1

Tin Tức Các Báo

In

Tuyển sinh 2012: Quy chế mới và những thiệt thòi của thí sinh

Cập nhật 23/04/2012 - 08:49:23 AM (GMT+7)
Theo lãnh đạo các trường, nếu sau một năm, TS học chương trình dự bị mà không đạt yêu cầu, tương lai của các bạn sẽ đi về đâu...

Ở mùa tuyển sinh 2012, Bộ GD - ĐT đã bỏ Điều 33, Quy chế tuyển sinh về cộng điểm ưu tiên theo khu vực. Thay vào đó, Bộ sẽ thực hiện việc ưu tiên cho thí sinh vùng sâu, vùng xa theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP. Theo đó, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại 62 huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ GD - ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn khiến các trường đại học, cao đẳng lẫn thí sinh đều rối bời.

Vì không có hướng dẫn thực hiện nên hiện tại, mỗi trường tiến hành xét tuyển thí sinh thuộc diện trên, theo một cách khác nhau. Trong đó, có rất nhiều trường như: Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM, trường ĐH Y Dược TP. HCM, trường ĐH Sài Gòn, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Tây Nguyên và cả ĐHQG TP. HCM… vẫn chưa quyết định phương án tuyển thẳng đối với những thí sinh này. Tại một số trường khác, cách làm cũng mỗi trường một kiểu khiến thí sinh hết sức lo lắng và không biết lấy thông tin từ đâu. Chẳng hạn, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM công bố điều kiện xét tuyển vào đại học với điều kiện thí sinh xếp loại học lực các năm 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi được tuyển thẳng vào hệ đại học các ngành thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đối với hệ cao đẳng, trường yêu cầu thí sinh diện trên phải đạt "4 khá": 3 năm liền học lực khá và tốt nghiệp THPT đạt loại khá nhưng giới hạn ở một trong 7 ngành: Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ vật liệu, Công nghệ da giày, Công nghệ may, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử. Còn ở hệ cao đẳng nghề, trường yêu cầu thí sinh phải có học lực và tốt nghiệp loại trung bình. Còn trường ĐH Văn hóa TP. HCM sẽ xét tuyển 15 chỉ tiêu vào ngành Bảo tàng học và 15 chỉ tiêu ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình các môn học khối C hoặc khối D1 ở bậc THPT đạt từ 6,5 trở lên.

Ở khu vực phía Bắc, trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành cho mỗi huyện nghèo không quá 1 chỉ tiêu. Thí sinh tham gia xét tuyển thẳng phải có học lực 3 năm THPT đạt khá trở lên. Trong đó, 3 môn tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường phải đạt điểm 7 trở lên và có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên, trường không xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Còn trường ĐH Ngoại thương đưa ra quy định, thí sinh tại 62 huyện trên phải xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012…

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 15/3 đến ngày 16/4/2012 theo hệ thống của sở GD - ĐT. Đợt 2, thí sinh sẽ nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường tổ chức thi từ ngày 17/4 đến ngày 24/4/2012. Có nghĩa rằng, tính đến thời điểm hiện tại, hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi đã sắp hết nhưng Bộ GD - ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Thí sinh Trần Thị Hiên, trường THPT Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Lúc thầy cô thông báo, học sinh sẽ được nộp hồ sơ xét tuyển thay vì thi tuyển sinh như các năm trước, các bạn trong trường hết sức vui mừng. Mình cũng vui vì tiết kiệm được chi phí khi không phải khăn gói vào Quy Nhơn dự thi. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại mình và rất nhiều bạn khác lại không biết nên nộp hồ sơ xét tuyển vào trường nào, hồ sơ gồm có những gì. Mình lên trang web của các trường tìm kiếm thông tin thì thấy có rất ít trường đưa thông tin tuyển thẳng lên website". Hiên cũng cho biết, từ lúc thầy cô thông báo không phải thi đại học, các bạn tập trung học và ôn thi tốt nghiệp, không chú ý đến việc làm hồ sơ thi tuyển sinh. Còn hiện tại, một số bạn đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chờ thông tin về xét tuyển thẳng.

Việc thiếu văn bản hướng dẫn không chỉ khiến thí sinh rối mà các trường cũng chưa biết sắp xếp thí sinh tuyển thẳng này vào đâu, học tập như thế nào. Theo PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, khi nhận thí sinh ở 62 huyện theo diện tuyển thẳng, các bạn phải học một năm học dự bị đại học. Nếu đạt kết quả theo quy định thì mới được vào học chương trình chính thức. Thêm vào đó, trường ĐH Cần Thơ cũng đang rối khi chưa biết học phí của các thí sinh này sẽ do ai chi trả?

TS Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa TP. HCM, cho biết, việc xét tuyển được thực hiện theo xét điểm ưu tiên từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Trường cũng quy định thí sinh trúng tuyển đại học phải học một năm dự bị đại học, trước khi học chương trình chính khóa. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đều rất băn khoăn về việc chương trình dự bị đại học sẽ đào tạo kiến thức phổ thông hay học trước kiến thức đại học? Các trường đại học tự đào tạo bổ sung kiến thức hay tập trung thí sinh vào học tại trường dự bị đại học?

Theo lãnh đạo các trường, nếu sau một năm, thí sinh học chương trình dự bị mà không đạt yêu cầu, tương lai của các bạn sẽ đi về đâu vẫn là câu hỏi lớn. Hiệu trưởng các trường lo ngại, nếu lúc đó phải chuyển các thí sinh này xuống học hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ các bạn. Còn nếu để các bạn vào học giống như các thí sinh thi tuyển khác, liệu các bạn có theo kịp chương trình?

Rõ ràng, việc đưa Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP vào Điều 33, Quy chế tuyển sinh là hoàn toàn đúng, hợp lòng thí sinh và dư luận. Thế nhưng, quy định này mới được ban hành vào đầu tháng 3/2012 là hơi chậm. Việc thí sinh và nhà trường rối bời là không thể tránh khỏi. Nếu thực hiện không rõ ràng, chủ trương này sẽ khiến hàng trăm thí sinh tại 62 huyện nghèo, thí sinh người dân tộc thiểu số lỡ hẹn với giảng đường đại học.
Mùa tuyển sinh chỉ mới đi chưa được 1/3 chặng đường mà đã có khá nhiều chuyện khiến thí sinh rối ren: Áp dụng mã ngành mới, chính sách tuyển thẳng… Vì vậy, Bộ GD - ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh việc thí sinh chịu nhiều thiệt thòi về sau.

Tuyển thẳng học sinh giỏi cũng rối

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng không chỉ rối ở việc tuyển thẳng thí sinh theo diện Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP mà ngay cả tuyển thẳng học sinh giỏi cũng đang trong tình trạng mỗi trường làm một phách. Chẳng hạn, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) sẽ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi quốc gia môn Hóa, Sinh, Tin học. Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tuyển thẳng các đối tượng là thí sinh trong đội tuyển quốc tế, tốt nghiệp THPT năm 2012. Ngoài ra, trường cũng tuyển thẳng các đối tượng là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT. Còn trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) tuyển thẳng thí sinh trong đội tuyển Olympic quốc tế, ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn mà thí sinh đã dự thi Olympic. Còn trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM tuyển thẳng tất cả ngành học với các thí sinh trong đội tuyển Olympic quốc tế 2012 các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học và đã tốt nghiệp THPT năm 2012.

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, nếu muốn trúng tuyển, thí sinh phải tìm hiểu kỹ về thông tin của các trường, ngành học trước khi nộp hồ sơ. Đồng thời, chú ý đến quy định riêng và thời hạn kết thúc việc nộp hồ sơ.

(Theo Megatest)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin