thể xét tuyển hoặc thi tuyển tùy theo uy tín của từng trường.
Đường cùng mới theo nghề PHẠM NGỌC THANH - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Trường THCN chưa tạo được uy tín CAO HUY THẢO - Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Úc |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)