Tin Tức Các Báo
InGiáo dục Việt Nam sau 2015: Trông chờ điều gì?
Cập nhật 25/09/2013 - 08:11:41 AM (GMT+7)Trong dự thảo mới nhất đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT có đưa ra một số giải pháp để thay đổi bộ mặt nền giáo dục Việt Nam. Trong đó, có tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam; đổi mới chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) và đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.
Giảm gánh nặng học hành
Theo Bộ GD-ĐT, so với CT&SGK hiện hành, định hướng xây dựng CT&SGK giáo dục phổ thông sau 2015 có nhiều điểm mới. Ban soạn thảo đề án cho biết có 9 điểm mới về CT&SGK sau 2015. Trong đó, chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Đổi mới toàn bộ các thành tố của quá trình giáo dục. Mục tiêu giáo dục mới tiếp cận những định hướng đúng đắn của mục tiêu giáo dục hiện hành, nhưng cần điều chỉnh, khắc phục hạn chế nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, đảm bảo phát triển toàn diện và phát huy tối đa tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhìn nhận, CT&SGK hiện hành còn bị cắt khúc, CT&SGK mới sau 2015 sẽ khắc phục điều này khi chương trình đảm bảo tính hệ thống và nhất quán. Chương trình mới sẽ được thiết kế thành một hệ thống xuyên suốt và nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, tránh được những hạn chế của chương trình hiện hành, bớt được sự trùng lắp, thấy được sự phát triển rõ từ thấp đến cao, bổ sung được những nội dung mới do cuộc sống yêu cầu… góp phần hạn chế quá tải. Gánh nặng học hành cho học sinh sẽ được giảm. Trong đó, đề án dự kiến đối với tiểu học sau 2015 học 3-6 môn và 4 hoạt động (chương trình hiện hành là 11 môn + 3 hoạt động). THCS học 8 môn và 4 hoạt động (hiện hành là 13 môn + 4 hoạt động), THPT học 3 môn bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (hiện hành là 13 môn + 5 hoạt động)... Như vậy, về mặt tổng thể, CT&SGK sau 2015 sẽ giảm tải được cho học sinh từ tiểu học đến THPT.
Dạy phân hóa và tích hợp
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi dạy học tích hợp số môn học ít đi, nội dung được xem xét thấu đáo, không bị chồng lấn giữa các môn. Khi dạy học tích hợp, có thể thấy rõ giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức một cách tổng hợp. Theo đó, năng lực vận dụng kiến thức, áp dụng vào thực tế cao hơn. Còn khi dạy học phân hóa, ở cấp THPT số môn học bắt buộc ít đi nhưng có nhiều môn hoặc chủ đề cho học sinh tự chọn. Sẽ thiết kế nhiều nội dung ở mức độ cao thấp khác nhau nhưng học sinh được học tự chọn. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ đáp ứng nhu cầu phát huy năng lực riêng của từng học sinh. Đánh giá tính khả thi của phương án đề xuất dạy tích hợp, phân hóa, Bộ GD-ĐT cho biết về dạy tích hợp, không gây ra sự xáo trộn về số lượng, cơ cấu giáo viên; không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Về dạy học phân hóa sẽ thay đổi khá căn bản ở THPT như bỏ hình thức phân ban, chuyển sang dạy học tự chọn, lớp 11, 12 học rất ít môn học bắt buộc. Các trường có thể chủ động lựa chọn các nghề ở địa phương, chủ động cùng doanh nghiệp, nhà máy, công ty địa phương liên kết dạy nghề này. Học sinh sẽ được học các môn hoặc các chủ đề tự chọn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tăng dần của các nhà trường. Mặt khác, do chưa chuẩn bị kịp nội dung môn học tự chọn mới, nên thời gian đầu các môn tự chọn chủ yếu là môn học cũ, có thêm một số môn học mới như kinh doanh, nghệ thuật… Sau đó tích cực chuẩn bị các môn học mới, cứ sau vài năm có thể tăng thêm. Liên quan đến vấn đề học phổ thông 9 năm, 10 năm, 11 năm hay 12 năm, trong đề án, ban soạn thảo nghiêng về quan điểm giữ 12 năm học phổ thông như hiện nay.
Mạnh dạn đổi mới thi và tuyển sinh
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
Theo Thứ trưởng Hiển, cần hướng tới việc học sinh làm được gì sau khi học. Trong thực tế, quan niệm về kiểm tra đánh giá còn hạn hẹp, chỉ coi trọng kết quả cuối cùng là học được gì. Trong khi đó, cách kiểm tra đánh giá theo quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải biết phát hiện những nhân tố nổi bật của học sinh để bồi dưỡng, phát huy; nhìn ra những yếu kém của học sinh để có hướng dẫn kịp thời, điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học, giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập. Đây là hướng đi coi trọng, tăng cường đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả giáo dục.
Được biết, Bộ GD-ĐT đang triển khai cách đánh giá mới, đó là đánh giá trên diện rộng. Cách đánh giá này không chỉ dựa vào kết quả, không nhằm vào từng đối tượng học sinh cụ thể, mà nhằm vào diện rộng. Nhưng tổng hợp lại có kết quả chung là học sinh làm được gì, phân tích điều tra được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục như yếu tố giáo viên, yếu tố cơ sở vật chất, chương trình, SGK; có cả những yếu tố của quá trình thực hiện như công tác quản lý của nhà trường, quản lý giáo viên… Khi tìm ra được mối tương quan giữa các tác động đó sẽ thay đổi chính sách, hướng tới kết quả tốt hơn.
Đối với tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: Dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc đổi mới trên sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn. Giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một số kỳ thi. Tác động tích cực trở lại việc dạy và học.
(GD Online)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)