Tin Tức Các Báo
In"Tôi buồn vì sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm"
Cập nhật 08/10/2012 - 08:39:06 AM (GMT+7)GS Nguyễn Lân Dũng: "Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải đi tiếp thị mì tôm hay các việc làm tương tự để kiếm sống. Hiện nay là như vậy, đến năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 350-400 sinh viên tính trên một vạn dân, nếu không đổi mới chất lượng đào tạo thì ngay cả việc đi "tiếp thị mỳ tôm" cũng đâu có dễ".
LTS: Là một người đã từng học qua 4 trường sư phạm (từ sơ cấp đến đại học) và cũng là một thầy giáo đã công tác trong ngành giáo dục trên nửa thế kỷ, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng - Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trăn trở: “Cần làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam?”.
3 tấm bằng mà vẫn không xin được việc
- Là một người tâm huyết với giáo dục nước nhà, GS có đánh giá như thế nào vềt hành tựu giáo dục Việt Nam đạt được trong 10 năm qua?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Nhìn lại trong10 năm qua (2001 - 2010), quy mô đào tạo nghề đã tăng 3,08 lần, trung cấp chuyên nghiệp tăng 2,69 lần; quy mô giáo dục đại học tăng 2,35 lần. Năm 2010, số sinh viên cao đẳng và đại học trên một vạn dân đạt 227; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40%, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục một phần bất hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển các cấp học và trình độ đào tạo.
Trong 10 năm qua, tỷ trọng quy mô đào tạo ngoài công lập trong tổng quy mô đào tạo tăng. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 52% năm 2006 lên 71% năm 2010. Nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh, sinh viên đã được ưu tiên đầu tư xây dựng và tăng dần trong những năm gần đây.
Trong 10 năm qua, những thành tựu của giáo dục nước ta đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
- Bên cạnh những thành tựu đạt được, có lẽchúng ta cũng nên nhìn nhận thẳng thắn những bất cập, hạn chế, thưa GS?
Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề“Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.
Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Nhân buổi tham dựngày khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM),Thủtướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên một phần những hạn chếbất cập này. Thủtướng chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tựhọc, tính chủ động, sáng tạo của người học; việc tham gia vào các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế…”.
- Chúng ta đã nói nhiều vềđổi mới giáo dục và cũng hơn một lần đổi mới, nhưng xem ra hiệu quả thu được chưa tương xứng với kỳ vọng. Theo quan điểm của GS, bây giờ chúng ta còn phải làm gì nữa?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Cần thiết phải thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện để góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành một cách căn cơ và bền vững.
Xã hội đã có những thay đổi về cơ chế hoạt động, về hệ thống giá trị và về nhu cầu cuộc sống; tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và tâm lý xã hội đã có những đổi thay; điều kiện hoạt động của xã hội và của từng gia đình thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ thông tin được sử dụng rộng khắp trong từng lĩnh vực cuộc sống con người… Nên chúng ta không thể tiếp tục sử dụng nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý, phương thức đánh giá của nhà trường theo quan niệm giáo dục và hệ thống chuẩn mực của những năm trước.
Nước nào sau một thời gian người ta cũng phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa và hệ thống giáo dục. Nước nào làm tốt thì ít phải sửa đổi hơn. Các bất cập trong giáo dục nước ta thì nhưThủ tướng đã nói trong dịp khai trường năm nay: Giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học; việc tham gia vào các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế…
- GS có nhận định gì về chất lượng giáo dục đào tạo đại học hiện nay?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Năm học 2009-2010 cảnước có tới 149 trường đại học và 227 trường đào tạo trình độ cao học, thu hút tới 1,93 triệu sinh viên. Không hiểu nổi trong số những ngôi trường này có bao nhiêu phòng thí nghiệm, bao nhiêu xưởng thực hành? Cũng không hiểu trong số 70.558 thầy cô giáo đang giảng dạy tại các trường này có bao nhiêu người có trình độThạc sĩ hay Tiến sĩ? Kiểu "cơm chấm cơm" và "học chay" rất phổ biến này làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội?
Ngoại ngữ thiếu liên thông, cho nên đầu mỗi cấp học thường thì học sinh vẫn phải học lại từ đầu "ây, bi, xi..." và vì vậy sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học vẫn chưa sử dụng được thành thạo bất kỳ một ngoại ngữ nào.
Trong khi các trường đại học thiếu điều kiện nghiên cứu cho cả thầy lẫn trò thì nhà nước lại cho thành lập hàng loạt các Viện, các Trung tâm nghiên cứu bên ngoài đại học. Không kể các nước phát triển như ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc... mà ngay các nước châu Á nhưThái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... cũng chẳng có ai làm như vậy?
- Theo GS thì việc mở lớp, mở trường ồ ạt có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đầu ra của sinh viên?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều trường mở Khoa Môi trường nhưng không một sinh viên nào về nơi công tác đủ khả năng thiết kế một công trình xử lý rác, xử lý nước thải, vậy thì biết làm gì khi các Sở Tài nguyên & Môi trường không còn biên chế đển hận thêm cán bộ. Hàng loạt sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp đã thất nghiệp vì không đủ tiền chạy chỗ vào công sở, hoặc không đủ khả năng để nhận việc ở các công ty, xí nghiệp tư nhân.
Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải đi tiếp thị mì tôm hay các việc làm tương tự để kiếm sống. Hiện nay là như vậy, đến năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 350-400 sinh viên tính trên một vạn dân, nếu không đổi mới chất lượng đào tạo thì ngay tìm việc đi "tiếp thị mì tôm" cũng đâu có dễ. Tôi biết có người có 3 tấm bằng rồi nhưng vẫn không dễ xin việc.
Sách giáo khoa phổthông quá nhiều bất cập
- Theo GS thì sách giáo khoa cho chương trình phổ thông (bao gồm cả ba cấp) hiện nay có nhiều bất cập không? GS có thể nêu các thí dụ?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Quá nhiều bất cập, nhưng lỗi do chương trình chứ không phải do sách giáo khoa. Người viết sách giáo khoa bắt buộc phải theo chương trình. Mà chương trình thì chưa hoàn chỉnh. Phân ban không hợp lý. Học nhiều thứchả để làm gì, học quá nhiều môn, sách tham khảo quá loạn, dạy chữ mà ít lo dạy người, ít lo hướng nghiệp...
Về Sinh học thì tôi thấy chả giống nước nào, chương trình quá nặng mà lại rất nông. Nên tham khảo chương trình Khoa học về Sự sống và vềTrái đất của Pháp. Mỗi bài chỉ có 1,5 trang mà 70% là hình vẽ. Vậy mà toàn những kiến thức rất cơ bản. Sau đó là 4-5 trang đọc thêm, cũng chủ yếu là hình vẽ, tranh ảnh. Nepal cũng có kinh nghiệm rất hay. Lớp 11 và 12 phân làm 4 chuyên ban, mỗi chuyên ban chỉhọc có 4 môn. Nên sách giáo khoa mỗi môn dày đến 700 trang (!). Thế thì cần gì dạy thêm học thêm nữa?
- Một số người cho rằng nên rút ngắn chương trình học phổ thông xuống còn 9+2, quan điểm của GS thếnào?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta chưa có điều kiện học mỗi ngày 2 buổi, cho nên nếu rút ngắn năm học sẽ thiếu điều kiện trang bị kiến thức cho học sinh. Nhưng tôi kiến nghị sau lớp 10 là phải xong kiến thức phổthông rồi. Lớp 11-12 coi nhưphân ban sâu để hướng nghiệp hoặc coi như dự bị đại học (với các học sinh có điều kiện học tiếp cao đẳng, đại học).
- Đi sâu vào chất lượng giáo dục phổthông, GS có đánh giá như thếnào về phương pháp dạy và học hiện nay?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Vì chất lượng giáo dục phổ thông chưa cao (mặc dầu tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp là rất cao) nên đầu vào của các trường đại học, cao đẳng chưa tương xứng với yêu cầu. Trong khi các ngành khoa học cơ bản là xương sống của nền khoa học nước nhà thì sốthí sinh thi vào các ngành khoa học cơ bản ngày càng ít, với chất lượng ngày càng thấp.
Đặc biệt với các ngành khoa học xã hội thì với kết quả hàng ngàn bài thi môn lịch sử bị điểm 0 cho thấy một thực trạng hết sức đáng lo ngại về trình độ tú tài của học sinh nước ta hiện nay. Chưa nói đến những yêu cầu cao siêu, chỉ xem một bức thư xin nghỉ học của một học sinh lớp 10, tuy chỉ có mươi dòng nhưng ngoài việc chữ rất xấu, viết hoa tùy tiện, còn thật đáng xấu hổ khi mắc những lỗi chính tả mà có lẽ học sinh tiểu học cũng không thể mắc phải (như viết "ngỉ học", "hôm lay", "đơn lày", "chong lúc", "có ngịch", "xa xút", "em ngĩ", "học xinh", "nhà chường", "cho lên", "phụ hunh"...).
Anh Jeffrey Thái, một Việt kiều ở Mỹ đã viết trên blog của mình như sau: “Khi đọc lại tiếng Việt của ngày hôm nay, tôi đã "choáng váng" mà nhận ra rằng: Nó đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể nhất ở khâu chính tả và diễn đạt ở những bài viết mà tôi có dịp được đọc qua... Tôi vẫn còn nhớ vào những ngày còn đi học ởViệt Nam, tôi vẫn luôn được dạy để nhớ rằng: Việc viết sai chính tả là một điều cực kỳ đáng xấu hổ. Thế mà, giờ đây dường như mọi người "thoải mái" viết sai chính tả một cách rất... vô tư”.
- Vậy theo GS, để giữ được sự ổn định thì nên làm gì?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng:
Cần đổi mới mục tiêu giáo dục. Coi trọng dạy kiến thức cơ bản, ngoại ngữ, tránh bắt nhớ nhiều chi tiết (mà ai cũng dễ dàng tìm được qua internet). Coi trọng dạy nhân cách một công dân trong xã hội, một người con hiếu thảo trong gia đình. Coi trọng năng lực thực tiễn để có thể vận dụng ngay trong đời sống và trong sản xuất, ít ra là đủ kiến thức để có thể học nghề không mấy khó khăn.
Cần xác định chính xác và hợp lý nên học mấy năm là thích hợp. Phân ban từ lớp nào? Phân ban sâu đến đâu là hợp lý? Mỗi phân ban nên học mấy môn là đủ.
Cần khẩn trương xây dựng một chương trình chuẩn (sau khi đã hoàn thành các việc nói trên) sao cho không chênh lệch nhiều với đa số các nước và phù hợp với thực tế nước ta. Chương trình cần theo xu thế tích hợp như các nước phát triển và có thể sử dụng ổn định nhiều năm. Chúng ta nên huy động đến mức tối đa sự tham gia của các hội khoa học chuyên ngành, cộng với hiểu biết của các thầy cô giáo phổ thông giàu kinh nghiệm.
Sau khi đã có chương trình tốt và được thông qua bởi Chính phủ (hay Quốc hội) thì việc biên soạn sách giáo khoa chỉ là việc của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Nhà nước không cần tốn kinh phí cho chuyện này. Sách nào không phù hợp với chương trình thì không được phát hành. Quyền lựa chọn sách giáo khoa hoàn toàn là của thầy giáo, học sinh và phụ huynh. Đây là một sự cạnh tranh lành mạnh để có những bộ sách giáo khoa tốt.
Cần xác định học cho mình, chứ không phải học để thi. Cần cho lưu ban hàng năm với các học sinh kém và bỏ mọi kỳ thi hết cấp II và cấp III. Tất nhiên là phải rất nghiêm túc trong việc cho lưu ban các học sinh kém.
Cần đầu tư để thực hiện được lời mong ước của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.
- Chúng ta cứ hô hào đổi mới, nhưng xã hội ta thì vẫn xính bằng cấp, khắp nơi đều phải chạy theo cái bằng... Nhiều người khi đã được giữ các vị trí lãnh đạo rồi vẫn đi học lấy cái bằng cho oai. Vậy thì làm sao mà chúng ta đổi mới được, thưa GS?
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Có gì khó đâu? Không có biên chế suốt đời cho mọi cán bộ, nhân viên. Ai nấy đều làm theo hợp đồng, không đạt yêu cầu thì phải chuyển công tác. Chấm dứt mọi sự can thiệp bằng phong bì, thư tay và các loại áp lực, quyền quyết định nhân sự là của từng thủ trưởng đơn vị, nếu làm sai sẽ phải chịu kỷ luật.
Khi tuyển dụng, ngoài việc xem xét văn bằng cần có phỏng vấn trực tiếp. Có bằng D ngoại ngữ mà không trả lời được thì cũng coi như không có bằng. Vấn đề là chúng ta có dám làm một cách minh bạch hay không? Xã hội có chấp nhận loại bỏ mọi tiêu cực hay không? Mặt khác các cơ sở khoa học, kinh tế phải phát triển để có chỗ đứng cho người tài. Các trường đại học phải nâng cao chất lượng để sinh viên ra trường có nghề thật sự chứkhông phải chỉ có một mớ kiến thức xuông xa rời thực tiễn sản xuất và đời sống.
Trân trọng cảm ơn GS!
(GDVN)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)