1

Tin Tức Các Báo

In

Nhiều trường ĐH sẽ thi theo nhóm

Cập nhật 14/09/2016 - 01:50:50 PM (GMT+7)

Nhiều trường ĐH đang lên phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh theo nhóm trường.

Thông tin trên được đại diện các trường ĐH nêu tại buổi tọa đàm về phương án thi THPT quốc gia 2017 diễn ra tại TP.HCM sáng qua 13.9.
 
“Mơ ước một kỳ thi công bằng”
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng phương án thi mà Bộ công bố đến nay chưa rõ ràng. Vì vậy, các trường ĐH cần trả lời câu hỏi có thi riêng hay không và cách thức tổ chức. “Nếu tổ chức thi riêng mà nội dung giống với kỳ thi THPT quốc gia thì chính chúng ta đang không tin tưởng vào kết quả kỳ thi này. Khi đó kết quả kỳ thi chưa đủ trung thực hoặc chưa đủ sức đánh giá năng lực thí sinh (TS) vì đề chỉ còn 90 phút, 60 câu”, tiến sĩ Nghĩa nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm về phương án thi 2017  /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm về phương án thi 2017
 
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phát biểu: “Tôi mơ ước có một kỳ thi THPT quốc gia công bằng để các trường ĐH không phải sử dụng thêm kỳ thi đánh giá năng lực nào nữa, bởi dù sao nó cũng nặng nề, tốn kém cho người học lẫn nhà trường, đặc biệt là tổn hại đến thương hiệu giáo dục của chúng ta khi đánh giá kết quả của bên dưới không được bên trên công nhận. Làm sao để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, có như thế các trường ĐH như chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sử dụng kết quả này”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng không nên thi thêm kỳ đánh giá năng lực. “Nếu Bộ triển khai phương án này, trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Còn nếu phải sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, trường sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của một trường nào đó”, thạc sĩ Sơn nói.
Còn thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ủng hộ quan điểm cần có kỳ thi chung để tạo được cơ sở dữ liệu xét tuyển TS vào trường. Nếu Bộ thực hiện đúng phương án thi này thì năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ chọn kết quả kỳ thi này để làm dữ liệu xét tuyển cho trường. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng ủng hộ quan điểm không tổ chức kỳ thi riêng từng trường, nếu cần thiết nên tổ chức theo các nhóm trường.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc trình hội đồng các trường ĐH tại TP.HCM để xin ý kiến và thống nhất các trường đăng ký tham gia đóng góp tài nguyên. Hiện nay trong tay tôi đã có một số câu hỏi, nếu kiên quyết thì trong vòng 3 tháng ĐH Quốc gia TP.HCM có thể đưa ra ngân hàng đề thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, có thể chưa áp dụng cho năm 2017, vì phải thử nghiệm để đánh giá độ chính xác, phân tách tới đâu”, ông Nghĩa cho hay.
 
Thi riêng phải khác thi chung
Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả kỳ thi THPT. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ bài thi đánh giá năng lực trường này tổ chức thực hiện với nội dung khác hoàn toàn với kiến thức phổ thông mà TS thi trong kỳ thi THPT quốc gia. "Không phải không tin cậy kết quả kỳ thi nhưng các trường vẫn nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Tùy theo đặc thù từng trường, việc tổ chức kiểm tra này nên theo từng nhóm ngành cụ thể sẽ phù hợp hơn", ông Hiển đề xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cũng bày tỏ: “Nên tổ chức kỳ thi với kiến thức khác phổ thông để tránh tình trạng luyện thi vào từng trường cụ thể”. Theo tiến sĩ Trần Thế Hoàng, nếu phải tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực, trường mong muốn ĐH Quốc gia TP.HCM có một ngân hàng đề chung theo từng lĩnh vực để tạo sự khách quan và giảm thiểu rủi ro cho các trường. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có phác thảo phương án tuyển sinh dự kiến. Trong đó với đặc thù ngành sư phạm, trường có thể tổ chức khảo sát thêm với TS để phù hợp ngành nghề. Tuy nhiên phương án này phải công bố trước 2 năm để TS chuẩn bị.
 
Băn khoăn cách tính điểm bài thi tổ hợp
Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về cách thi và xét điểm bài thi tổ hợp. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung đặt vấn đề: “Trước đây đánh giá học sinh môn lý có 50 mức độ, năm nay đề chỉ còn 20 câu hỏi thì khả năng phân loại đánh giá TS có còn đảm bảo không?”.
Tương tự, thạc sĩ Lê Văn Hiển nói, bài thi tổ hợp nếu xét tuyển từng môn riêng sẽ rất khó. Khi đó, kết quả của TS đặt ra không có cùng căn cứ để xét tuyển. Vì vậy, Bộ nên cân nhắc kỹ hơn việc đánh giá TS trong từng phần môn thi để tránh trường hợp kết quả thi bị “vênh”.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, lo lắng: “Với bài thi này thì tổ hợp xét tuyển của các trường chắc chắn có sự thay đổi và sẽ ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp của TS. Nếu 60 câu trong 90 phút thì bài thi khó đánh giá năng lực của học sinh và khó đạt được mục tiêu mà Bộ đặt ra”.
 
Chờ phương án chính thức để thay đổi dạy học
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết trường này vẫn đang trong tâm thế chờ đợi, khi Bộ có phương án chính thức thì mới họp bàn thay đổi cách dạy học để đạt được kết quả tốt nhất. Ông Khương cho biết học sinh đã chuẩn bị tâm thế tâm lý sẵn sàng cho khối thi truyền thông nhưng thực hiện bài thi này, TS khối A phải học thêm môn sinh và khối B thêm môn lý. Ngay sau khi có dự thảo, trường đã tiến hành khảo sát 614 học sinh lớp 12, có 543 học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên và 71 chọn khoa học xã hội.
“Tôi mong Bộ sớm công bố phương án thi chính thức để trường thay đổi chương trình học phù hợp. Các trường ĐH cũng nên công bố sớm phương án xét tuyển cụ thể”, ông Khương đề nghị.
(Theo Báo Thanh Niên)
 

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin