1

Tin Tức Các Báo

In

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục - Học thật, thi thật

Cập nhật 29/03/2013 - 08:10:48 AM (GMT+7)

Trong khi chưa có những thay đổi tận gốc từ các cấp cao hơn để loại bỏ hành động gian dối trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung, các trường đã tự thân tìm những giải pháp hạn chế thực trạng này. 

Sử dụng phần mềm phát hiện sao chép

Từ năm 2010, nhằm tránh tình trạng quay cóp trong thi cử, Trường ĐH Lạc Hồng quy định bắt buộc với môn tự luận mỗi môn phải có 16 đề thi, trắc nghiệm phải từ 100 câu trở lên. Chưa kể, nhiều năm nay, trường cũng sử dụng phần mềm kiểm tra, phát hiện những phần tài liệu tham khảo trích dẫn có sao chép để tránh tình trạng sinh viên (SV) đạo luận văn, đồ án, đề tài nghiên cứu khoa học...

Quyết tâm xóa bỏ gian lận ra khỏi giảng đường, đầu năm học này, SV Trường ĐH Hoa Sen phải viết những cam kết như: Có ý thức về vấn đề đạo văn và biết trích nguồn đúng cách; không đạo văn dưới mọi hình thức; trích nguồn, ghi chú đầy đủ thông tin của tài liệu khi sử dụng...

Cũng từ năm học này, trước kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ, nhiều trường ĐH tổ chức các cuộc vận động nhằm hướng SV hình thành ý thức trung thực trong học tập, thi cử. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có cuộc vận động “Học chất lượng - Thi nghiêm túc”; các trường ĐH như: Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Nông nghiệp Hà Nội… với phong trào “Mùa thi nghiêm túc”; chương trình “Ôn hiệu quả - Thi nghiêm túc” của Trường ĐH Kinh tế Hà Nội… Theo đó, SV chủ động lập kế hoạch ôn tập, nghiên cứu tài liệu, tích cực trao đổi, tìm hiểu nhằm xây dựng đề cương ôn tập tốt nhất; tuyệt đối trung thực trong thi cử…

“Giám thị” máy quay

Tại Hà Nội, một số trường ĐH đã tiến hành lắp máy quay trong phòng học với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc giám sát các kỳ thi. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã lắp đặt hệ thống máy quay từ 7 - 8 năm trước và trải rộng trên hơn 30 giảng đường lớn. Lãnh đạo trường này cho biết điều này đặc biệt hữu ích trong việc quản lý thi cử. Học viện Báo chí tuyên truyền cũng lắp đặt hệ thống máy quay trong phòng học, sử dụng vào những kỳ thi quan trọng và coi đây là những “giám thị”. Mới đây, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế) đầu tư 300 triệu đồng để lắp đặt 50 máy quay tại các phòng học và hành lang nhằm giám sát chất lượng dạy và học của giảng viên, SV.

Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục

SV tại TP.HCM ký cam kết trung thực trong giáo dục và nói không với đạo văn tại hội thảo “Facebook and face a book”


Biện pháp mạnh với gian lận

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất mạnh tay với các biểu hiện vi phạm trong thi cử. Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Dù đầu vào của trường rất cao nhưng chúng tôi cũng không vì thế mà lơ là đầu ra. Hằng năm có gần 20% sinh viên không được tốt nghiệp ra trường vì chưa đủ tiêu chuẩn”. Còn ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, khẳng định: “Kỳ thi hết môn cũng được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ như thi tuyển sinh ĐH hoặc thi tốt nghiệp ra trường”.

Trong khi đó, Đặng Thanh Nga, SV Khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Thăng Long, cho hay: “SV không dám nghĩ tới chuyện quay cóp trong phòng thi. Đơn giản vì  những SV đi trước nếu vi phạm quy chế thi đều bị xử lý, cho học lại, thi lại, thậm chí không thể tốt nghiệp ra trường”. Cũng theo SV này, nhiều môn thi cho phép SV sử dụng tài liệu thoải mái. Thế nhưng, sẽ không thể làm được bài nếu dựa vào tài liệu vì cách ra đề thi đòi hỏi người học phải vận dụng kiến thức tổng hợp, hiểu bài và tích lũy kiến thức cả quá trình học mới làm bài được.

Kiến thức thật không cần bằng cấp

Chương trình IPL (Hạt giống lãnh đạo) hoạt động từ 3 năm nay là một trường hợp khá đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Từ gần 2.000 hồ sơ gửi về, chỉ khoảng 40 học viên được lựa chọn. Các học viên này trải qua một quá trình tuyển chọn, học tập vất vả qua 5 vòng thi tuyển, 9 tháng học tập, 5 năm trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng những người tốt nghiệp sẽ không nhận được bất kỳ một bằng cấp nào. Điều họ có được chỉ là giá trị thật sự của kiến thức và sự trải nghiệm thực tế tại những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Ông Giản Tư Trung, Chủ nhiệm chuyên môn chương trình IPL, cho biết: “Chúng ta đang sống trong bối cảnh sự học có nhiều vấn đề băn khoăn. Nhiều chuyện xảy ra dẫn đến việc chúng ta có thành tích tốt hơn nhưng giá trị lại ảo. Chúng tôi luôn quan niệm không coi thường bằng cấp nhưng có nhiều thứ quan trọng hơn bất cứ tấm bằng nào. Chẳng hạn học làm sao cho ra một con người, một sự nghiệp, đóng góp cho đời một giá trị. Bởi vì học thật mới có năng lực thật để làm thật, làm thật mới có sự nghiệp thật. Đến học còn giả dối nữa thì không còn gì thật nữa!”.

Ngăn chặn gian lận, đạo văn ở một số nước

Canada: Nhiều trường ĐH hướng dẫn cho SV và giảng viên về vấn đề đạo văn trên các trang mạng. Chẳng hạn, ĐH Alberta yêu cầu giảng viên nói rõ cho SV biết về các khái niệm như  đạo văn, sở hữu trí tuệ, phối hợp làm bài..., đồng thời chỉ SV cách trích dẫn tài liệu hợp lý. ĐH Simon Fraser còn cảnh báo sẽ phạt nặng từ khiển trách cho đến đình chỉ học tập đối với những trường hợp vi phạm đạo văn.

Úc: Nhiều ĐH ở Úc cũng đăng trên website của mình về đạo văn và cách tránh vấn đề này. Ngoài việc định nghĩa và nêu các vấn đề quan ngại về đạo văn, ĐH Deakin đang dùng chương trình phần mềm Turnitin, cho phép phát hiện những điểm giống nhau giữa bài luận của SV với các nguồn tài liệu, những trường hợp vi phạm sẽ bị cảnh cáo, bị phạt 500 AUD hoặc cho 0 điểm.

Mỹ: Trung tâm thi cử đại học (UTC) thuộc University of Central Florida được cho là tiên phong trong cuộc chiến chống gian lận thi cử. Theo đó, trong lúc làm bài thi, thí sinh không được nhai kẹo cao su (vì có SV làm giả động tác này để nói chuyện điện thoại với người bên ngoài). Máy tính sử dụng trong phòng thi đều được để nằm ngửa trên mặt bàn. Giấy nháp có đánh dấu ngày thi và sẽ bị thu lại sau đó.

Trung Quốc: Nhằm ngăn chặn nạn gian lận, hồi năm 2011, một trường THCS tại thành phố Vũ Hán tổ chức cho học sinh  làm bài thi ngoài sân trường, mỗi em một bàn, với khoảng cách hơn 2 m. Trong kỳ thi ĐH quốc gia diễn ra vào tháng 7 hằng năm, giới chức tỉnh Hà Nam cho đài truyền hình phát sóng trực tiếp và giám sát các đoạn quay tại tất cả các điểm thi trong tỉnh. Từ đầu năm 2013, các trường ĐH ở Trung Quốc được phép giữ lại các văn bằng tốt nghiệp nếu cá nhân nào đó bị phát hiện đạo văn hay gian lận trong việc viết luận án. SV nằm trong diện nghi ngờ gian lận sẽ bị cấm nộp đơn học lấy bằng khác trong 3 năm. Ngoài ra, SV, giảng viên và nhân viên tại các trường ĐH có thể bị đình chỉ, cách chức hoặc bị trục xuất khỏi trường nếu phát hiện gian lận.

(Theo Báo Thanh Niên)

Các Nội Dung Liên Quan


Một Số Hình Ảnh

Xem Tất Cả

VIDEO CLIPS

photo-178
photo-106
photo-99
photo-100
photo-101
photo-76

Thông Tin