Tin Tức Các Báo
InCử nhân đại học treo bằng đi làm công nhân
Cập nhật 30/03/2013 - 07:50:33 AM (GMT+7)Những sinh viên ra trường luôn mong muốn có một việc làm ổn định phù hợp với chuyên ngành. Tuy nhiên hiện có không ít sinh viên khi ra trường phải "treo" tấm bằng cử nhân đi bán hàng đa cấp hay làm công nhân để chờ cơ hội đến.
Đến nay tỉnh Bình Định vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số sinh viên (SV) ĐH, CĐ tốt nghiệp ra trường cũng như con số SV ra trường không có việc làm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bình Định những năm gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ qua Sở lên đến trên 50.000 hồ sơ. Hàng năm, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đào tạo cả chục ngàn SV ra trường, đó là chưa kể hệ trung cấp nghề.
SV ra trường nhiều, trong khi các doanh nghiệp, công ty yêu cầu những lao động tay nghề có chuyên môn hay phải có kinh nghiệm 1 - 2 năm. Trong khi đó, chỉ tiêu thi vào cơ quan công chức nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì lẽ đó không ít SV ra trường rất khó có cơ hội tìm việc làm. Người may mắn xin được việc làm, người thì lại làm trái với chuyên môn, số nữa bất đắc dĩ phải làm nhân viên tiếp thị, bán café, làm công nhân…
Vẻ mặt đầy tâm trạng của cô gái trẻ tay cầm bộ hồ sơ đang đưa mắt tìm xem có công ty, doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động phù hợp với chuyên ngành mình. “Em tìm nảy giờ mà công ty nào cũng yêu cầu kinh nghiệm làm việc từ 1 trở lên. Không cho thử việc thì lấy đâu ra kinh nghiệm…” - Phạm Thị Thu Trang (quê ở thị xã An Nhơn, Bình Định) tốt nghiệp ngành Kế toán, trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi) chia sẻ.
Tốt nghiệp gần 2 năm nhưng đi xin việc chỗ nào cũng yêu cầu kinh nghiệm, có công ty vẫn nhận hồ sơ nhưng hẹn phỏng vấn sau, chờ dài cổ vẫn không thấy gọi. “Chán quá nên em phải đi làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, lương tháng cũng chẳng bao nhiêu nhưng quan trọng là chẳng đúng với chuyên môn em học ra” Trang cho biết.
Không chỉ Trang mà chồng chị là anh Đỗ Ngọc Tiến (SN 1976, ở TP Quy Nhơn), anh Tiến tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh trường ĐH Quy Nhơn năm 2005 nhưng đến nay vẫn là người thất nghiệp. “May mắn khi ra trường mình xin vào công ty nào cũng nhận nhưng lương bổng không ổn định nên cũng thay đổi liên tục. Chán làm ở trong nước nên qua Singapore làm một thời gian hết hợp đồng lại về quên. Đến khi tìm được chỗ làm lương tạm ổn thì công ty lại hết việc cho nghỉ nên giờ lại thất nghiệp. Hai vợ chồng mới cưới nhau nhưng cả hai đều đang thất nghiệp, dù muốn sinh rồi nhưng cũng phải đợi xin được việc ổn định rồi mới tính” - anh Tiến tâm sự.
Một cán bộ Phòng Tư vấn Giới thiệu - Cung ứng lao động thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định chia sẻ: “Do những năm gần đây một số ngành như tài chính ngân hàng, kế toán ra trường thường dễ xin việc nhưng đã đến lúc bão hòa. Hiện tại các doanh nghiệp, công ty tuyển lao động qua trung tâm cần tuyển lao động có tay nghề thuộc lao động phổ thông hơn là những sinh viên các ngành này. Trong khi đó số lượng tuyển vào các bộ phận quản lý rất ít, SV mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, tình trạng SV ra trường ngành này khó tìm được việc như ý muốn”.
Con đường xin việc của SV ngành Kinh tế, được xem ngành được ưa chuộng hiện nay còn lâm vào bế tắc, nói gì đến một số lượng không ít SV khối ngành Sư phạm lại càng "thê thảm". Sẽ có nhiều trường hợp chắc không bao giờ dám mơ có một ngày được đứng trên bục giảng dạy học trò như mơ ước.
Đó là chưa kể một sinh viên ngành Sư phạm muốn đi dạy cần phải có "tiền lót đường". Vừa tốt nghiệp Tổng hợp Sinh Trường ĐH Quy Nhơn năm vừa ngoái mang theo mơ ước được làm cô giáo của cố giáo thất nghiệp Phạm Thùy Dung ở xã miền núi nghèo của tỉnh Phú Yên trở nên quá xa vời. Dung chia sẻ: “Ngành em học chính là đi dạy nhưng nếu không đi dạy có thể làm bên y tế nhưng khổ nỗi xin việc bây giờ đâu phải dễ. Dù cũng có người quen làm ở huyện nhưng để được đi dạy cũng phải lo lót còn không quen thì cả 60 -70 triệu đồng, có bán cả gia tài cũng không chạy ra số tiền lớn như vậy. Em dự định sẽ kiếm việc gì làm thêm học lên cao học may ra con đường xin việc sẽ rộng mở hơn..”.
(Theo Dân Trí)
Các Nội Dung Liên Quan
- Đề nghị Bộ trưởng quy định rõ nội dung dạy học trên truyền hình, trực tuyến (23/03/2020)
- Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở (18/03/2020)
- Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19 (04/03/2020)
- Lúng túng việc cấp bằng kỹ sư hay cử nhân (04/03/2020)
- Covid-19, lùi lịch thi THPT quốc gia, có ảnh hưởng tới xét tuyển đại học? (04/03/2020)
- Điểm chuẩn 2019: Các trường ĐH công bố khi nào? (06/08/2019)
- Hướng dẫn thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học 2019 (19/07/2019)
- Từ kết quả thi THPT quốc gia 2019: Điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng (16/07/2019)
- Điểm chuẩn dự kiến tăng, thí sinh 'chạy đua' điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? (16/07/2019)
- Có gì tại ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2019? (16/07/2019)