Tin Tức Các Báo
InNỗi lo vo tròn con chữ
Cập nhật 13/09/2011 - 11:20:39 AM (GMT+7)Lo với học phí đầu năm
Trở lại TPHCM sau gần 2 tháng vừa nghỉ hè vừa làm rẫy cật lực ở quê nhà, điều đầu tiên khiến Hoàng, SV năm 2 Trường ĐH Văn Hiến lo lắng chính là học phí học kỳ 1 của năm học mới. Số tiền trên 4 triệu đồng với gia đình Hoàng là cả một nỗi lo. Hoàng cho biết: “Trước lúc từ quê trở lại TP, em đã dự trù mang theo 5,5 triệu đồng để vừa đóng học phí vừa là tiền sinh hoạt trong 1 tháng. Bây giờ, có lẽ em chỉ cầm cự được khoảng nửa tháng vì học phí lại mới tăng”. Để có được số tiền trên, bố mẹ Hoàng đã phải bán “non” hai con heo và vay nóng thêm. Hoàng cho biết thêm: “Mấy bạn chung làng với em cũng chung cảnh ngộ. Mùa màng thất bát, nhà nào cũng phải bán rẻ vật nuôi để có tiền trở lại nhập học”.
Với đề án cho phép các trường được tăng học phí từng năm một (từ 10% tăng dần lên đến 50% bắt đầu thực hiện vào năm 2006 của Bộ GD-ĐT) khiến không ít SV ngoài công lập phải lao đao vì nhiều trường đã có mức học phí “nhảy” tới 40%.
Em Trần Thị Khánh Thi (quê Bình Thuận), tân SV ĐH Sài Gòn, cho biết: “Tổng các khoản chi phí nhập học đầu năm của em khoảng 2,3 triệu đồng nhưng do em không có xuất ở ký túc xá nên phải thuê phòng trọ ở ngoài. Em mới liên hệ ở ghép cùng với một chị ở gần trường, một tháng mất 800.000 đồng. Cộng dồn các khoản ăn uống, ngủ nghỉ, nhà phải chạy khoảng 4 triệu đồng để em nhập học”.
SV các trường công lập còn dễ thở với mức học phí hiện tại, riêng với SV các trường ngoài công lập, thật sự là một gánh nặng. Hiện mức học phí dao động theo từng ngành, từng trường, ở mức 5,5 triệu - 10 triệu đồng/năm. Cá biệt, có trường mức học phí thuộc dạng “khủng” 24 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể nhiều khoản phát sinh trong quá trình học tập như tiền đi thực tập, tiền sinh hoạt câu lạc bộ, sử dụng internet…
Em Nguyễn Ngọc Diệp (quê Đắc Lắc), vừa trúng tuyển vào ngành Công nghệ sau thu hoạch Trường ĐH Hùng Vương, chia sẻ: “Theo thông báo của trường, em phải đóng khoảng 5,6 triệu đồng cho học kỳ 1, chưa kể tiền ăn ở. Bố mẹ em tính, để em nhập học, khoản tiền phải mang theo không dưới 9 triệu đồng. Gia đình em thuộc diện khó khăn, sống chủ yếu bằng trồng bắp nên số tiền trên là quá lớn”.
Áp lực mưu sinh
Ngoài nỗi lo học phí, còn có nỗi lo tiền thuê phòng trọ và sinh hoạt hàng ngày. Em Trương Thị Mỹ Tú (quê Thanh Hóa), sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, than thở: “Tuy được miễn học phí nhưng em không biết mình có thể theo trọn hết khóa học không. Nhà em ở quê vất vả lắm, mỗi tháng ba mẹ chỉ có thể gửi vào được 700.000 đồng trong khi đó tiền thuê phòng đã mất 400.000 đồng, vậy mà bà chủ nhà cứ dọa sẽ tăng thêm mỗi đứa 40.000 đồng vì giá cả đang… đột biến”.
Hương Thùy, bạn cùng phòng với Tú, nói: “Tụi em là SV nên đi chợ thấy gì rẻ thì mua, vậy mà dạo gần đây, giá tăng, tiết kiệm lắm một tháng mỗi đứa cũng hết 400.000 tiền ăn. Đã vậy, đầu năm còn bao nhiều khoản khác như sách vở, giáo trình học tập, đồ dùng sinh hoạt… Nếu mua đủ, chỉ có nước nhịn ăn. Tụi em chẳng còn cách nào khác là học chay không giáo trình”.
Em Trần Thị Khánh Thi tuy chưa nhập học đã lo chạy kiếm việc làm thêm. Thi chia sẻ: “Với mức chi phí đắt đỏ như hiện nay, nếu không đi làm thêm, gia đình sẽ lo không nổi cho cả hai chị em cùng đi học. Em đang tìm việc, hy vọng khi nhập học, sẽ có được việc làm để phụ giúp cha mẹ”.
Cô Nguyễn Thị Huệ (quê Trà Vinh), đang đưa con lên TP chuẩn bị nhập học vào Trường ĐH Hồng Bàng, than thở: “Hai vợ chồng tôi đều làm ruộng nên để nuôi được đứa con ăn học ĐH thật không dễ chút nào. Mới ở trên này với nó có hai ngày, đi mua sắm chút ít đồ dùng cá nhân, sách vở cộng với tiền thuê phòng trọ và học phí mà mất 7,5 triệu đồng rồi. Con tôi nói sẽ đi làm thêm kiếm tiền nhưng liệu vừa học vừa làm, có theo nổi không?”.
Theo một khảo sát, có đến 60% SV ngoại tỉnh phải đi làm thêm khi bắt đầu vào TPHCM nhập học. Họ có thể làm mọi công việc từ gia sư, phụ quán ăn, tiếp thị, nhân viên bán hàng và thậm chí là phụ hồ để kiếm tiền trang trải việc học. Áp lực mưu sinh đang đè nặng lên đôi vai nặng trĩu của những SV, phụ huynh trước thềm năm học mới.
(Theo SGGP)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)