Tin Tức Các Báo
InKinh nghiệm học đại học
Cập nhật 20/09/2011 - 08:19:10 AM (GMT+7)Tập thói quen tự học
Tốt nghiệp loại giỏi và sớm hơn so với thời gian quy định - Võ Thanh Hùng (ngành khoa học máy tính, trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Phổ thông và ĐH là hai bậc học cần phương pháp học tập khác nhau. Nếu ở bậc phổ thông mỗi ngày học sinh đều đến lớp để được thầy cô hướng dẫn với ghi chép cụ thể, rồi học bài trả bài hằng ngày thì ngược lại SV phải tự mình làm chủ toàn bộ quỹ thời gian học tập. Do đó, SV cần phải tập cho mình thói quen tự học và tự nghiên cứu, ngoài bài giảng trên lớp cần dành thêm thời gian để đọc và nghiên cứu tài liệu từ bên ngoài”.
Ở góc độ một giảng viên trẻ và có nhiều thành tích học vượt, PGS.TS Từ Diệp Công Thành - giảng viên trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng: “Ở bậc ĐH chỉ kiểm tra, thi vào giữa hoặc cuối kỳ nên đa phần SV thường chủ quan và có thói quen học theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Tuy nhiên, SV không nên áp dụng cách học này bởi kiến thức cần được tích lũy dần dà để thấm vào mình. Do vậy, SV cần phân bổ thời gian học tập đều mỗi ngày thì mới thực sự lĩnh hội được kiến thức”.
Về cách ghi chép và nghe giảng, TS Nguyễn Bá Hải - một giảng viên trẻ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng đưa ra lời khuyên: “SV cần phải tập cho mình thói quen ghi chép những điều cần thiết trong bài giảng của thầy cô. Cần ghi những điều cần thiết, có thể là gạch ý để nhớ, ghi theo sơ đồ, phác họa qua hình ảnh hay bất kỳ cách nào mình có để thời gian còn lại lắng nghe bài giảng và hiểu vấn đề ngay trên lớp. Trước khi vào bài học, nếu được nên dành thời gian đọc trước các tài liệu liên quan. Tăng cường chia sẻ với bạn bè, thầy cô cũng là một cách để SV tăng cường thêm kiến thức của mình”.
Biết cách học vượt
Hầu hết các trường ĐH đều áp dụng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Nếu biết tận dụng, SV sẽ có kết quả học tập tốt mà vẫn có thể thực hiện được kế hoạch tốt nghiệp sớm hơn quy định. TS Công Thành cho hay: “SV cần hiểu rõ về quy chế học tập và chương trình đào tạo để chủ động sắp xếp các môn học phù hợp với khả năng của mình. Khi bị rớt các môn học, SV cần tranh thủ học lại ngay khi có thể ở học kỳ kế tiếp, tránh tình trạng bị nợ quá lâu sẽ ảnh hưởng đến môn học khác hoặc kết quả tốt nghiệp”.
Từng có nhiều kinh nghiệm về học vượt, Thanh Hùng lưu ý: “Ngay từ năm thứ nhất mình đã vạch ra một kế hoạch học tập rõ ràng để chuẩn bị cho việc ra trường trước thời hạn. Có thể tận dụng khoảng thời gian học kỳ hè hoặc các buổi tối hoặc đăng ký thêm môn học trong học kỳ chính để hoàn tất chương trình sớm hơn”.
TS Bá Hải lưu ý thêm: “Có không ít SV bước vào giảng đường ĐH gặp phải rất nhiều khó khăn ở môn tiếng Anh. Nếu chưa có nhiều “vốn” trong môn học này, SV cần phải kiên trì dành thời gian để tích lũy nó mỗi ngày. Bên cạnh học ở trường, có thể học thêm bên ngoài, đặc biệt nên tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh do trường tổ chức để phát triển thêm kỹ năng giao tiếp”.
“Ngoài thời gian tập trung cho việc học tốt các môn trong chương trình, SV cũng cần tích lũy các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này, như lãnh đạo, làm việc nhóm, nói trước đám đông... Thường thì các kỹ năng mềm sẽ không được dạy trong chương trình chính khóa, SV cần chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa càng nhiều càng tốt”, Thanh Hùng chia sẻ thêm.
(Theo TNO)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)