1

Tin Tức Các Báo

In

Đào tạo từ xa vẫn chưa hấp dẫn

Cập nhật 03/11/2010 - 08:02:30 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của một số chuyên gia, lý do khiến nhiều người, trong đó có các nhà quản lý quay lưng lại, chưa yên tâm với việc đào tạo từ xa chính là sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm đào tạo
Được triển khai từ năm 1993, đào tạo từ xa hiện đã được áp dụng tại 20 trường ĐH trên cả nước như Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Mở TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 300.000 sinh viên/năm.
 
Vừa học vừa làm, chi phí thấp
 
Theo đánh giá của ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, đào tạo từ xa có rất nhiều ưu điểm như chi phí thấp, người học có thể vừa học vừa làm và điều quan trọng nhất là bằng tốt nghiệp ĐH đã được xã hội công nhận.
 
 
Sinh viên quan tâm đến việc tìm thông tin trong các kỳ tuyển sinh. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo quy định hiện hành, các sinh viên đào tạo từ xa đều lấy việc tự học là chủ yếu, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên. Đối với mỗi môn học/học phần, sinh viên chỉ phải đến tập trung tại cơ sở 2 lần. Lần thứ nhất để nghe hướng dẫn nội dung và phương pháp học tập (khoảng từ 1 - 2 ngày), lần thứ hai để nghe hệ thống và giải đáp thắc mắc rồi dự thi hết học phần.
 
Trong quá trình học tập, sinh viên được sự hỗ trợ của giảng viên và nhà trường thông qua trung tâm đào tạo từ xa. Kết quả học tập của học phần được tính dựa vào điểm trung bình có trọng số của bài kiểm tra và điểm thi hết học phần. Vì vậy, người học có thể vừa học vừa làm với chi phí thấp hơn nhiều so với đào tạo ĐH theo phương thức chính quy tập trung hay tại chức.
 
Học 5 năm lấy bằng ĐH
Thời gian đào tạo đối với ĐH từ xa được Bộ GD-ĐT quy định như sau: Đối với giáo dục ĐH: Từ 5 - 7 năm cho người có bằng tốt nghiệp THPT, THCN hoặc tương đương; từ 2 - 4 năm cho người đã có bằng CĐ cùng chuyên ngành hoặc bằng tốt nghiệp ĐH cùng nhóm ngành. Đối với giáo dục CĐ: Từ 4 - 5 năm cho người có bằng tốt nghiệp THPT, THCN hoặc tương đương. Đối với giáo dục THCN: Từ 4 - 6 năm cho người tốt nghiệp THCS, từ 2 - 3 năm cho người có bằng tốt nghiệp THPT.
H.Thị
Học phí đào tạo toàn khóa học hiện nay của Viện ĐH Mở Hà Nội chỉ từ 6,8 – 7,2 triệu đồng/học viên, rất phù hợp với số đông người lao động. Tuy cao hơn Viện ĐH Mở Hà Nội nhưng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có mức học phí từ xa khá hợp lý: 1,8 triệu đồng/năm/học viên đối với những ngành ít thực hành, thí nghiệm như giáo dục mầm non, sư phạm toán, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử và 2,4 triệu đồng/năm/học viên đối với các ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm kỹ thuật công nghiệp... Học viên có thể bảo lưu kết quả trong 9 năm, số lần thi hết học phần, thi tốt nghiệp có thể kéo dài đến khi đạt yêu cầu của nhà trường.
 
Nhưng vẫn khó tuyển
 
 “Với 86 triệu dân, trong đó có 45 triệu lao động nhưng chỉ có 10 triệu lao động qua đào tạo thì con số 200.000 sinh viên theo học đào tạo từ xa là chưa thể hài lòng” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệp hội các trường ĐH mở châu Á vừa được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua.
 
Chính phủ đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 có ít nhất 20% sinh viên học tập theo phương thức đào tạo từ xa, tương ứng với 300.000 sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có khoảng 200.000 sinh viên theo học.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, lý do khiến nhiều người, trong đó có các nhà quản lý quay lưng lại, chưa yên tâm với việc đào tạo từ xa chính là sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm đào tạo.
 
Hạn chế được coi là điểm yếu nhất chính là công nghệ đào tạo “mỗi nơi làm một kiểu”. Thêm vào đó, đào tạo từ xa lấy tự học là chính, đòi hỏi người học phải tự giác, kiên trì và quyết tâm cao.
 

Trong khi đó, học sinh THPT chưa quen với phương pháp tự học, tự nghiên cứu nên rất dễ nản dẫn đến bỏ cuộc giữa chừng. Ông Lê Văn Thanh cho biết chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Viện ĐH Mở Hà Nội là 12.000 sinh viên nhưng thường chỉ có khoảng 9.000 sinh viên ghi danh, trong quá trình học, con số rơi rụng là 50% và con số tốt nghiệp còn ít hơn nữa, có năm chỉ có 16% học viên được nhận bằng tốt nghiệp.

(Theo NLĐ)

 

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin