Kinh Nghiệm Ôn Thi
InGiải tỏa áp lực mùa thi
Cập nhật 23/05/2013 - 03:08:39 PM (GMT+7)Chỉ 10 ngày nữa học sinh lớp 12 cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nỗi âu lo về kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng gần kề cộng thêm kỳ vọng vào kết quả kỳ thi đã tạo áp lực tâm lý lên thí sinh càng nặng nề hơn...
Ba mẹ làm ngành y dược, từ bé đã được sắp đặt sẵn con đường nối nghiệp ba mẹ nhưng Phương Lan (Biên Hòa, Đồng Nai) không đam mê ngành học này. Bạn ước mơ thành kỹ sư hóa học. Xung đột về chuyện chọn trường trở nên căng thẳng hơn từ đầu năm học 12 và kéo dài đến tận những ngày này. Lan đã nộp bốn bộ hồ sơ, hai bộ theo ý thích của mình, hai bộ theo mong muốn của ba mẹ. Giờ bạn vẫn chưa thể quyết định sẽ dự thi ngành nào, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì chuyện “phải đậu trường y”, lại thêm vất vả vì phải học bài hai khối A, B...
Rối loạn lo âu
TS Nguyễn Thị Bích Hồng - trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nói: Những ngày này học sinh lớp 12 đang ráo riết ôn tập. Một số em do chưa có kế hoạch ôn tập khoa học, bài vở bị dồn ứ vào giai đoạn cuối, gây căng thẳng.
Thêm vào đó, những học sinh 18 tuổi sắp rời trường phổ thông còn hoang mang về tương lai mình sẽ làm gì, học trường nào...
Một số em có hướng đi rõ ràng cho đời mình với niềm tin chắc chắn vào tương lai nhưng số này không nhiều. Số đông học sinh còn chưa biết rõ mình đam mê gì, sở trường của mình ra sao cũng như thiếu thông tin về nghề nghiệp nên lúng túng khi nghĩ về tương lai. Nhiều em đã làm hồ sơ thi ĐH, CĐ nhưng không chắc nghề đó có hợp với mình không, có thể thành công không...
Sự căng thẳng không chỉ từ bản thân người trong cuộc. TS Nguyễn Thị Bích Hồng nêu thực trạng các trường phổ thông đang ở trong không khí ráo riết ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp.
Thầy cô dốc sức cho học sinh. Học sinh cảm nhận tất cả mọi người xung quanh mình như đang trong cuộc đua, điều này gây thêm sự căng thẳng tâm lý. Về nhà, cha mẹ cũng lo âu không kém, nhiều lúc truyền sang con làm gia tăng nỗi lo lắng. Chưa kể nhiều gia đình thúc ép, đặt kỳ vọng về kết quả thi lên vai con, mọi thứ trở thành gánh nặng, điều này là một bất lợi tâm lý khi ngày thi gần kề.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Trung Nghĩa, giảng viên bộ môn tâm thần khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng góp phần giúp trẻ vững hơn để vượt qua những kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT, thi ĐH... nhưng việc này chưa được quan tâm đúng mức.
Bác sĩ Nghĩa cho biết: một trong những triệu chứng phụ huynh đưa con đi khám do những rối loạn thích ứng là trẻ hay quên. Thật ra việc này do trẻ mất tập trung, mau quên, học kém dần. Bình thường trẻ thuộc bài rất nhanh, một ngày có thể học thuộc ba bốn bài tập nhưng trong mùa thi xảy ra tình trạng chỉ học một bài nhưng học hoài không thuộc. Đây là triệu chứng căng thẳng về tâm lý.
Điểm tựa tinh thần
Các bác sĩ tâm lý cho rằng gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện tốt cho trẻ vượt qua những áp lực trong cuộc sống, thi cử. Thứ nhất, không nên đặt mục tiêu quá cao. Nhiều phụ huynh đặt mục tiêu cho con quá cao, cứ nghĩ sẽ tạo trợ lực cho con nhưng họ không biết về mặt tâm lý con mình đang đứng bên bờ vực hay trên đường tiến. Nếu trẻ đang đứng bên bờ vực của sự mất bù về mặt tâm lý thì việc cha mẹ đặt mục tiêu cao đã vô tình đẩy con rơi xuống vực. Thứ hai, việc chọn nghề không hợp với tính cách, không đúng sở thích cũng tạo ra áp lực căng thẳng...
Cô Lê Phạm Phương Lan, giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai), cho rằng: các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những lo lắng trong mùa thi cần giải tỏa nhằm chia sẻ cùng con. Bởi có những trường hợp khả năng học tập còn hạn chế, thường mang theo tâm lý bi quan, không tự tin vào chính mình, khi nghĩ đến tương lai không sáng sủa của mình càng trở nên thất vọng. Nếu không có sự quan tâm kịp thời, chu đáo từ phía gia đình, các cháu sẽ dễ buông xuôi, sa ngã...
Cha mẹ hãy sát cánh với con trong mùa ôn thi bằng những việc làm cụ thể, cần thiết như nhắc nhở con dậy sớm học bài và ngủ nghỉ đúng giờ. Nhắc con không nên học ôn quá khuya ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi. Kiểm soát lịch học của con chặt chẽ nhưng tránh gây cảm giác ngột ngạt, chán nản. Nấu cho con những bữa ăn đảm bảo hợp lý và đầy đủ về dinh dưỡng. Sau mỗi buổi học nên đi bộ với con để thay đổi không khí. Chủ động rủ con đi chơi những môn thể thao nhẹ nhàng như cầu lông, đạp xe...
Đừng để trẻ thấy mình là người vô dụng Bác sĩ Nghĩa nêu một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ bị rối loạn thích ứng tỉ lệ cao đến 8-10%. Trong khi ở VN rất ít quan tâm đến các bệnh lý về tâm lý, tâm thần nên không được điều trị kịp thời. Phần lớn trẻ phải tự vượt qua những căng thẳng và tự hồi phục. Nhưng việc này sẽ tác động không tốt về sau. Những biểu hiện thường thấy là trẻ sẽ rơi vào trầm cảm lo âu, buồn phiền, giao tiếp xã hội kém đi, kết quả học suy giảm mạnh... Trẻ cảm thấy thua kém với bạn bè, tự ti với bản thân, cảm thấy mắc tội với gia đình vì mình là người vô dụng và dẫn đến việc tự tử. Nhiều kết quả nghiên cứu về tâm lý, tâm thần ở VN cho thấy áp lực học tập là một trong những nguyên nhân cao nhất đưa đến việc tự tử ở trẻ. |
Các Nội Dung Liên Quan
- Ôn thi môn sinh học: Không học thuộc lòng lý thuyết, chú ý 4 chương bài tập (31/05/2019)
- Ôn thi môn tiếng Anh: trau dồi vốn từ vựng, vững ngữ pháp (31/05/2019)
- Ôn thi môn lịch sử: Nắm chắc kiến thức cơ bản sách giáo khoa (31/05/2019)
- Bí quyết ôn thi Ngữ văn hiệu quả (06/05/2019)
- Tăng tốc ôn thi (05/04/2019)
- 9 dạng câu hỏi thường xuất hiện trong bài Đọc hiểu tiếng Anh THPT quốc gia (23/01/2018)
- Kinh nghiệm luyện thi đại học hiệu quả (20/01/2018)
- Ôn thi THPT quốc gia: Cần hệ thống hóa để nắm chắc kiến thức môn văn (14/02/2017)
- Tự học thế nào cho hiệu quả? (10/01/2017)
- Phương pháp ôn thi hiệu quả – Kinh nghiệm làm bài thi (22/12/2016)