Hướng Nghiệp
InHọa sĩ vẽ hoạt hình: Diễn xuất qua hình ảnh
Cập nhật 27/02/2013 - 03:30:20 PM (GMT+7)Chỉ với 50m2 nhưng căn phòng tràn ngập tranh: trên bốn bức tường, quanh mỗi bàn làm việc đều là tranh. Trên mỗi gương mặt dường như đều có sự hiện hữu của chữ “hài hước”- họ vui một niềm vui rất đỗi trẻ thơ... Không gian rất “lạ” nhưng cũng rất “tình” ấy chính là “ngôi nhà” của các họa sĩ vẽ hoạt hình tại Công ty TNHH Armada TMT trên đường Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM.
Những người “4 trong 1”
Đều là nghệ thuật, đều là vẽ, nhưng vẽ tranh và vẽ hoạt hình là hai sự khác biệt. Nếu vẽ tranh chỉ thuần túy hội họa, thì vẽ hoạt hình đã bước sang một sân chơi mới: mỹ thuật ứng dụng trong đó có sự đan xen của yếu tố điện ảnh.
Không phải dùng đến sơn dầu, sơn mài hay lụa... bộ đồ nghề của người họa sĩ vẽ hoạt hình chỉ là một cây thước định vị, cây viết chì và một cục gôm bằng đất sét. Mỗi khi bắt đầu cho một bộ phim dài, người họa sĩ phải làm quen với kịch bản, tìm hiểu nhân vật, bối cảnh trước đó cả mấy tháng trời. Rồi từ story-board (kịch bản bằng hình ảnh) kèm theo những lời thoại và lời dẫn minh họa, họa sĩ bắt đầu quá trình... diễn xuất.
“Làm theo kịch bản có sẵn nên họa sĩ khó thể hiện cái tôi trong sáng tác cũng như chủ động quyết định vận mệnh tác phẩm của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà nói rằng vẽ hoạt hình đơn điệu, nhàm chán và không sáng tạo. Sáng tạo của người vẽ hoạt hình chính là cái hay, cái đẹp của diễn xuất”, anh Hồ Kiến Sự - một họa sĩ lay-out đã 12 năm kinh nghiệm tại xưởng chia sẻ. Anh phân tích thêm, mỗi story-board thực sự chỉ là những cảnh chính trong trạng thái tĩnh (như trong truyện tranh), nhưng để thành phim người họa sĩ lúc này phải làm công việc kết nối những trạng thái ấy với nhau thành một chuỗi những hoạt động liên tục. Vì vậy, một bức vẽ đẹp không chỉ đúng về kỹ thuật, có cấu trúc chặt chẽ mà còn phải rất “sống”, rất diễn cảm. Người vẽ phải thực sự hóa thân vào nhân vật, hiểu được tâm tư, tình cảm của nhân vật để tạo được cái hồn của nhân vật.
Bên cạnh nội tâm, nhạy bén với cuộc sống, họ còn phải tự tích lũy để mở rộng thêm vốn sống. Một nhành cây ngọn lá, một ngôn ngữ loài vật đến những trắc ẩn lòng người... đều thu hút họ. Anh Sự bật mí: “Chúng tôi phải thường xuyên tập diễn xuất trước khi thể hiện trong tranh, và có lúc chỉ vì tập một động tác của nhân vật mà tôi đã mất 5 - 6 ngày tập trước... gương”. Do phải tự tưởng tượng rồi chịu trách nhiệm hết về diễn xuất, phải suy nghĩ nhiều, trăn trở để có cách diễn tốt nhất nên người họa sĩ vẽ hoạt hình lúc này vô tình trở thành một đạo diễn thực thụ.
Cũng vì thực hiện theo khuôn khổ kịch bản, người họa sĩ không chỉ vẽ đúng, vẽ đẹp từng nhân vật, từng cảnh vật mà còn phải đặc biệt chú ý đến những góc quay cố định của khung cảnh, đảm bảo sự chắc chắn về cấu trúc, phối cảnh và bố cục. Đến đây, họ lại bất đắc dĩ ở trong vị trí một camera-man (người quay phim). Chính vì những đặc trưng ấy mà hoạ sĩ hoạt hình được ví vui là “4 trong 1”: họa sĩ + đạo diễn + diễn viên điện ảnh + camera-man.
Không cưỡng lại được sự quyến rũ...
Hầu hết họa sĩ tìm đến với nghề ban đầu đều là những “tay ngang”, làm chủ yếu vì đam mê chứ chưa qua đào tạo bài bản. Học xong lớp 12, vì bị “say” vẽ, hai anh em Phạm Duy Đăng và Phạm Nhã Đoan tìm đến xưởng. “Vào xưởng, với tôi là để thỏa mãn đam mê vẽ. Được vẽ đã là hạnh phúc nên mỗi ngày, khi cầm cây bút chì lên tôi không nghĩ là mình đang làm việc mà chỉ đơn thuần là được làm điều mình muốn. Mỗi người đều có cách giải trí riêng - với tôi thì đó là vẽ những gì mình thích”, người anh trai thổ lộ. Vẽ mang đến cho Duy Đăng niềm vui, để anh thể hiện niềm vui và cho dù lúc không vui anh cũng tìm đến với nó để được vỗ về, an ủi. Anh Nguyễn Thanh Liêm - họa sĩ Animation cho biết thêm: “Chỉ cần có năng khiếu, thực sự thích thú và say mê vẽ là đã đủ để bắt đầu rồi. Đó là điều mà không có sách vở, trường lớp nào có thể dạy được, nhưng vẫn sẽ là chưa đủ nếu người họa sĩ không tự rèn luyện qua môi trường làm việc, trong cuộc sống. Có lẽ vì thế mà hầu hết mọi người trong xưởng dù sớm dù muộn đều tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM”.
Để gắn bó với nghề, bên cạnh đam mê còn phải biết chấp nhận một số thách thức nhất định. Áp lực khối lượng công việc và thời gian... có lẽ là chuyện không của riêng ai. Những khi trở trời, không đủ cảm hứng để làm nên sức sống cho bức vẽ, kể ra cũng khiến họa sĩ trở nên bức bối, nhưng cũng chỉ một vài khoảnh khắc nào đó. Rồi với thu nhập chỉ “vừa tầm, không cao như người ta nghĩ” - tất cả đều “nhẹ tựa lông hồng”, đều không có gì đáng để ca thán. Thế nhưng, “nhiều khi xem một bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, ví dụ như Kirikou, phần lớn bộ phim được làm tại Việt Nam, do chính mình vẽ, nhưng đến khi xem ít ai biết ở đó có sự đóng góp của các họa sĩ Việt Nam, lại khiến mình không thể không suy nghĩ”, Duy Đăng bộc bạch. Đó không chỉ là trăn trở của Đăng, của những họa sĩ vẽ hoạt hình mà còn là của tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp phim hoạt hình của Việt Nam.
“Không ít người đã rời xưởng ra đi và đôi lần tôi cũng trăn trở về một hướng đi mới, nhưng giờ đây tôi vẫn ở lại. Lý do duy nhất và cũng đơn giản nhất chính là mình không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của môn nghệ thuật này”, anh Liêm chia sẻ. Và phía sau tương lai chưa được định hình của nền phim hoạt hình nước nhà, dù chưa có được đứng ở vị trí xứng tầm, những nghệ sĩ này vẫn luôn có niềm vui từ công việc. Hài hước để làm việc và công việc đem lại niềm vui khiến căn phòng luôn tràn ngập tiếng cười, sự thoải mái và ấm cúng.
Hà Ánh (Thanh Niên tuần san)
Các Nội Dung Liên Quan
- Ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao vắng thí sinh (31/05/2019)
- Đăng ký xét tuyển 2019: đa số chọn ngành lương cao (31/05/2019)
- Bí quyết "săn" học bổng tại các trường hàng đầu Hoa Kỳ (09/05/2017)
- 5 cách để giao tiếp với giảng viên (23/03/2017)
- Gợi ý định hướng ngành nghề theo năng khiếu của bản thân (22/12/2016)
- Muốn tương lai vững phải rèn kỹ năng (06/12/2016)
- Định hướng nghề nghiệp cho học sinh: Làm sao cho hiệu quả? (28/04/2016)
- Trải nghiệm để hướng nghiệp (07/01/2016)
- Kỹ thuật công trình xây dựng: Ngành học có nhiều cơ hội hấp dẫn (28/12/2015)
- Lời khuyên cho 4 bước chọn chuyên ngành đại học (01/10/2015)