Tin Tức Các Báo
InXét tuyển vào trường ĐH, CĐ: Rối càng thêm rối
Cập nhật 08/09/2015 - 06:47:58 PM (GMT+7)Nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ từ các trường ĐH, CĐ ngay sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản cho phép thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển ngay tại sở GD-ĐT hoặc trường THPT bên cạnh trường ĐH, CĐ như quy định trước đó.
Trong những ngày qua, thí sinh liên tục rút hồ sơ xét tuyển từ các trường ĐH
Đi ngược quy chế tuyển sinh
Ông Châu Minh Quí, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ hệ chính quy nói rất rõ, thí sinh (TS) khi đăng ký xét tuyển phải sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng mộc đỏ kèm mã vạch nhận dạng sử dụng trong phần mềm xét tuyển. Tuy nhiên, với cách làm này, Bộ cho phép TS điều chỉnh nguyện vọng mà không cần giấy bản gốc là phá vỡ quy chế.
Hiện nay các trường vẫn đang thực hiện tốt việc nhận và trả hồ sơ cho TS theo cách làm cũ.
Theo đại diện một trường ĐH tại TP.HCM, cách làm này còn khiến các trường mất kiểm soát. Theo cách làm mới, các sở sẽ cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển của TS vào phần mềm xét tuyển mà không có giấy chứng nhận gốc trong tay, chuyển về Bộ trước khi gửi ngược lại các trường ĐH và CĐ.
Trong khi đó, hầu hết các trường hiện nay khi xét tuyển không sử dụng phần mềm tuyển sinh chung của Bộ mà dùng phần mềm riêng. Khi đó, dữ liệu TS không thống nhất, các trường làm sao điều chỉnh cho tương thích với dữ liệu tại phần mềm xét tuyển riêng?
“Cách làm này khiến việc điều chỉnh hồ sơ của TS phải đi một vòng rất xa từ trường THPT, lên sở, ra Bộ trước khi vòng về trường ĐH, CĐ. Trong khi đó, thời gian để TS nộp hồ sơ nguyện vọng này chỉ còn một tuần. Với thay đổi này, các trường khó có thể công bố kết quả xét tuyển đợt đầu vào 25.8, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường”, đại diện này bổ sung.
Quá tải... phần mềm
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết việc tạo điều kiện cho TS được rút hồ sơ tại sở GD-ĐT thay vì phải di chuyển xa tới trường ĐH để điều chỉnh hồ sơ là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, cách thức thực hiện trong điều kiện thực tế hiện nay chưa phù hợp.
Theo ông Vũ, phần mềm tuyển sinh chung của Bộ hiện nay nếu có thêm nhiều sở cùng sử dụng có thể dẫn đến việc quá tải gây ảnh hưởng đến việc xét tuyển của toàn hệ thống. “Đáng nói nhất là nếu không có giấy chứng nhận kết quả thi, trường sẽ làm sao để xuất dữ liệu của TS đăng ký vào trường mình thông qua các sở GD-ĐT. Hiện chưa thấy văn bản nói về điều này?”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.
Còn tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu ý kiến: “Chủ trương này chỉ tốt nếu quy trình điều chỉnh hồ sơ các bước được thực hiện chính xác và kịp thời. Nếu không, hệ lụy để lại cũng khó lường, nhất là những nhầm lẫn có thể gây mất quyền lợi TS trong quá trình xét tuyển”.
Khối lượng công việc các trường không giảm
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận định: “Việc Bộ điều chỉnh quy định, cho phép các em rút hồ sơ thông qua sở cũng là điều tốt cho TS, nhất là những em ở xa nên trường cũng hoan nghênh. Tuy nhiên, dù rút trực tiếp tại trường hay rút qua sở thì khối lượng công việc mà trường phải xử lý vẫn như nhau”, ông Thực chia sẻ.
|
(Theo Báo Thanh Niên)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)