1

Tin Tức Các Báo

In

Quy mô đào tạo tại chức: Báo Tuổi Trẻ chóng mặt, Bộ Giáo dục không hay?

Cập nhật 14/12/2010 - 08:27:18 AM (GMT+7)
“Chóng mặt” là từ mà báo Tuổi Trẻ dùng để mô tả về quy mô của đào tạo tại chức. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, Vụ phó ĐH Bộ GD-ĐT nói không biết rõ quy mô hiện nay của hệ đào tạo này. Trên các báo Gia đình & Xã hội, Dân Trí, lãnh đạo một số trường ĐH đã nói về lộ trình giảm hoặc tiến tới chấm dứt hệ đào tạo này.

Ông Phan Mạnh Tiến (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT): “Cũng không biết rõ quy mô hiện nay của hệ tại chức”

 

Trong thời gian qua, vì Bộ giao chỉ tiêu chung nên không tách bạch được chỉ tiêu cho hệ tại chức là bao nhiêu. Do đó, cũng không biết rõ quy mô hiện nay của hệ tại chức. Theo dự đoán, số lượng hiện nay khoảng 400.000 - 500.000 người so với tổng quy mô sinh viên là 1,9 triệu.

Nhà báo Thanh Hà, báo Tuổi Trẻ: Chóng mặt với số lượng

Hiện tại, cứ ba người học ĐH, CĐ thì có một người học hệ tại chức. Thậm chí ở một số trường ĐH, tỉ lệ này là 1/1. Đó là kết quả của sự bùng nổ quy mô đào tạo tại chức vài năm gần đây.

Năm 2010, các trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT giao tổng chỉ tiêu đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông với hơn 322.000 chỉ tiêu, tương đương tới 62,9% so với tổng chỉ tiêu đào tạo của hệ chính quy. Trong đó, hệ vừa học vừa làm (tại chức) có “phần bánh” to nhất. Tổng chỉ tiêu tại chức của các trường ĐH, CĐ tăng đáng kể so với vài năm trước và hiện đã vượt qua tỉ lệ 50% so với hệ chính quy.

Nhiều trường ĐH luôn ở tình trạng chưa đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên quá tải với hệ chính quy nhưng vẫn mở rộng hệ tại chức.

 
Trường ĐH càng lớn, quy mô đào tạo chính quy càng đông lại càng tuyển nhiều sinh viên tại chức. Không ít trường ĐH có chỉ tiêu tại chức lên tới 80% so với đào tạo chính quy như ĐH Thái Nguyên, các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Quy Nhơn, Học viện Ngân hàng... Thậm chí nhiều trường tuyển hệ tại chức bằng hoặc cao hơn cả chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy như ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Đồng Tháp...


Đáng ngạc nhiên hơn, có không ít trường ĐH mới thành lập, các trường ĐH ngoài công lập được xác định chỉ tiêu ĐH tại chức rất lớn. Hàng loạt trường ngoài công lập có chỉ tiêu tại chức năm 2010 lên tới vài ngàn, đạt 80% so với chỉ tiêu hệ chính quy như ĐH Bình Dương, ĐH Lạc Hồng, ĐH Hồng Bàng, ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM... trong đó có những trường tỉ lệ bình quân sinh viên/giảng viên ngấp nghé mức 40.

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội):  10 năm tới ĐHQG chấm dứt hệ tại chức

Hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh tại chức do Bộ GD-ĐT quy định. Ngoài một số trường ĐH lớn, nhìn chung, các trường chưa đổi mới cách thức đào tạo tại chức nên chất lượng còn thấp. Đặc biệt, khi hệ chính quy chuyển qua đào tạo theo hệ thống tín chỉ, khoảng cách giữa hai hệ đào tạo này càng lớn. 

 

 Tuy nhiên, các trường vẫn phải đào tạo hệ này vì đáp ứng được nguồn nhân lực cho nhiều đơn vị, bởi không hẳn cơ quan nào cũng yêu cầu người lao động được tuyển dụng phải đạt trình độ ĐH hoặc tiến sĩ.

Mặc dù đáp ứng nhân lực cho một số bộ phận doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào, riêng hệ thống ĐHQG Hà Nội, tiến tới sẽ thu hẹp quy mô đào tạo hệ vừa học vừa làm để đầu tư toàn bộ cho hệ đào tạo chính quy và đặc biệt là hệ sau ĐH. Mỗi năm, ĐHQG Hà Nội sẽ giảm khoảng 10% chỉ tiêu hệ đào tạo tại chức. Tiến tới đến khoảng năm 2020, hệ đào tạo này của ĐHQG Hà Nội sẽ không còn nữa.

GS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Mỗi năm thu hẹp khoảng 10%

Hiện tại, hệ đào tạo tại chức ở trường khá ổn định với quy mô khoảng 8.000 - 10.000 SV. Nhà trường chủ trương tuyển hệ tại chức với con số vừa phải để đảm bảo chất lượng đào tạo. 

 

 Tiến tới, nhà trường cũng sẽ thu hẹp hệ đào tạo này để tập trung cho đào tạo chính quy và sau ĐH nhiều hơn. Đến năm nào sẽ chấm dứt hệ đào tạo này, phải có lộ trình cụ thể. Riêng năm 2010, hệ tại chức ở ĐH Bách khoa Hà Nội đã giảm khoảng 10% chỉ tiêu so với năm ngoái.

PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Chấp nhận “ế” học viên tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo

 

Yêu cầu về bằng cấp, trình độ nhân sự là tiêu chí riêng của mỗi nhà tuyển dụng. Ngay cả ĐH Đà Nẵng khi tuyển dụng giảng viên cũng có yêu cầu nguồn nhân sự phải tốt nghiệp hệ đào tạo hệ chính quy loại khá, giỏi để đáp ứng được yêu cầu của công việc tại trường.

 

 Hiện nay, các học viên theo học hệ tại chức đang ngày càng trẻ hóa. Trước đây, học viên hệ này chủ yếu là những người đã đi làm. Vì nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, vì yêu cầu của công việc, họ đăng ký học thêm. Nhưng hiện nay, không ít học viên chọn học hệ tại chức vì chuẩn thi tuyển đầu vào “dễ thở” hơn hệ chính quy.

Ở góc độ quản lý giáo dục, chủ trương của ĐH Đà Nẵng là tổ chức thi tuyển “đầu vào” nghiêm túc và sàng lọc kỹ “đầu ra”. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức tại ĐH Đà Nẵng chỉ đạt tỷ lệ từ 30- 50% so tổng số sinh viên đã theo học. Thậm chí, có ngành tỷ lệ này chỉ đạt từ 10- 15%. Chẳng hạn như ngành Xây dựng dân dụng tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Có cả ngành không mở được lớp như ngành Kế toán.

Số lượng sinh viên theo học hệ tại chức tại Trường ĐH Đà Nẵng cũng ít hơn hẳn so với sinh viên hệ chính quy. Chẳng hạn, trong hơn 20 nghìn sinh viên tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng chỉ có hơn 5 nghìn sinh viên đang học hệ tại chức.

 Không phải không có người muốn học mà họ không chọn ĐH Đà Nẵng vì sợ khó đậu, khó tốt nghiệp. Số lượng học viên càng nhiều càng tạo thêm nguồn thu cho nhà trường.

Nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng tôi phải chấp nhận “ế” sinh viên hệ tại chức. Chúng tôi chấp nhận việc không mở được lớp chứ không thả lỏng chất lượng đào tạo. Nên khi trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ĐH hệ tại chức, chúng tôi mới thực sự “đau lòng” khi những người thực sự cầu tiến, học hành đàng hoàng, chăm chỉ, khó lắm mới lấy được tấm bằng lại bị đánh đồng với những tấm bằng ĐH tại chức nhận được dễ dàng hơn.

(Theo VietNamNet)

Việc đánh giá chất lượng thì mới chỉ dựa vào định tính. Thực tế, trong thời gian qua, do quản lý chặt chẽ hệ đào tạo này nên số lượng sinh viên giảm đi đáng kể. Nhiều trường cho biết không tuyển sinh được hệ đào tạo này. Theo tôi, nguyên nhân là do họ thấy học căng thẳng và thi khó khăn nhưng bằng cấp lại bị xã hội phân biệt. Thứ hai là những năm gần đây chỉ tiêu chính quy rất lớn nên họ sẽ tập trung đào tạo hệ chính quy.

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin