1

Tin Tức Các Báo

In

Gỡ băn khoăn về quy định xét tuyển mới

Cập nhật 12/05/2014 - 09:20:58 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Nhằm giúp các nhà trường, học sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về quy định xét tuyển mới mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Việc Bộ GD&ĐT đưa ra phương án nhiều mức điểm xét tuyển có phải nhằm mục đích "cứu" các trường khó tuyển sinh không?

 

Có nhiều mức điểm xét tuyển nhưng chất lượng đầu vào ĐH, CĐ vẫn được đảm bảo vì Bộ GD&ĐT vẫn quy định mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.  

- Việc đưa ra nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản nhằm mục đích đáp ứng tính đa dạng về yêu cầu chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học và từng bước góp phần thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.

Qui định mới tạo điều kiện cho các trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời phân khúc nguồn tuyển rõ ràng, giảm bớt khó khăn cho những trường chưa có sức hút thí sinh.

Việc cho phép các trường lựa chọn môn chính và nhân hệ số đã được thực hiện từ lâu, quy định của Bộ GD&ĐT có điểm gì khác với trước kia?

- Những năm trước, Bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số môn chính khi xét tuyển nhưng điều này chỉ áp dụng đối với những thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn trở lên.

Theo qui định mới, các trường có thể chọn một môn thi chính trong khối thi được nhân hệ số 2 để xét tuyển vào ngành phù hợp. Trong trường hợp này, các trường được xác định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính sao cho trung bình điểm xét tuyển này không thấp hơn trung bình mức điểm xét tuyển cơ bản mà trường đã lựa chọn.

Với qui định này, những thí sinh có điểm môn chính cao nhưng có tổng điểm 3 môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản vẫn có khả năng trúng tuyển. Đó là điểm khác biệt so với qui định điểm sàn trước đây.

Ví dụ khối A, mức điểm xét tuyển cơ bản vào ngành là 15, theo qui định mới thì điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số là 20. Thí sinh có điểm thi Toán 7, Lý 3, Hóa 4. Nếu ngành chọn Toán là môn chính thì thí sinh này vẫn trúng tuyển (21 điểm).

Trong khi đó nếu theo qui định điểm sàn cũ thì thí sinh này không đủ điều kiện trúng tuyển (14 điểm). Điều này cho phép các trường tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Có ý kiến cho rằng quy định xét tuyển mới sẽ làm cạn kiệt nguồn tuyển của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?

Thứ nhất, mặc dù Bộ GD&ĐT quy định có nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản nhưng vẫn có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng. Điều này đảm bảo việc phân luồng học sinh sau Trung học phổ thông.

Thứ hai, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường cũng như của toàn hệ thống được xác định dựa trên 2 tiêu chí đó là diện tích sàn xây dựng/sinh viên và số sinh viên/giảng viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu này không phụ thuộc vào cách xác định "điểm sàn".

Ví dụ như năm 2013 tổng số thí sinh dự thi ĐH, CĐ chính quy khoảng 1,2 triệu người (900 ngàn thí sinh mới tốt nghiệp THPT và 300.000 thí sinh tự do). 

Trong khi đó tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học là 300.000, chỉ tiêu tuyển sinh vào cao đẳng khoảng 250.000. Các trường đại học và cao đẳng chỉ tuyển được tối đa được 550.000 thí sinh (chiếm khoảng 45% tổng thí sinh dự thi).

Do đó việc xác định điểm sàn như trước đây hay tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào như hiện nay con số này cũng không thay đổi, nghĩa là các trường TCCN, các trường nghề vẫn còn nguồn tuyển rất lớn. Vấn đề đặt ra đối với các trường này là làm sao thu hút được được số thanh niên không trúng tuyển vào đại học, cao đẳng tham gia học TCCN, học nghề.

Thời gian công bố môn chính của các trường trước ngày 20/5/2014 có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh không?

- Thứ nhất, trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014" đã có nhiều ngành công bố môn nhân hệ số khi xét tuyển, việc quy định thời gian công bố trước 20/5/2014 chỉ để nhắc các trường cân nhắc bổ sung thêm ngành có môn chính nếu cần.

Thứ hai, quy định cho phép các trường xác định điểm xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính có tác động lớn đến thí sinh có kết quả thi ở lân cận mức điểm xét tuyển tối thiểu và chủ yếu là đăng kí ở các nguyện vọng bổ sung. Việc này sẽ thực hiện sau ngày 20/8/2014.

 

Sau khi các trường công bố môn thi chính, các thí sinh có thể cân nhắc thêm để quyết định ngành dự thi và nếu thấy cần thiết, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng ở buổi làm thủ tục dự thi.
(Theo GD&TĐ)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin