1

Tin Tức Các Báo

In

Mỏ vàng chưa đánh thức của giáo dục Việt Nam

Cập nhật 28/03/2014 - 09:08:55 AM (GMT+7)

Nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức và các công ty là một mỏ vàng chưa đánh thức nhằm cải tổ giáo dục Việt Nam.

Các  nguồn lực xã hội hóa này rất đa dạng như tri thức, kinh nghiệm, nỗ lực và tài chính của các chuyên gia trong hoặc có liên quan tới giáo dục. 

Các nguồn lực xã hội cũng có thể hiểu là các chương trình hay dự án có liên quan tới phát triển nguồn nhân lực có tài trợ từ tiền ngoài ngân sách của nhà nước. Thật đáng mừng trong những năm gần đây các nguồn lực xã hội đã phát triển và ghi dấu ấn như các chương trình của GS Ngô Bảo Châu, Giáp School. Nói tới doanh nghiệp có thể kể tới Trung Nguyên với chương trình Khát Vọng Việt hai năm liên tiếp và sẽ còn kéo dài trong thời gian tới nhằm xây dựng tinh thần Khởi Nghiệp và Vì Khát Vọng Việt. 

 

Tận dụng nguồn lực xã hội để phát triển đất nước.

 

Chương trình thứ hai từ doanh nghiệp đó chính là chương trình Nick Vujicic của Tôn Hoa Sen nhằm tôn vinh tinh thần vượt khó không đầu hàng số phận tới nhân dân Việt Nam đặc biệt cho thế hệ trẻ. Chương trình thứ ba đã kéo dài nhiều năm đó là Tư Vấn Mùa Thi với nhãn hiệu quen thuộc Thiên Long. 

Xu hướng doanh nghiệp và cá nhân đóng góp phi vụ lợi cho các hoạt động xã hội là điều đáng mừng chứng tỏ sự trưởng thành về nhận thức của xã hội Việt Nam. Câu ngạn ngữ của cha ông “sống có đức mặc sức mà ăn” thể hiện triết lý Cho trước nhận sau trong kinh doanh. 

 

Triết lý này hoàn toàn trùng khái niệm Marketing 3.0 của bậc thầy Philip Kotler khi ông nhấn mạnh sự kết nối giữa thương hiệu và tính nhân bản – Human spirit connection. Kotler nhấn mạnh trong thế giới phát triển, khách hàng thường có xu hướng lựa chọn các thương hiệu có kết nối về cảm xúc, nhân bản, cộng đồng với suy nghĩ của họ. 

Các chương trình marketing vì cộng đồng phi lợi nhuận đã mang giá trị về nhân bản lẫn kinh tế tới các công ty lớn. Không ngạc nhiên khi các tập đoàn lớn tại Việt Nam Caffee Trung Nguyên, Tôn Hoa Sen, Thiên Long có những suy nghĩ vì cộng đồng và đều nhận được những giá trị thành công bền vững theo triết lý Cho để Nhận. 

 

Hệ thống giáo dục của Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể cảm nhận sự thay đổi nhanh chóng và quyết đoán từ cấp cao nhất trong chính phủ. Các vấn đề giáo dục khó giải quyết lâu năm như sách giáo khoa, thi đại học, thi tốt nghiệp và nhiều vấn đề khác đang được thúc đẩy và đã có những kết quả khả quan trong xã hội. 

Hệ thống giáo dục đang hướng tới tạo dựng nghề nghiệp và việc làm cho người học tại các cấp độ. Bộ GD&ĐT đã có chương trình nhằm phát triển nghề nghiệp cho sinh viên tới năm 2020. Cải cách giáo dục luôn luôn đòi hỏi các khoản đầu tư lớn nhưng giá trị sẽ cần thời gian dài để hoàn vốn. Tại lĩnh vực này các chương trình xã hội của các doanh nghiệp và cá nhân sẽ là những đóng góp to lớn và hiệu quả tới các chương trình cải cách giáo dục sau THPT nếu có những hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng từ chính phủ. 

 

Cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xã hội giúp giáo dục phát triển sẽ đem lại giá trị cho chính bản thân họ khi đầu vào nhân sự tốt hơn. Lợi ích thứ hai của các chương trình xã hội về giáo dục như Coffee Trung Nguyên , Tôn Hoa Sen, Thiên Long thực hiện đã chứng tỏ sức lan tỏa lớn và những giá trị sâu sắc tới toàn thể cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. 

Khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào các công tác xã hội giáo dục sẽ mang lại những giá trị lớn cho học sinh và sinh viên vì họ là đại diện cho những tổ chức sử dụng lao động. Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp sẽ mang lại sự chính xác và cập nhật cho hoạt động đào tạo đặc biệt tại hệ đại học, cao đẳng và dạy nghề.  

 

Trên thực tế, các doanh  nghiệp luôn luôn có các chương trình tiếp cận các trường đại học và cơ sở đào tạo nhằm tìm kiếm và hỗ trợ phát triển nhân lực ngay trên giảng đường. Có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào công tác phát triển sinh viên. Tại Đại Học Kinh Tế Tài Chính UEF đã có hẳn chương trình Người Thầy Thực Tế -cấp lãnh đạo doanh nghiệp tới trao đổi kinh nghiệm và kiến thức cho các em sinh viên. 

Vượt lên trên các hoạt động trên, doanh nghiệp có thể thực hiện đa dạng các chương trình như định hướng thái độ, các chương trình thay đổi nhận thức xã hội về nghề nghiệp, các chương trình phát triển nghề nghiệp và hướng nghiệp cộng đồng lồng ghép vào hệ thống giáo dục và đào tạo hiện có, các chương trình phát triển bài giảng các kỹ năng và kiến thức liên quan tới nghề nghiệp như kỹ năng mềm, các chương trình gia tăng tiếp cận giữa sinh viên và thực tiễn. 

 

Các hoạt động này sẽ gắn kết hai chiều doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua những giá trị bền vững theo thời gian. Có thể nói các chương trình cộng đồng vì giáo dục sẽ mang lại giá trị cho tất cả các bên liên quan như  bản thân công ty, cộng đồng sinh viên, các trường đại học và quản lý giáo dục nhà nước. 

Ngày hôm qua, Thủ Tướng chính thức thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục có nhiệm vụ ghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp và điều phối, đôn đốc thực hiện các chiến lược, đề án, dự án quốc gia có tính liên ngành, đa ngành về giáo dục đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực. 

 

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng với sự định hướng, quan tâm của lãnh đạo chính phủ qua Ủy Ban này, các mục tiêu cải cách giáo dục sẽ được lên kế hoạch chi tiết nhằm xã hội hóa thông qua cộng hưởng các nguồn lực  từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tâm huyết với phát triển nguồn nhân lực- Nguyên Khí Của Việt Nam. Chúng ta có thể tin tưởng con tầu giáo dục Việt Nam sẽ chạy nhanh hơn với những động cơ xã hội từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân tâm huyết Việt Nam. 

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin