1

Tin Tức Các Báo

In

Đóng tiền cao, được học chương trình chất lượng cao!

Cập nhật 03/12/2011 - 01:39:45 PM (GMT+7)
Thế nhưng văn bằng tốt nghiệp thì vẫn là bằng cử nhân bình thường... Ít sinh viên, máy lạnh, thầy xịn = chất lượng cao.

Năm học này, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH công lập tự xác định chương trình đào tạo chất lượng cao và được tự xây dựng mức học phí. Chương trình này không có quy định chung về tiêu chí, sinh viên nào có tiền, có nhu cầu thì cứ tự nguyện đăng ký vào học. Do vậy, mỗi trường một kiểu khó tránh tình trạng đua nhau mở chương trình chất lượng cao để thu nhiều tiền.

Ít sinh viên, máy lạnh, thầy xịn = chất lượng cao

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tuyển 15 ngành cho chương trình đào tạo chất lượng cao với điểm xét tuyển từ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 trở lên, tức chỉ từ 13 đến 17 điểm tùy ngành. Trường ĐH Luật TP.HCM cũng chỉ cần sinh viên trúng tuyển vào trường là đủ điều kiện; sau đó sẽ kiểm tra tiếng Anh và phỏng vấn, tuy nhiên cụ thể thế nào gọi là đạt là do trường quyết định. Còn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM nếu sinh viên trúng tuyển đủ khả năng đóng học phí là được đăng ký.

Khá hơn một chút, bất cứ sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương đều được vào chương trình cử nhân chất lượng cao nếu có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL PBT 500, TOEFL IBT 65, IELTS 5,5, TOEIC 600 hoặc vượt qua kỳ kiểm tra TOEIC đầu vào tại trường từ 600 trở lên.

Một điểm dễ nhận thấy ở các lớp chất lượng cao này là trong khi lớp đại trà có hàng trăm sinh viên thì mỗi lớp chất lượng cao chỉ tối đa 30-50 sinh viên. Sinh viên cũng được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi như phòng học có máy lạnh; được ưu tiên trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập; được cung cấp giáo trình, tài liệu học tập; giảng viên giỏi, có uy tín. Ngoài ra, tại một số trường còn tạo cơ hội cho sinh viên sớm tiếp xúc với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và ưu tiên giới thiệu việc làm...
LTT, sinh viên năm hai ngành kỹ thuật máy tính Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lớp ít sinh viên so với lớp đại trà nên giảng viên bao quát hết, nắm rõ tên từng sinh viên và giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên. Theo tôi quan sát, chương trình học giữa đại trà và chất lượng cao cũng sàn sàn nhau, cơ bản là được học giảng viên tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn”.

 

Học phí ngất ngưởng

Đây là năm đầu tiên trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu tuyển sinh lớp chất lượng cao với mức học phí 25 triệu đồng/năm. Không như lớp đại trà là phải sau 1,5 năm đại cương sinh viên mới được chọn chuyên ngành, sinh viên lớp chất lượng cao được chọn chuyên ngành ngay từ đầu.

Trường ĐH Ngoại thương đào tạo hai chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Học phí chương trình tiếng Anh là 14 triệu đồng/năm và học phí chương trình bằng tiếng Việt là 20 triệu đồng/năm. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với chương trình “đặc biệt” này, sinh viên sẽ đóng học phí 12 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, “chương trình đào tạo đặc biệt” của Trường ĐH Mở TP.HCM có học phí 15 triệu đồng/năm. NMT, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, nói: “Nếu có tiền, tôi đã chọn học lớp đào tạo đặc biệt vì lớp này được học tại trụ sở chính của trường, mỗi lớp chỉ khoảng 50 sinh viên, học phòng máy lạnh… Còn sinh viên các lớp bình thường phải chạy học khắp nơi từ quận 1, quận 4 đến Bình Thạnh, Phú Nhuận và cả Bình Tân”.

Có cả “chất lượng… gần cao”!

Trong khi nhiều chuyên gia giáo dục đang lo ngại việc các trường dành những điều kiện tốt nhất như giảng viên giỏi nhất, có học hàm học vị cao, phòng học máy lạnh, phòng thí nghiệm, thư viện… (là những cái chung của trường nhà nước) để phục vụ sinh viên “nhà giàu” thì Trường ĐH Luật TP.HCM lại có thêm chương trình đào tạo tăng cường theo chuẩn chất lượng cao.

Chương trình này gồm ba lớp, mỗi lớp khoảng 50 sinh viên và được tuyển song song với lớp đào tạo cử nhân luật chất lượng cao. Điểm khác biệt giữa hai chương trình này là trình độ tiếng Anh. Sinh viên đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh và qua phỏng vấn thì vào lớp chất lượng cao, nếu rớt kỳ sơ tuyển này thì được đăng ký vào các lớp “gần cao” để được bổ sung kiến thức, nhằm đạt chuẩn đầu ra của cử nhân luật chất lượng cao.

Do trình độ chênh lệch nên học phí giữa hai chương trình cũng chênh lệch khá cao. Năm thứ nhất, sinh viên “chất lượng cao” đóng khoảng 10,8 triệu đồng thì lớp “gần cao” phải đóng hơn 14,5 triệu đồng. Các năm tiếp theo cũng có khoảng cách tăng dần, năm thứ hai: 14 triệu đồng/19 triệu đồng, năm thứ ba: 17,6 triệu đồng/23,8 triệu đồng, năm cuối: 22,3 triệu đồng/30 triệu đồng. Một cán bộ tuyển sinh của trường lý giải học phí của “lớp tăng cường” cao hơn vì những sinh viên này chưa đạt yêu cầu của kỳ sơ tuyển nên phải bồi dưỡng thêm tiếng Anh.

Bằng cấp không thể hiện “chất lượng cao”

Tuy học phí cao gấp nhiều lần nhưng bằng cấp sẽ như nhau. ThS Lê Việt Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Theo quy định về cách ghi văn bằng của Bộ GD&ĐT, sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao vẫn chỉ cấp bằng cử nhân theo ngành học chứ không có bằng cử nhân chất lượng cao. Trong bảng điểm sẽ ghi thêm là đào tạo theo chương trình chất lượng cao”.
TS Ngô Anh Tuấn, Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay: “Tốt nghiệp ngành nào thì ghi ngành đó, không ghi là chất lượng cao! Khi đăng ký chương trình chất lượng cao, người học sẽ được thừa hưởng một môi trường học tốt nhất chứ không phải để cho mọi người biết mình tốt nghiệp chất lượng cao. Sinh viên sẽ được đánh giá thông qua kiến thức chuyên môn đã học”.

 

(Theo Báo Dân Trí)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin