Tin Tức Các Báo
InThí sinh “né” trường điểm chuẩn cao
Cập nhật 15/05/2012 - 08:10:40 AM (GMT+7)Tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ phía Nam ở TP.HCM ngày 12-5, đại diện các sở GD-ĐT đều cho biết so với năm trước, số lượng hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay giảm.
Thí sinh đã biết lượng sức
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết các ngành kinh tế thuộc các trường ĐH đa ngành được nhiều thí sinh lựa chọn. Đây là những trường thuộc tốp giữa, điểm chuẩn trúng tuyển những năm trước không quá cao. Cụ thể: Trường ĐH Sài Gòn dẫn đầu với 17.517 hồ sơ (tăng hơn 5.500 hồ sơ), Trường ĐH Tài chính - marketing hơn 8.700 hồ sơ... Đáng chú ý, hai trường có số thí sinh TP.HCM ĐKDT giảm mạnh là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chỉ có 4.003 hồ sơ (năm ngoái 10.600 hồ sơ), Trường ĐH Tôn Đức Thắng 8.568 hồ sơ (năm trước 11.123 hồ sơ).
Thống kê sơ bộ số lượng hồ sơ vừa nhận được từ các trường ĐH cũng cho thấy thí sinh “né” những trường, ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao. Với mức điểm chuẩn năm 2011 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 19 điểm đã khiến thí sinh hết sức cân nhắc để nộp hồ sơ vào trường này. Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, số hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay giảm mạnh với 16.929 hồ sơ (giảm gần 6.000 hồ sơ so với năm 2011). Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng giảm khoảng 5.000 hồ sơ, tổng số hồ sơ của trường hơn 27.000. Lý giải về việc này, đại diện nhà trường cho biết số lượng hồ sơ ảo đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, với mức điểm chuẩn nhóm ngành kinh tế 16-17 điểm của năm trước, những thí sinh nào thấy sức học phù hợp mới nộp hồ sơ vào trường.
Trong khi đó, tổng số hồ sơ ĐKDT của ĐHQG TP.HCM lại tăng 12% so với năm 2011 (khoảng 62.000 hồ sơ). Hầu hết các trường thành viên của ĐH này đều có số hồ sơ tăng 11-24%, (trong đó Trường ĐH Kinh tế - luật tăng nhiều nhất), riêng Trường ĐH Bách khoa lại có số hồ sơ giảm 2%. “Thí sinh đã chọn trường có uy tín, mức học phí phù hợp. Một số ngành ở các trường thành viên có điểm chuẩn không quá cao đã được thí sinh chọn” - TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhận định.
Chọn trường gần nhà
Những mùa tuyển sinh ĐH, CĐ gần đây số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ ở địa phương ngày càng tăng, đặc biệt năm nay xu hướng này càng rõ nét hơn.
Theo lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT, xu hướng thí sinh chọn trường có điểm chuẩn trúng tuyển không quá cao ở kỳ thi năm trước thể hiện rất rõ qua việc nộp hồ sơ ĐKDT năm nay. “Điều này cho thấy thí sinh đã tìm hiểu khá kỹ lưỡng thông tin tuyển sinh cũng như đã biết lượng sức mình để có cơ hội trúng tuyển cao hơn ở trường vừa sức” - ông Lê Đình Dưỡng, phó phòng giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Quảng Nam, nhận định. Cũng theo ông Dưỡng, phần lớn thí sinh tỉnh Quảng Nam chọn các trường khu vực miền Trung, trong đó các trường thành viên ĐH Đà Nẵng chiếm gần 50% lượng hồ sơ ĐKDT của thí sinh toàn tỉnh với hơn 16.000 hồ sơ. Chỉ tính riêng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có đến 6.000 hồ sơ, chủ yếu lượng hồ sơ nộp vào các ngành có điểm chuẩn không cao.
Tại Khánh Hòa, Trường ĐH Nha Trang được thí sinh tỉnh này lựa chọn nhiều nhất với 7.662 thí sinh. Trong khi đó số thí sinh của tỉnh ĐKDT vào các trường ở TP.HCM giảm hẳn, kể cả các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế. Theo ông Trần Ngọc Anh - trưởng phòng giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa, sở dĩ năm nay Trường ĐH Nha Trang được nhiều thí sinh lựa chọn do “các em đã biết chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình mình. Các phụ huynh cũng muốn con mình học trường gần nhà để đỡ tốn chi phí...”. Bên cạnh đó, các trường CĐ Y tế, CĐ Sư phạm Khánh Hòa cũng có nhiều thí sinh lựa chọn.
(Theo Tuổi Trẻ)
ĐHQG TP.HCM: có điểm chuẩn vào trường Ngày 12-5, TS Nguyễn Quốc Chính - phó trưởng ban ĐH - sau ĐH, ĐHQG TP.HCM - cho biết trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường thành viên của ĐH này sẽ không xét tuyển theo hình thức nguyện vọng 1B, 1C nữa. Thay vào đó, để thực hiện theo quy định xét tuyển ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn, lãnh đạo ĐHQG TP.HCM vừa quyết định tất cả các trường thành viên của ĐH này có điểm sàn vào trường. Theo đó, mỗi trường thành viên đều sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển chung của trường. Tất cả thí sinh đạt mức điểm chuẩn này đều đủ điều kiện trúng tuyển. Sau đó nhà trường sẽ xây dựng điểm chuẩn theo ngành riêng rẽ. Trường hợp thí sinh đạt điểm chuẩn vào trường nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1 theo ngành sẽ được phép đăng ký nguyện vọng bổ sung vào ngành khác có điểm chuẩn tương ứng. “Việc đăng ký nguyện vọng bổ sung này là hoàn toàn tự nguyện. Nếu thí sinh không chấp nhận vẫn được quyền rút giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường khác” - ông Chính khẳng định. |
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)