1

Tin Tức Các Báo

In

Mổ xẻ chất lượng giáo dục Việt Nam

Cập nhật 26/08/2013 - 08:46:17 AM (GMT+7)

Trong hai ngày 22 và 23-8, Bộ GD-ĐT liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị hướng tới xã hội hỗ trợ chất lượng dạy và học tại Việt Nam. Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng ở Việt Nam đang có một khoảng cách lớn giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (GDTX).

Hội nghị đã thực sự thu hút sự quan tâm của xã hội khi có tới 250 đại biểu tới dự.
Bỏ chất lượng chạy theo số lượng?
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng tìm được đáp số cho bài toán quy mô và chất lượng là một  vấn đề rất khó. Về mặt lý thuyết, chúng ta không thể thu hẹp quy mô nhưng chú trọng hơn nâng cao chất lượng. Chỉ có điều giải bài toán này còn ở phía trước, sắp tới sẽ phải tìm ra lời giải. Đối với khu vực GDTX, ông Tiến cho rằng cần giải quyết bằng được sự đối xử không công bằng giữa giáo dục chính quy và GDTX. GDTX ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại, nhất là trong việc xây dựng xã hội học tập. Nhưng hiện nay, về mặt chính sách, chúng ta mới chỉ có những tuyên ngôn trên giấy. Trong thực tế thì chưa tốt. Ông Tiến cũng lấy ví dụ để chứng minh cho luận điểm của mình. Theo ông Tiến, Chính phủ Việt Nam đã ký vào hiệp định châu Á Thái Bình Dương về giáo dục cho người lớn là chi ngân sách cho GDTX là 6% trong tổng ngân sách chi cho giáo dục năm 2008. Nhưng hiện nay, chỉ hơn 2%. Còn theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở thì hiện nay, ở các trường sư phạm chưa có mã ngành gắn với GDTX.
Còn theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thì ở Việt Nam hiện có hơn 400 trường ĐH, không phải là nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Vấn đề là chất lượng của nó như thế nào. Ông Nhĩ cũng không đồng tình với quan điểm “bóp số lượng để nâng cao chất lượng” như một số chuyên gia giáo dục đưa ra hiện nay. 
Cũng về vấn đề chất lượng số lượng, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ quan điểm: Thứ nhất là bỏ số lượng để nâng cao chất lượng. Thứ hai là hai yếu tố này bổ sung cho nhau. Nhưng thực tế ở Việt Nam thời gian vừa qua, chúng ta đang triển khai theo hướng bỏ chất lượng để nâng số lượng! Đó là một thực tế không thể chối cãi. Bài toán chất lượng không chỉ riêng ở giáo dục chính quy mà phải toàn xã hội để xây dựng xã hội học tập.
Đội ngũ giáo viên: Thiếu năng lực

Tân cử nhân Trường ĐH Sài Gòn trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: A.Khôi

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở, Bộ GD-ĐT cho biết, hội nghị lần này theo 4 chủ đề chính từ góc nhìn ở các đối tượng liên quan trực tiếp tới chất lượng dạy và học ở các nhà trường là: Học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, gia đình và cộng đồng. Trong đó, đội ngũ giáo viên chính là một yếu tố quyết định tới chất lượng giáo dục. Nhưng theo nhiều đại biểu dự hội nghị thì đội ngũ nhà giáo của Việt Nam hiện nay đang có nhiều vấn đề cần bàn lại. Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, đội ngũ giáo viên hiện nay vừa có hiện tượng thiếu (đối với mầm non, vùng sâu vùng xa) vừa có hiện tượng thừa (đối với khu vực đồng bằng ở cấp học THCS). Năng lực nghề nghiệp của giáo viên chưa được như mong muốn. Trong khi đó, cường độ lao động của giáo viên thường quá tải. Theo bà Hồng, đối với giáo dục phổ thông, giáo viên thường phải làm việc 65 giờ/tuần. Còn đối với ĐH, tỷ lệ bình quân sinh viên/ giảng viên vẫn còn cao là 28,55 sinh viên/ giảng viên. Đặc biệt đối với các trường sư phạm thì tỷ lệ này là 55 sinh viên/ giảng viên. Đánh giá về các trường sư phạm, bà Hồng cho biết các trường hiện đào tạo còn chạy theo số lượng, chưa quan tâm tới chất lượng và nhu cầu của cơ sở, chương trình chú trọng nhiều tới logic môn học mà chưa gắn kết với thực tiễn, yêu cầu đổi mới giáo dục và đời sống xã hội. Mục tiêu đầu ra chưa chú trọng tới việc hình thành năng lực nghề giáo theo cấu trúc năng lực nghề nghiệp và nhân cách.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng chỉ ra những hạn chế đối với đào tạo giáo viên hiện nay. “Đào tạo giáo viên Việt Nam vẫn đang luẩn quẩn trong cái bẫy của sự đổi mới chắp vá với đặc trưng: Mẫu hình giáo viên vẫn là truyền thống; hệ thống đào tạo khép kín; quá trình đào tạo chia cắt. Chính vì hạn chế này mà đội ngũ giáo viên của Việt Nam hiện nay mất động lực trong dạy học và năng lực nghề nghiệp không đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, ông Tiến nói.
Trước những hạn chế này, ông Tiến cho rằng cần phải thay đổi cách đào tạo giáo viên theo hướng mẫu hình giáo viên chuyên nghiệp; hệ thống đào tạo mở và quá trình đào tạo liên tục. Bên cạnh đó đi kèm là các chính sách về đổi mới đào tạo giáo viên phải đồng bộ.
(Theo GDVN)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin