Tin Tức Các Báo
InTuyển sinh riêng: Không ai dám mạo hiểm
Cập nhật 30/12/2013 - 09:55:05 AM (GMT+7)Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh những quy định kỹ thuật để các trường thi riêng. Song song đó, các trường cũng đề xuất những giải pháp khả thi trong việc đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2015.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhiều năm nay vẫn thi theo 3 chung bên cạnh môn năng khiếu thi riêng
Thời gian chuẩn bị ngắn ngủi
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là động thái tích cực của Bộ nhằm thực hiện tinh thần của luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ đầu năm 2013. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật thực hiện, khi Bộ không cho phép các trường liên thông xét tuyển giữa các đề án khiến các trường gặp khó khăn nếu tổ chức thi riêng, nhất là trong khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi từ nay đến trước mùa tuyển sinh 2014.
Nhìn nhận từ hội nghị tổng kết năm học và bàn kế hoạch tuyển sinh năm 2014 do Bộ tổ chức ngày 28.12, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa ý kiến: “Cho đến cuối hội nghị, không có bất kỳ trường nào mạnh dạn khẳng định sẽ tuyển sinh riêng và tách biệt với kỳ thi 3 chung. Nếu có cũng chỉ là ý kiến sẽ tuyển sinh riêng sau khi đã trải qua kỳ thi 3 chung này. Trong khi trước đó rất nhiều trường đã mong muốn được tuyển sinh riêng. Chính những quy định về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng nên ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm khó khăn tuyển sinh kéo dài như nhiều năm nay. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, lo sợ về năng lực tổ chức một kỳ thi đảm bảo chất lượng và thời gian gấp rút khiến các trường dè dặt trong quyết định này”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa phân tích thêm.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho rằng thời gian nộp đề án tuyển sinh riêng từ nay đến tháng 3.2014 là quá gấp rút nên khả năng nhiều trường không chuẩn bị kịp. Và khó khăn nhất của các trường chính là chuẩn bị ngân hàng đề thi và lựa chọn môn thi phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng nếu khuyến khích tuyển sinh riêng nên để trường có thể tự do sử dụng nhiều tiêu chí để chọn thí sinh. Kỳ thi 3 chung có chất lượng tin cậy thì cũng cần cho phép trường được sử dụng kết quả thi này chứ không nên cấm như hiện nay.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, về cơ bản chủ trương cho tuyển sinh riêng rất tốt nhưng cần có thời gian để áp dụng rộng rãi. Ông Bình cho biết thầy cô ở các trường THPT đều cho rằng đây là thay đổi tích cực nhưng hiện nay học sinh đã chuẩn bị cho việc thi 3 chung từ lớp 10 vì vậy nếu năm nay có trường nào thi riêng thì vẫn không khuyến khích học sinh thi vào. Lý do là thi riêng không thể sử dụng kết quả thi riêng vào trường khác. Nếu tham dự thi cả 2 đợt thì thi thành 5 đợt, rất nặng nề.
Với quy định thi riêng chỉ được xét tuyển riêng, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM không ngần ngại cho rằng mục tiêu của Bộ chính là nhằm giới hạn nguồn tuyển của các trường. Trong khi Bộ biết rõ hầu hết trường muốn tuyển sinh riêng và đã gửi đề án đều là những trường rất khó khăn trong tuyển sinh nhiều năm qua.
Sau “3 chung”, thi riêng là gì ?
Được hỏi về cách thức tuyển sinh sau khi bỏ kỳ thi 3 chung nên như thế nào, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trăn trở.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn đề xuất nên kết hợp một kỳ thi chung do Bộ tổ chức mỗi năm 2 đợt để các trường dựa vào đó xét tuyển. Việc xét tuyển này sẽ kết hợp thêm một số tiêu chí khác tùy theo đặc thù từng trường và ngành nghề chứ không nên làm như cách hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thì cho rằng, sau 3 chung các trường quay lại thi riêng nhưng kỳ thi riêng phải khác xưa và mang tầm cao hơn để phù hợp với thực tế. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa lý giải: “Thay vì chỉ kiểm tra và truyền đạt kiến thức đơn thuần như lâu nay, việc tuyển sinh và đào tạo cần phải đánh giá đúng năng lực và thái độ người học. Các trường cần phải có quan điểm rộng như vậy ngay từ khâu tuyển sinh. Và từ nay đến năm 2016 các trường cần chuẩn bị một phương thức tuyển sinh mới để đánh giá người học không chỉ kiến thức mà còn năng lực và thái độ”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang đề xuất Bộ có thể thành lập cơ quan tổ chức thi để các trường trong nước sử dụng kết quả xét thí sinh vào trường. Thậm chí, các trường quốc tế cũng có thể sử dụng kết quả này để đánh giá học sinh Việt Nam nộp đơn vào học.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng về lâu dài, để giảm phiền hà và tốn kém cho người học nên nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ nên sớm triển khai công việc này nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đội ngũ chuyên gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn.
Ý kiến Bộ cần hỗ trợ các trường để thực hiện quyền tự chủ Lê Viết Khuyến Đặt chất lượng lên hàng đầu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
(Theo Báo Thanh Niên)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)