Tin Tức Các Báo
InBước đi đầu tiên thực hiện lộ trình tiến tới kỳ thi chung
Cập nhật 17/07/2014 - 09:47:25 AM (GMT+7)"Kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vừa qua là những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới thi hướng tới tổ chức một kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các trường ĐH,CĐ, dạy nghề sử dụng trong tuyển sinh".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định như vậy.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT.
Khúc cua đột phá của đổi mới thi cử
Dựa trên cơ sở nào để ông khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vừa qua là những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới thi hướng tới tổ chức một kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ, dạy nghề sử dụng trong tuyển sinh?
Nếu ví giáo dục là một đoàn tàu thì khúc cua đột phá của đổi mới thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã được bẻ lái rất ngọt trên cơ sở những thành quả giáo dục từ các năm trước. Đó là giá trị của sự tiếp nối mang tính bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho những đổi mới các năm tiếp theo.
Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu tổ chức coi thi, đổi mới cách ra đề thi… kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có nhiều tiến bộ hơn so với kỳ thi năm 2013, thể hiện sinh động của việc ngành Giáo dục đã chọn đúng khâu đột phá và có những giải pháp tích cực, khẩn trương để đưa Nghị quyết 29-NQ/TW sớm vào thực tiễn GD-ĐT của đất nước.
Những đổi mới đột phá ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 cho thấy giáo dục sẽ thay đổi ở cách dạy, cách học để học sinh phải học tất cả các môn và tập trung hơn vào một số môn. Đổi mới đề thi để chạm được vào trái tim của học sinh, các em làm bài có sự xúc động, ấn tượng, bộc lộ được suy nghĩ chân thực của mình để từ đó tác động tích cực trở lại, làm thay đổi cách dạy - cách học, không chỉ lớp 12 mà tới cả cả hệ thống giáo dục phổ thông.
Điểm đặc biệt trong các kỳ thi năm nay là Bộ GD-ĐT đã lựa chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29. Theo đó, lần đầu tiên, thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng học gì đánh giá nấy, kết hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình lớp 12 với trọng số mỗi phần là 50%: Một phần được tổ chức thi cấp quốc gia với kỳ thi tốt nghiệp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo; một phần được phân cấp cho các địa phương do Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo.
Đổi môn thi thành bài thi
Tại sao Bộ không thực hiện đổi mới dần từ các năm trước để thí sinh và các giáo viên chuẩn bị mà đến năm nay mới thực hiện?
Không chỉ năm nay các kỳ thi quốc gia mới bắt đầu đổi mới. Thời gian qua, phương thức thi, kiểm tra đánh giá đã được đổi mới, đã được chú ý, cải tiến, sử dụng các câu hỏi ở mức độ vận dụng tổng hợp và các câu hỏi “mở“.
Cách ra đề mở còn khuyến khích lề lối học thật, dạy thật, tạo tiền đề cho cách dạy và học chuyển hướng vững chắc từ tiếp thu thụ động sang chủ động, phát triển tư duy sáng tạo để nắm vững bản chất vấn đề, tạo nền kiến thức vững vàng.
Trong những năm gần đây, các trường phổ thông đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức dạy - học, áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, đổi mới phương pháp dạy - học nhằm phát huy tính độc lập, chủ động và sáng tạo của học sinh, hướng tới hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Về phần thi quốc gia, đã giảm từ 6 môn xuống 4 môn theo đúng tinh thần “3 giảm, 1 tăng” mà Nghị quyết 29 đề cập trực tiếp: Giảm căng thẳng, giảm sức ép, giảm tốn kém, tăng chất lượng. Khi kết hợp giữa quá trình và kết quả thi cuối năm đã tạo đủ điều kiện để giảm môn thi tốt nghiệp.
Đề thi sẽ ngày càng tiến tới không phải là các môn thi độc lập mà là các bài thi. Đề thi không phải riêng Văn học, mà bao gồm cả Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, hợp tác, hội nhập quốc tế… Học sinh học gì thi nấy, dùng kết quả của nhiều môn học để đi thi, để thể hiện năng lực của mình. Đó chính là sự toàn diện.
Năm 2015, dự kiến chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia. Trong ảnh: Thí sinh dự thi đại học năm 2014.
Theo ông, những đổi mới trong các kỳ thi năm nay đã có tác động gì tới hoạt động dạy - học trong các nhà trường?
Đối với giáo viên, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá; Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn.
Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng cao kiến thức về các vấn đề thực tiễn, năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng làm sao phát triển được năng lực, phẩm chất của học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ kiến thức một chiều, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Đối với học sinh, kết quả thi đã tác động mạnh vào nhận thức của các em, kích thích hứng thú học tập, giúp học sinh hình thành động cơ tích cực trong học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai; hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân để các em tiếp tục học lên hoặc bước vào cuộc sống sau khi kết thúc THPT; khắc phục tình trạng học đối phó theo khuân mẫu của các “lò” luyện thi và sử dụng “phao thi” trong các kỳ thi, nên trường thi đã trật tự, sạch sẽ, an toàn và thân thiện hơn.
Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã thực sự đưa học sinh vào trung tâm của quá trình dạy học, từng bước đưa việc học đi vào thực chất, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để các em phát huy năng lực, sở trường cũng như thể hiện được sự sáng tạo, hứng thú trong học tập; được độc lập bộc lộ tâm tư, tình cảm và lý tưởng của mình trước các vấn đề thực tại của đất nước, của thời đại.
Đối với xã hội, kỳ thi đã bước đầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, trở nên nhẹ nhàng, bình thường hơn; bước đầu đẩy lùi nạn dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan nên đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của xã hội.
Như vậy, đổi mới thi năm nay để chuẩn bị năm tới tổ chức kỳ thi chung quốc gia?
Đó cũng là những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới thi hướng tới tổ chức một kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các trường ĐH, CĐ, dạy nghề sử dụng trong tuyển sinh.
Từ những kết quả của hai kỳ thi năm nay, có thể khẳng định ngành GD-ĐT đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW ở khâu kiểm tra đánh giá và thi cử là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Xin trân trọng cám ơn ông!
(Theo Báo Dân Trí)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)