1

Tin Tức Các Báo

In

Giai đoạn 2013-2015: Tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm

Cập nhật 13/09/2013 - 08:18:14 AM (GMT+7)

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 tổ chức sáng 11/9.

Tại Hội nghị Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Cuộc vận động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 đã được triển khai một cách sâu rộng trong tất cả các trường ĐH, CĐ toàn quốc, tạo ra một bước chuyển biến tích cực trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường ĐH,CĐ góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

9 hạn chế trong đảm bảo chất lượng giáo dục

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc phân cấp quản lý bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng còn có những hạn chế, cụ thể như: những sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe để chấm dứt các sai phạm. Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã xuất hiện một số hiện tượng thực hiện sai quy định ở một số trường trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh,…

Công tác đổi mới quản lý giáo dục đại học tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với thực tiễn; các công cụ pháp lý giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học chưa được hoàn thiện; thiếu các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, sự phối hợp giữa các đơn vị trong toàn hệ thống còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả (như sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, giữa các Bộ/ngành trong việc kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động liên kết đào tạo, đặc biệt là các lớp mở tại địa phương).

Trong thời gian tới các trường đại học trọng điểm sẽ tiếp tục được đầu tư. Ảnh minh họa.


Thứ hai, công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học còn chậm so với kế hoạch. Một số văn bản chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thứ ba, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học chậm được triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát huy được hiệu quả, chưa trở thành công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Thứ tư, việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm như: xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế; liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo (trong nước và quốc tế) sai quy định, bất chấp các quy định quản lý nhà nước về giáo dục đại học như: Trường Đại học Lương Thế Vinh; Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên; Trường CĐ Tài chính Hải quan; Trường CĐ ASEAN…

Thứ năm, về cơ bản các trường đã thực hiện 3 công khai theo quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện ba công khai còn mang tính hình thức, đối phó, nhiều trường chỉ công khai mức học phí, một số hoạt động đào tạo dẫn đến thiếu thông tin cho người học, công tác kiểm tra, giám sát bị hạn chế.

Thứ sáu, chương trình đào tạo chậm đổi mới, không gắn với thực tiễn; Các công nghệ mới và hiện đại về giáo dục đại học chưa được nghiên cứu và áp dụng; phương pháp giảng dạy lạc hậu; Khoa học về đánh giá chưa được nghiên cứu và áp dụng.

Thứ bảy, môi trường sư phạm trong nhà trường chưa được quan tâm xây dựng, việc nể nang, giảm nhẹ yêu cầu trong thi, đánh giá đã ảnh hưởng tới động cơ học tập của người học, tình trạng gian lận trong thi cử, sao chép luận văn, luận án, các đề tài khoa học trong các cơ sở đào tạo vẫn còn xảy ra, điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Thứ tám, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình; chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện chính sách tín dụng sinh viên, đến cuối năm 2012, tổng dư nợ đạt 35.802 tỷ đồng, với gần 2,4 triệu học sinh, sinh viên của gần 1,913 triệu hộ gia đình đã được vay tín dụng. Từ 01/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng mức cho vay từ 900.000 đ/sinh viên/tháng lên 1.000.000đ/sinh viên/tháng, đồng thời nâng mức lãi suất từ 0,5%/tháng lên 0,65%/tháng cho phù hợp với các chương trình khác. Đồng thời với các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và cán bộ giảng viên, cựu sinh viên của nhà trường xây dựng các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.


Thứ chín, tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ ở một số trường còn chậm, thiếu quyết liệt và còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và một bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức.

Thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong giai đoạn 2013-2015 việc đổi mới quản lí giáo dục đại học sẽ tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn này sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; việc thực hiện quy định pháp luật về liên kết đào tạo, tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; các điều kiện mở ngành đào tạo, việc cấp phát văn bằng; chuyển dần quản lý nhà nước về giáo dục nặng về hành chính sang quản lý chất lượng và từ quản lý nhà nước theo cách kiểm soát sang giám sát mọi hoạt động giáo dục. 

Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.

Quy hoạch nhân lực cho ngành sư phạm: Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và chấm dứt tình trạng đào tạo giáo viên vượt quá nhu cầu như hiện nay.Tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao và xây dựng một số chương trình giáo dục đại học đạt trình độ quốc tế, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đầu tư xây dựng một số trường đại học xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế.

Quy hoạch ngành đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của vùng miền, cân đối tỷ lệ đào tạo giữa các khối ngành một cách hợp lý. 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT hiện có 392/420 trường ĐH,CĐ đạt tỷ lệ 93,3% xây dựng cam kết chất lượng đào tạo. Tính đến tháng 8/2012, đã có 139 trường ĐH và 98 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá đạt tỷ lệ 50%... Cùng đó, đến cuối năm 2012, đã có 385/420 trường ĐH,CĐ đạt tỷ lệ 91,7% xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo. Về thực hiện cam kết thành lập trường, đến nay có 55/87 trường được kiểm tra có diện tích đất sử dụng lâu dài trên 5ha, có 14 trường có trên 20ha đất…

 (Theo GDVN)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin