Tin Tức Các Báo
InTăng cường câu hỏi mở trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014
Cập nhật 20/02/2014 - 09:58:50 AM (GMT+7)Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “ba chung” của năm 2014 vẫn giữ ổn định như năm trước và tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở”.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Nội dung đề thi luôn bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Tuy nhiên, đề thi sẽ phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Đề thi không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Nội dung từng môn thi bám sát chương trình trung học. Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học.
Với các môn thi trắc nghiệm, ông Nghĩa cho biết, sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò, của thí sinh.
Đối với đề thi tự luận của các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc.
Với các môn khoa học tự nhiên như toán cũng định hướng tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Bốc thăm đề thi xã hội để chọn chủ đề!
Để đảm bảo bí mật của việc ra đề thi, bảo mật đề thi, lãnh đạo Cục Khảo thí cho biết, việc biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy trình: Trưởng ban Đề thi tổ chức quán triệt các yêu cầu về nội dung đề thi, quy trình làm đề thi, yêu cầu bảo mật cho các Trưởng môn thi và các cán bộ tham gia biên soạn đề thi.
Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn.
Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm. Trong đề thi phát cho thí sinh có ghi điểm cho từng câu.
Tổ chức phản biện với 3 người làm bài độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ). Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với Trưởng môn thi về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề thi. Sau khi phản biện, người ra đề thi và người phản biện, dưới sự chủ trì của Trưởng môn thi, phải họp lại để thống nhất ý kiến (có ghi biên bản) về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề thi do một cán bộ chủ trì biên soạn.
Sau khi tu chỉnh lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm, với sự đóng góp ý kiến của các cán bộ biên soạn đề thi và phản biện đề thi của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi.
Trưởng ban Đề thi tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III... và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đề thi chính thức và các đề thi dự bị.
Toàn bộ đề thi chính thức và đề thi dự bị, đáp án và thang điểm khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” do Trưởng ban Đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật.
Đối với đề thi theo phương pháp trắc nghiệm: Cán bộ ban Đề thi rút câu hỏi trắc nghiệm từ ngân hàng câu trắc nghiệm. Trưởng môn thi phân công các thành viên trong tổ ra đề, thẩm định từng câu trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi.
Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt chỉnh sửa từng câu trắc nghiệm trong đề thi dự kiến. Sau khi chỉnh sửa lần cuối Trưởng môn thi ký tên vào đề thi và giao cho Trưởng ban Đề thi.
Cán bộ ban Đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau. Tổ ra đề rà soát từng phiên bản đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.
Hồng Hạnh
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)