1

Tin Tức Các Báo

In

“Hạ điểm sàn không phải để lấp chỉ tiêu”

Cập nhật 31/10/2012 - 08:04:11 AM (GMT+7)

Tuyển sinh kéo dài nhưng đến nay nhiều trường kêu đã cạn nguồn tuyển. Trong khi đó, trước động thái cho phép hạ điểm sàn ở các trường ĐH khu vực Tây Nam bộ, Tây nguyên, Tây Bắc khiến nhiều trường bối rối.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ:


- Năm nay bộ đã tạo mọi điều kiện chủ động cho các trường như kéo dài thời gian xét tuyển, không giới hạn nguyện vọng, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước... Bộ chỉ còn giữ lại hai điều kiện bảo đảm chất lượng tuyển sinh: đề thi và điểm sàn. Mặc dù số lượng thí sinh trên điểm sàn rất lớn, song việc các trường khó khăn về tuyển sinh, thậm chí có trường còn kêu khó hơn mọi năm, là có thật.

* Đó có phải là lý do để bộ vừa quyết định hạ điểm sàn cho các trường ĐH khu vực Tây Nam bộ, Tây nguyên, Tây Bắc? Việc hạ điểm sàn dường như lại đang khiến nhiều trường gặp rối vì thí sinh liên tục rút hồ sơ để tìm cơ hội mới, chuẩn bị cho bằng cấp cao hơn. Bộ có lường trước việc này?

- Bộ hạ điểm sàn cho ba khu vực khó khăn không phải để lấp chỉ tiêu cho các trường mà nhằm tạo điều kiện để các vùng này có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.

Bộ dự đoán được xu thế chuyển dịch người học từ trường CĐ lên ĐH hay từ trường trung cấp lên CĐ, song số lượng này không nhiều. Số lượng học sinh bị trượt hoặc chưa đủ điểm học ĐH định ở nhà ôn lại nay nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ chiếm số lượng lớn hơn nhiều.

* Vậy lý do nào khiến tình trạng tuyển sinh nhiều trường lại trở nên “thê thảm” hơn cả những năm trước khi bộ nói đã tạo điều kiện tự chủ hết mức cho cơ sở?

- Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, đến thời điểm hiện nay, cơ cấu đào tạo các ngành kinh tế, quản lý chỉ chiếm 20% quy mô đào tạo, nhưng thực tế hiện con số này đã đạt 38%, nghĩa là gần gấp đôi quy hoạch. Bộ GD-ĐT đã nhiều lần cảnh báo thí sinh về tình trạng “khủng hoảng thừa” nhân lực nhóm ngành này. Trong tình hình sản xuất, kinh doanh có khó khăn nên số doanh nghiệp thành lập mới không nhiều, nhu cầu nhân lực các ngành quản lý không còn nhiều như trước.

Mùa tuyển sinh năm 2012 đã có chuyển biến lớn trong lựa chọn ngành nghề. Số thí sinh đăng ký ngành kinh tế, quản lý giảm đến 10% so với năm trước. Theo cách tính số tuyệt đối thì sự sụt giảm còn mạnh mẽ hơn khi năm nay số thí sinh dự thi ĐH, CĐ cũng giảm gần 10% nữa. Trong khi các trường ĐH mới thành lập, các trường ngoài công lập lâu nay chủ yếu chú trọng đào tạo những ngành kinh tế, quản lý vì không phải đầu tư nhiều như các ngành kỹ thuật công nghệ. Đúng là một thời cứ mở ngành đào tạo kinh tế, quản lý là có sinh viên, nay rõ ràng nhu cầu đó đã bão hòa. Tình trạng cũng tương tự như ngành tiếng Anh, ngành công nghệ thông tin... trước đây.

* Nhưng lãnh đạo nhiều trường cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các trường khó tuyển sinh là do mạng lưới trường ĐH hiện nay không hợp lý. Có trường kêu vì có quá nhiều trường công lập trên cùng địa bàn nên thí sinh không mặn mà với trường ngoài công lập?

- Vấn đề không hẳn là sự phân bố trường ĐH mà là sự phân bố ngành nghề giữa các trường. Nếu có sự phân công rõ ràng về ngành nghề đào tạo, tránh chồng chéo giữa các trường trên địa bàn, mỗi trường đầu tư chuyên sâu một số lĩnh vực mà mình có thế mạnh thì hoàn toàn không lo thiếu nguồn tuyển. Số thí sinh trên điểm sàn còn nhiều, nhưng các em không lựa chọn ngành các trường còn thừa chỉ tiêu do ngành nghề không phù hợp hay nhà trường chưa có uy tín để thu hút thí sinh.

Với tình hình kinh tế hiện nay, học phí các trường ngoài công lập không phải thấp so với mức thu nhập của người lao động, nên các gia đình cũng phải tính toán rất kỹ trong việc đầu tư cho con cái. Song vấn đề cơ bản nhất vẫn là thị trường lao động. Khi những khóa sinh viên trước không tìm được việc làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý lựa chọn trường, ngành của thí sinh. Thị trường lao động bây giờ cũng rất khác, nguồn cung lao động lớn nên người sử dụng lao động có nhiều sự lựa chọn theo những tiêu chí chất lượng riêng.

* Dường như có sự khập khiễng quá mức giữa nhu cầu đào tạo và nhu cầu xã hội khiến các trường rơi vào thế bị động, không thể xoay xở cho đủ người học?

- Đúng là có những bất cập khiến thị trường lao động và thực tế đào tạo của các trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ vì trước đây chúng ta chưa có quy hoạch nhân lực cụ thể. Trước đây các trường đào tạo theo năng lực của mình, ít quan tâm đến nhu cầu của xã hội. Những năm gần đây, bộ đã có chủ trương đào tạo theo nhu cầu, gắn kết đào tạo với thị trường việc làm.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020. Trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương cũng đã lập quy hoạch phát triển cho ngành, địa phương mình. Dựa vào kết quả quy hoạch phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT đang lập phương án quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH cho phù hợp, tránh sự khập khiễng giữa nguồn cung và nhu cầu lao động.

* Quy hoạch mạng lưới ĐH mới mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng sẽ làm thay đổi mạng lưới ĐH hiện nay theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?

- Hiện tại cả nước có 414 trường ĐH, CĐ và 1/3 trong số này là các trường nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng (147 trường) và khoảng 1/5 số trường nằm ở vùng Đông Nam bộ (88 trường). Còn lại, các vùng duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Tây Bắc... số trường còn hạn chế.

Quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ bám sát quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 theo nguyên tắc nơi nào đang thừa sẽ dừng việc thành lập trường mới.

Thứ hai, trong năm năm qua, hệ thống giáo dục ĐH phát triển quá nóng về ngành kinh tế, quản lý mà không tập trung các ngành khoa học xã hội nhân văn, kỹ thuật công nghệ nên phải điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề.

Thứ ba là mục tiêu 450 SV/vạn dân đến năm 2020 quá cao so với nguồn lực đầu tư của xã hội cho giáo dục - đào tạo khiến chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Trong chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020, bộ đã đề xuất giảm chỉ tiêu này xuống còn 350-400 SV/vạn dân. Việc cho phép thành lập trường ĐH mới sắp tới sẽ không còn chạy theo mục tiêu phát triển quy mô mà sẽ căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng, yêu cầu cơ cấu ngành nghề, mật độ hiện có của các trường ĐH, khả năng đầu tư cơ sở vật chất, chủ trương cấp đất cho giáo dục ở địa phương, khả năng tìm kiếm, thu hút giáo viên...

Quy trình thành lập trường chặt chẽ hơn

Đặc biệt, trước đây các trường cứ thành lập là hoạt động ngay. Nay quy trình chặt chẽ hơn, chỉ khi nào trường đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được phép hoạt động. Dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ ngành. Trong thời gian điều chỉnh quy hoạch này, Bộ GD-ĐT tạm dừng xem xét các dự án thành lập trường ĐH mới, chỉ tiến hành xem xét thành lập mới đối với các dự án đã có chủ trương từ trước.

Hiện có 80 hồ sơ xin thành lập trường ĐH, trong đó 25 hồ sơ đã có chủ trương thành lập và 67 hồ sơ thành lập trường CĐ, trong đó 22 hồ sơ đã có chủ trương thành lập trường.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin