1

Tin Tức Các Báo

In

Hơn 30 năm, giáo trình đại học vẫn dạy tốt?

Cập nhật 08/11/2010 - 11:53:16 AM (GMT+7)
Sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang phải học giáo trình xuất bản từ những năm 1980- 1990, thậm chí có giáo trình “già khụ” hơn- được biên soạn từ cách đây 30- 40 năm.

Già nua

Sinh viên ở nhiều ngành của ĐH Nông Lâm TPHCM vẫn phải học những giáo trình bằng tuổi mình như: Lâm học nguyên lý lâm sàn (1996), Giải phẫu học tằm dâu (1995), Mô học thú y (1996), Bảo quản nông sản (1996), Phương pháp bố trí thí nghiệm và xử lý số liệu thực nghiệm (1996)…

Trong khi đó ĐH Bách khoa TPHCM là trường có số lượng giáo trình do các giảng viên trong trường viết nhiều nhất trong số các trường ĐH ở TPHCM: gần 70%. Mỗi năm nhà trường chi khoảng 1 tỷ đồng đầu tư giáo trình mới, nhưng đến giờ vẫn có những giáo trình lên hàng “cụ” vẫn phải phục vụ sinh viên như: Bộ môn phát dẫn điện, Ổn định trong hệ thống điện (1976), Thiết kế chi tiết máy (1979), Giáo trình công nghệ kim loại (tập 1 năm 1969, tập 2 năm 1972)…

SV Trường ĐH Kiến trúc TPHCM cũng phải miệt mài với giáo trình cũ rích: Giải tích số (1986), Nguyên lý kiến trúc (1987), Bài tập toán (1988), Bài tập sức bền vật liệu 1988. “Già nua” hơn nữa là Tính toán kết cấu thép (1976), Kết cấu bê tông cốt thép” (1978), Nền và móng (1978).

Tại nhiều trường kỹ thuật - tự nhiên vẫn sử dụng giáo trình của nhiều môn khoa học kỹ thuật từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Nội dung nặng về hàn lâm, nhiều lý thuyết, ít ứng dụng.

Trong khi đó, dân xã hội lại ngao ngán với việc học lại kiến thức từ thời cấp 2, cấp 3. Sinh viên khoa Văn học - Ngôn ngữ, khoa Báo chí - Truyền thông ĐH KHXH&NV TPHCM cứ “nhai” lại các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam từ trước năm 1975. Sau dấu mốc này, đã 35 năm nhưng vẫn không cập nhật thêm kiến thức về tình hình văn học nước nhà.

“Sinh viên bọn em được học rất ít Văn học Việt Nam sau năm 1975, giáo trình chỉ đề cập qua loa. Trong khi đó, văn học trước 1975 thì học liên tục nhiều kỳ nhưng kiến thức hầu như không thay đổi”, Nguyễn Văn B., sinh viên năm thứ tư khoa Văn học – Ngôn ngữ, nói.

G., sinh viên khoa Xây dựng trường ĐH Kiến trúc, phản ánh: “Kỹ thuật xây dựng, công nghệ vật liệu ngày nay đã phát triển vượt bật nhưng sinh viên vẫn phải học những môn như: nền và móng, sức bền vật liệu, quy hoạch và phát triển đô thị với giáo trình quá cũ. Nếu áp dụng những kiến thức trong giáo trình đó vào thực tế thì không biết sẽ ra sao”.

Đổi mà không mới

Ở các trường xuất hiện một loại giáo trình, tài liệu nội bộ do thầy cô trực tiếp giảng dạy môn đó biên soạn rồi photo cho sinh viên. Tuy nhiên, lân la ở các hiệu photocopy tại Làng đại học Thủ Đức, có thể thấy những tài liệu nội bộ này phần lớn được biên soạn lại từ tài liệu trước đó.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, ở khối ngành kỹ thuật vẫn dùng một số giáo trình từ những năm 1960, 1970. Tuy nhiên, giáo trình ở bậc ĐH khác với sách giáo khoa ở phổ thông. Quyền thẩm định giáo trình ở mỗi môn học tuỳ thuộc vào từng bộ môn, từng khoa của từng trường. Hai trường đào tạo cùng ngành nhưng giáo trình chưa chắc đã giống nhau, bởi tùy phụ thuộc vào mục đích đào tạo, vấn đề học thuật của từng trường.

“Giáo trình cũ có thể dùng tham khảo, trong đó có những nội dung không hề cũ so với hiện nay. Do vậy, giảng viên cần biết kết hợp giữa giáo trình tham khảo và kiến thức từ thực tiễn để đưa vào bài giảng, tạo nên cái mới cho sinh viên học tập”, ông Dũng nói.

Nhiều trường ĐH đang chuyển qua đào tạo theo tín chỉ. Tuy nhiên, giáo trình cũ được biên soạn theo niên chế gây không ít lúng túng cho giảng viên và sinh viên. Giáo trình trước kia được biên soạn và dạy theo lối thầy đọc - trò chép, còn học tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải tự học cao hơn nên sử dụng giáo trình của niên chế là trở ngại rất lớn.

Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông - Vận tải TPHCM, TS. Nguyễn Văn Thư cho biết, định kỳ 5 năm phải thay đổi giáo trình, những giáo trình về công nghệ thông tin, phần mềm qua 2 năm đã lạc hậu rồi. Nhưng cũng có tài liệu về lý thuyết khoa học cơ bản được biên soạn từ lâu nay vẫn phải dùng.

“Tùy từng môn học, mà giảng viên, bộ môn, khoa sẽ biên soạn, thay đổi tài liệu chính, tài liệu phụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu môn nào cũng cứ lấy giáo trình cũ để áp dụng cho sinh viên học tín chỉ thì đó là tự làm khó mình và sinh viên”, ông Thư nói.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thạc San, Phó Hiệu trưởng CĐ Công Thương TPHCM cho rằng: Chính những cuốn giáo trình quá cũ cộng với phương pháp dạy không phù hợp của giảng viên làm cho sinh viên mất hứng thú trong học tập. “Khi còn ở phổ thông, cứ nghĩ học đại học là điều gì ghê gớm, to tát lắm. Vào học rồi, học lại kiến thức cũ ở phổ thông nên sinh viên cảm thấy hẫng”. 

(Theo Tiền Phong)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin