Tin Tức Các Báo
InChọn sai ngành chưa hẳn đã cùng đường
Cập nhật 14/11/2013 - 08:52:10 AM (GMT+7)Nhiều bạn sinh viên đã học đến năm 2, năm 3 băn khoăn nhận ra chuyên ngành đang theo học không phù hợp với mình. Có người học tiếp vì không muốn phụ lòng cha mẹ, có người học vì “lỡ phóng lao phải theo lao”, cũng có người “lê lết rồi đứt gánh giữa đường”...
Các chương trình tư vấn tuyển sinh giúp nhiều bạn trẻ chọn ngành, chọn trường đúng hơn trước mỗi kỳ thi đại học
Chọn một giải pháp đúng khi đi nhầm đường như thế này không hề là chuyện dễ dàng.
Kẻ buông xuôi, người phấn đấu
Bạn Nguyễn Thị Đinh (quê Quảng Ngãi) từ nhỏ đã mê làm nhà báo, thi đậu ngành báo chí. Thế nhưng khi vào học Đinh nhận ra đây là một ngành không hề phù hợp với tính cách mình. Đinh ít nói, hay ngượng ngùng trong khi ngành học cần sự dày dạn, giao tiếp tốt... Gặp nhiều trở ngại, Đinh lơ là việc học, đến lớp chỉ để điểm danh. Đinh chia sẻ: “Mình đang định học một văn bằng về lưu trữ - văn thư, đồng thời cũng ráng học cho xong ngành báo để sau này dễ xin việc, dù sao ngành này hiện đang hot”. Vì học đại cho xong nên điểm số của Đinh lẹt đẹt đủ qua môn.
Còn Nguyễn Hồng Hạnh (quê Đồng Nai), học tài chính - ngân hàng, thì khổ sở hơn. Hụt hẫng vì ngành mình chọn không “hào nhoáng” như mình nghĩ, Hạnh học lê lết cho qua, ngày bạn bè nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc Hạnh ngậm ngùi vì phải ì ạch trả nợ các học phần. Hỏi về dự định trong tương lai, Hạnh ngán ngẩm: “Chọn học ngành này cũng vì thấy anh chị đi trước thành đạt, ai ngờ đâu... giờ tới đâu hay tới đó, chắc về quê làm rẫy”.
Nhưng không phải ai cũng vậy. Lỡ chọn sai ngành nhưng bạn Trần Thị Thạnh (quê Thanh Hóa) đã không hề “học cho có”. Học ngành tư tưởng Hồ Chí Minh, Thạnh đã đầu tư công sức tìm hiểu thật sâu về chuyên ngành, tích cực đi thư viện mượn sách báo đọc thêm, càng học Thạnh càng thấy ngành học thú vị, bổ ích. Tốt nghiệp loại giỏi, giờ đây Thạnh được tuyển vào làm giảng viên Học viện Chính trị - hành chính KV2 tại TP.HCM.
Sau khi vào học đại học một thời gian, bạn Đàm Thị Hồng Thơm (ngành văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tỏ ra bi quan với ngành mình đang học vì nghe thông tin cơ hội việc làm của ngành không cao. Tìm đến sự tư vấn động viên từ một giảng viên trong khoa, Thơm quyết định tiếp tục học thật tốt. Trong quá trình học Thơm luôn tìm hiểu thông tin việc làm từ nhiều nơi, đi làm thêm lấy kinh nghiệm... và sau khi ra trường, Thơm đã tìm được một công việc ổn định với mức lương kha khá.
Còn Hoàng Tuấn Cường (ĐH Bách khoa) thì quyết định từ bỏ ngành kỹ sư xây dựng để học văn bằng hai ngành lịch sử Trường ĐH KHXH&NV. Cường hào hứng: “Được học đúng chuyên ngành đam mê, mình luôn cảm thấy hào hứng và nỗ lực”.
Phải quyết định đúng
Thạc sĩ tâm lý - giáo dục Nguyễn Hữu Long cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bạn trẻ chọn nhầm ngành: do nhu cầu xã hội “bỗng dưng” thay đổi, do bản thân bị “ảo tưởng nghề nghiệp”, do bị chi phối bởi gia đình và yếu tố hấp dẫn của nghề... Bên cạnh đó một phần do công tác hướng nghiệp của trường THPT và bản thân học sinh chưa đánh giá đúng năng lực bản thân.
Theo ông Long, khi biết chọn nhầm ngành có bạn đã tự vượt qua, nhưng cũng có bạn rơi vào “vũng lầy” dẫn đến hụt hẫng, mất định hướng tương lai. Khi đó hãy học cách yêu lấy cái mình đang có và dám trải nghiệm. Không xác định được mình mong muốn gì thì đừng vội quay lưng. Hãy xem sự nhầm lẫn nghề nghiệp là một thử thách trong cuộc sống và cố gắng vượt qua. Đôi khi đó là cái duyên nghề nghiệp của mình và có thể bổ trợ tốt cho cuộc sống hay một phần công việc tương lai. Thay vì chán chường, học lê lết thì nên có cái nhìn lạc quan hơn. “Đã nhầm lẫn thì phải cố gắng chấp nhận và tìm cách vượt qua”, ThS Nguyễn Hữu Long chia sẻ.
“Còn khi đã xác định chắc rằng không thể đi tiếp được nữa thì nên chấm dứt sớm để chuyển sang hướng phù hợp hơn với mình, nhưng cần phải xem xét lại hoàn cảnh và điều kiện gia đình, năng lực bản thân”, ông Nguyễn Hữu Long tư vấn.
"Đừng nghĩ rằng chọn sai ngành là bạn đã thất bại" Ths NGUYỄN HỮU LONG |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)