1

Công Tác Giáo Dục

In

Hiểu cho đúng khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” để chống lại các quan điểm lệch lạc, sai trái

Cập nhật 11/08/2009 - 12:44:44 PM (GMT+7)
Có nhiều biện pháp để làm thất bại các quan điểm sai trái, mà một trong những cách làm có hiệu quả là phải nắm chắc, hiểu sâu sắc khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được xem như là chìa khóa để mở cửa đi vào kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là chìa khóa để chống lại một cách có hiệu quả những luận điệu thù địch và sai trái.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có một quá trình hình thành và phát triển từ trước năm 1911 đến khi Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta. Đảng ta có một quá trình phát triển nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”(1). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) có điểm mới là “nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”(2), và khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc ta”. Cương lĩnh 1991 khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”.

Sau 10 năm, với những thành tựu to lớn nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước, tại Đại hội IX (4-2001), Đảng ta có bước phát triển trong nhận thức và tư duy lý luận khi khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(3).

Hai năm sau, Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở định hướng cơ bản của Đại hội IX, đã bước đầu định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng XHCN; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người”(4).

Từ Đại hội IX đến nay, Đảng ta, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là giá trị to lớn của tư tưởng đó đối với dân tộc và nhân loại.

Cũng cần nhắc lại rằng, tại Hội thảo Quốc tế về Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, năm 1990, các đại biểu dự Hội thảo đều nhất trí khẳng định tư tưởng và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần của Đại hội đồng UNESCO năm 1987 khi khẳng định “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, các thế lực thù địch vẫn tìm nhiều cách xuyên tạc, bóp méo để cuối cùng đi tới phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Có nhiều biện pháp để làm thất bại các quan điểm sai trái, mà một trong những cách làm có hiệu quả là phải nắm chắc, hiểu sâu sắc khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được xem như là chìa khóa để mở cửa đi vào kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là chìa khóa để chống lại một cách có hiệu quả những luận điệu thù địch và sai trái.

1. Trước hết phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

“Hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam” là nhiều quan điểm liên hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện rõ tính liên tục, nhất quán. “Toàn diện” là bao quát nhiều lĩnh vực. Đó là tư tưởng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự, ngoại giao... Đại hội IX chỉ rõ, đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”. Trong văn kiện của một Đại hội Đảng không thể nêu hết hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ di sản Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu còn làm rõ nhiều nội dung có giá trị to lớn khác không chỉ về cách mạng Việt Nam mà cả về cách mạng thế giới như tư tưởng dân chủ; tư tưởng ngoại giao; tư tưởng hội nhập, hòa bình, hợp tác và phát triển; phương pháp cách mạng và phong cách; v.v.. Điều này hoàn toàn phù hợp với Đại hội đồng UNESCO khi khẳng định Hồ Chí Minh “để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại...; là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(5).

“Toàn diện nhưng sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, nghĩa là không phải tất cả mọi vấn đề đều gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở đây cần hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh như là những tư tưởng chính trị theo nghĩa rộng, gồm tư tưởng về mục tiêu cách mạng: độc lập dân tộc và CNXH; về mục đích cách mạng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về lực lượng cách mạng: toàn dân tộc lấy công-nông làm gốc, đoàn kết quốc tế; về nền tảng lý luận: chủ nghĩa Mác-Lênin; về tổ chức cách mạng: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận đoàn kết toàn dân; về phương pháp cách mạng: động viên toàn dân, tổ chức toàn dân; v.v.. Tóm lại, đó là “giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản”.

Nhận thức như vậy tránh được các khuynh hướng sai lầm và xuyên tạc cho rằng không có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà chỉ một vài phát biểu ngắn gọn của Người; hoặc cái gì cũng quy về tư tưởng Hồ Chí Minh mà không hiểu tư tưởng của Người chỉ gắn với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Đáng phê phán nhất là các quan điểm hết sức nguy hiểm. Họ thừa nhận những vấn đề nêu trên (sau khi không đủ khả năng bác bỏ), nhưng lại cho rằng hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc đó chỉ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, không có trong cách mạng XHCN. Chiều sâu thâm độc của loại quan điểm này là nhằm đi đến phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay chúng ta khẳng định quyết tâm của Đảng và nhân dân ta là xây dựng đất nước theo con đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH thì đồng nghĩa với việc phủ nhận công cuộc đổi mới.

Để phê phán quan điểm này, cần nhận thức rõ trong khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh có nói “từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng XHCN”. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là trở lại cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ cần nêu mấy điểm chính.

Một là, Hồ Chí Minh khẳng định cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là giành được độc lập dân tộc rồi phải đi tới CNXH. Điều này hoàn toàn xa lạ với việc cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường phong kiến và tư sản.

Hai là, trong di sản để lại, Hồ Chí Minh nhiều lần nói đến cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải đi tới cách mạng XHCN thì mới thắng lợi triệt để. Người có trên hai mươi lần nêu quan điểm của mình như là những định nghĩa về CNXH. Nếu hiểu Di chúc là kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh và là tầm vóc của một Cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, thì ít nhất hai lần Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp tới CNXH trong văn kiện vô giá này. Người dặn lại việc đào tạo đoàn viên và thanh niên thành những người thừa kế xây dựng XHCN vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người tin tưởng những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong sẽ là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi CNXH ở nước ta”(6).

Ba là, các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh cho ta một cái nhìn khá sâu sắc và toàn diện về đặc trưng bản chất của CNXH ở Việt Nam. Đó là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại nhằm bảo đảm đời sống vật chất; có văn hóa đạo đức tốt đẹp, xã hội công bằng, văn minh nhằm bảo đảm đời sống tinh thần; các dân tộc trong nước đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đoàn kết, hợp tác hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới...

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin (hoặc là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin) vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Một số ý kiến cho rằng những vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng theo con đường cách mạng vô sản như mục tiêu, lực lượng, lãnh đạo, phương pháp, đoàn kết, nền tảng lý luận, v.v… đều đã được đề cập trong học thuyết Mác-Lênin; thậm chí đã được Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, ông cha ta trong lịch sử hàng nghìn năm bàn tới.

Chúng ta không phủ nhận nhiều vấn đề đã được Mác, Ăngghen, Lênin, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, cha ông ta đề cập; thậm chí, nhiều vấn đề được đề cập sâu trong học thuyết mácxít như mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng nhân loại, Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng, đoàn kết, xây dựng nhà nước, vai trò lý luận, v.v… Khổng Tử bàn nhiều tới đạo đức và ưu điểm của ông là tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn Dật Tiên xây dựng chủ nghĩa Tam dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc... Nhưng chúng ta phải phủ nhận quan điểm cho rằng hễ đã có người đi trước đề cập thì người sau chỉ là nói theo, nói lại.

Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh nói rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là “kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”. Rõ ràng là khái niệm cho ta biết Hồ Chí Minh nắm chắc chủ nghĩa Mác-Lênin và hiểu rõ điều kiện nước ta. Điểm chốt ở đây là “điều kiện cụ thể của nước ta”. Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(7). Điều kiện nước ta không giống các nước khác, ít nhất trên hai điểm: Truyền thống lịch sử, văn hóa, con người và nước thuộc địa thời cận đại. Hai điểm này không hoàn toàn tách bạch, mà có sự tiếp nối. Nhưng cũng có nội dung chỉ có trong thời kỳ thuộc địa. Nhận thức như vậy để thấy rằng Hồ Chí Minh không viết lại, nói lại các bậc thầy và những gì trong truyền thống dân tộc; ngược lại, Người đã khắc phục những hạn chế của truyền thống và thiếu hụt trong chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hạn chế lớn nhất của giá trị truyền thống là lý luận khoa học. Thiếu hụt lớn nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin là những tư liệu lịch sử của các nước thuộc địa phương Đông. Hồ Chí Minh đã lấp đầy những khoảng trống đó. Chỉ cần nêu một số điểm tiêu biểu cũng thấy rõ rằng, nếu Hồ Chí Minh không vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta thì không thể có thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu ở các nước tư bản là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Còn ở Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với bọn đế quốc xâm lược và phong kiến tay sai.

Thứ hai, theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng ở Việt Nam trước hết nhằm mục đích giải phóng dân tộc (theo con đường cách mạng vô sản). Vấn đề này ở các nước tư bản châu Âu cơ bản đã được giai cấp tư sản làm. Vì vậy, trong chủ nghĩa Mác-Lênin bàn trước hết tới đấu tranh giai cấp và giải phóng giai cấp.

Thứ ba, quan điểm về Đảng và xây dựng Đảng ở các nước thuộc địa cũng không giống ở các nước tư bản châu Âu. Đảng Cộng sản ra đời ở nước Việt Nam thuộc địa phải có thêm yếu tố phong trào yêu nước và ngay từ đầu Đảng đã cắm rễ sâu trong lòng dân tộc.

Thứ tư, quan điểm về đoàn kết theo Mác “Giai cấp vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”, và Lênin “Giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” không thể áp dụng máy móc vào Việt Nam, nơi phải đoàn kết “đồng bào”, toàn dân tộc, mọi con dân nước Việt, con Lạc cháu Hồng.

Thứ năm, ở nước Việt Nam hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế và gần trăm năm dưới chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, một trong những vấn đề phải đặt lên hàng đầu là thực hành dân chủ và đạo đức.

Thứ sáu, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, kinh tế và tư duy nông nghiệp lạc hậu, khoa học-kỹ thuật kém phát triển không thể làm theo cách mà các nước đã trải qua chủ nghĩa tư bản như ở châu Âu. v.v…

Vì không nhận thức sâu sắc những vấn đề nêu trên nên có người nghĩ rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam cũng giống Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Trong lúc đó sự khác nhau là rõ rệt. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là cách mạng vô sản: đánh đổ giai cấp tư sản, mục đích là thiết lập nền chuyên chính vô sản, lực lượng công-nông là chủ yếu, quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội... Còn cách mạng Việt Nam tháng 8-1945 là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản: đánh đổ bọn đế quốc xâm lược, mục đích là giành độc lập dân tộc, lực lượng cách mạng là toàn dân tộc lấy công-nông làm gốc, quá độ gián tiếp lên CNXH...

Nếu Hồ Chí Minh không vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta để xây dựng hệ thống lý luận cách mạng soi đường cho cách mạng Việt Nam thì làm sao chúng ta có thắng lợi nhanh gọn trong thời gian chưa đầy hai tuần của Tháng Tám năm 1945? Và tiếp theo là thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, quá độ lên CNXH khi cả nước có chiến tranh với tư duy “chủ nghĩa xã hội thời chiến”.

Trong “khái niệm” có nói tới tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều này cần được hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh không phải xuất hiện từ một mảnh đất trống không, mà trên nền dân tộc. Điều cần nhấn mạnh là dưới ánh sáng cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã nâng cao các giá trị truyền thống lên một chất mới, trình độ mới, tạo nên sức mạnh mới trong thời đại mới. Hồ Chí Minh cũng tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại. Người đã làm giàu trí tuệ của mình và trí tuệ dân tộc bằng những giá trị văn hóa phương Đông như đạo đức, chủ nghĩa tập thể, lòng từ bi hỷ xả... và những giá trị văn hóa phương Tây như đề cao vai trò cá nhân, truyền thống và phong cách dân chủ, những vấn đề về nhân quyền, dân quyền... Chúng ta cần nhận thức rằng, Hồ Chí Minh không phủ nhận các giá trị Đông, Tây, kim, cổ. Ngược lại, Người là số ít trong các nhân vật đã trở nên huyền thoại ngay khi còn sống, vì trong khi chống thực dân Pháp, Người vẫn quý trọng, đề cao văn hóa Pháp; chống xâm lược Mỹ, vẫn đề cao truyền thống và ý chí đấu tranh giành độc lập của người Mỹ. Người trả lời các nhà báo: “Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(8).

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, vì vậy cần được đối xử như một khoa học. Hiện nay, có một số lực lượng thù địch đang cố tình đưa ra những quan điểm thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ và cuối cùng đi tới phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh song cũng lại có một số quan điểm sai trái, lệch lạc do không nghiên cứu thấu đáo dẫn tới không hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Loại ý kiến này - hoặc vô tình hay hữu ý - đều có thể tiếp tay cho các quan điểm thù địch. Để phê phán và chống lại các quan điểm sai trái phủ nhận hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần hiểu đúng, hiểu sâu, nắm chắc khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người. Phải coi khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh là chìa khóa mở cửa đi vào nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H, 1987, tr.125

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb ST, H, 1991, tr.127.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.83-84.

(4) Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2003, tr.19.

(5) Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb KHXH, H, 1990, tr.9

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG,H, 1996, t.12, tr.504.

(7) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.272.

(8) Xem: Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1997, tr.43.

Theo Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương