1

Kỹ Năng

In

Trưởng thành qua những mùa chiến dịch

Cập nhật 16/07/2009 - 02:30:30 PM (GMT+7)
Góp vào dàn đồng ca nơi vùng quê yên ả mùa hè năm 1994 là những tiếng cười nói râm ran của thầy trò lớp xóa mù chữ. Bằng những ngày hè quý giá của mình, 700 sinh viên tình nguyện đã về 11 xã trên địa bàn huyện Bình Chánh tổ chức các lớp xóa mù chữ, sinh hoạt thiếu nhi, tổ chức các hoạt động khuyến nông, đền ơn đáp nghĩa... Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” ra đời và phong trào tình nguyện của thanh niên TP.HCM hình thành từ đó.

Từ sự lớn mạnh của phong trào

Lật lại tư liệu những ngày đầu phong trào tình nguyện hè của thanh niên thành phố, chúng ta thấy rằng việc tổ chức chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè là một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Thành Đoàn trong việc đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thanh niên, phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc của thành phố, mà một trong những vấn đề lúc đó là công tác xóa mù, phổ cập giáo dục cho thanh thiếu nhi. Từ 700 thanh niên năm 1994, chiến dịch đã không ngừng mở rộng quy mô, đến năm 1996 thu hút 5.000 thanh niên tình nguyện, và cao điểm những năm 2001 - 2003 thu hút hơn 100.000 chiến sĩ, để rồi trở về ổn định ở con số 50.000 trong ba năm gần đây.

 

Về nội dung, từ chỗ chỉ tập trung dạy xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, chiến dịch không ngừng được mở rộng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, tổ chức sinh hoạt thiếu nhi, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người già neo đơn… Trong giai đoạn 1997 - 2000, chiến dịch Mùa hè xanh lan tỏa rộng khắp ở các quận huyện trên địa bàn thành phố, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Ở giai đoạn này, phương châm của các chiến sĩ tình nguyện là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con nhân dân, đem ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội và những kiến thức được học ra phục vụ sự phát triển của địa phương, đơn vị, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền. So với chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, bước đột phá của chiến dịch Mùa hè xanh là nội dung hoạt động được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, những công trình cầu đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng. Những khẩu hiệu, phương châm dân vận ra đời trong giai đoạn này: “Không đợi dân nhờ, không chờ dân nhắc”, “Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”. Đã có một sự nối kết tình cảm dài lâu, bền chặt giữa chiến sĩ tình nguyện và nhân dân.

Đến sự trưởng thành của thanh niên qua những mùa chiến dịch

Bước vào năm thứ 16, thành quả lớn nhất của phong trào thanh niên tình nguyện là được việc, được người, được tổ chức. Được việc thì đã rõ, bản thân các chiến dịch tình nguyện và công việc của chiến sĩ đã tự nó nói lên hiệu quả và ý nghĩa xã hội. Cái quan trọng nhất là được người, ở đây là quá trình tiếp cận, cọ xát với thực tiễn, thông qua thực tiễn để trau dồi nhân cách, hình thành lối sống giàu lý tưởng, có hoài bão cống hiến. Đối với mỗi thanh niên, đây là điều cực kỳ quan trọng, xét cả ở góc độ mục tiêu phấn đấu của bản thân và yêu cầu từ gia đình, nhà trường và xã hội. Và như vậy, mức độ trưởng thành của mỗi thanh niên sẽ đầy đủ hơn, toàn diện hơn. Điểm thứ ba là được tổ chức, qua phong trào tình nguyện, Đoàn đã khơi đúng mạch nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, kết nối với yêu cầu phát triển xã hội, đất nước. Đây chính là sức hút tự thân của Đoàn, giúp cho Đoàn thực hiện chức năng đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức và phát huy vai trò của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị nói riêng, thực hiện nghĩa vụ xây dựng đất nước của mỗi công dân.

Tham gia hoạt động tình nguyện, mỗi bạn trẻ được thử thách, rèn luyện, cống hiến, tự khẳng định mình và trưởng thành. Các chiến dịch tình nguyện, đề án, công trình thanh niên đã trở thành hình ảnh đẹp và nhận được sự quan tâm của xã hội, sự tham gia thực hiện của đông đảo thanh niên thành phố, trở thành động lực trong hoạt động của nhiều đối tượng thanh niên và xã hội. Tạm xa mái trường, người sinh viên tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, đến với các miền quê, cảm nhận và góp sức xây dựng, để thấy mình cứng cáp hơn, trưởng thành hơn và trách nhiệm với xã hội, đất nước cũng cao hơn. Bỏ lại những ngày nghỉ cuối tuần, tạm xa môi trường làm việc quen thuộc trong nhà máy, xí nghiệp, người thanh niên công nhân tham gia chiến dịch Kỳ nghỉ hồng đến với những vùng đất, con người, phát huy sở trường, năng lực chuyên môn để phục vụ những nhu cầu tưởng chừng rất đơn giản như khám bệnh, phát thuốc, thi công hệ thống điện dân dụng, những việc vô cùng cần thiết đối với bà con vùng sâu, vùng xa. Tham gia chiến dịch Hành quân xanh, thanh niên lực lượng vũ trang hiểu hơn, thấm thía hơn về tình quân dân - một truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm phong trào tình nguyện của thanh niên TP. HCM, anh Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh: “Là người trực tiếp tham gia và chỉ đạo phong trào, tôi cảm nhận đầy đủ nhất sự háo hức, mê say của các bạn trẻ khi tham gia chiến dịch, thấy được khí thế “không sờn lòng không tiếc tuổi xanh” của các thế hệ chiến đấu vì độc lập dân tộc nay lại được tiếp bước trong thời kỳ xây dựng đất nước. Và quan trọng hơn là sự hình thành và trưởng thành của phong trào với các đội hình chuyên, công trình chuyên sâu trong từng chiến dịch, cũng như sự trưởng thành về nhân cách, năng lực thực tiễn trong mỗi bạn trẻ. Hình ảnh sinh viên đọc lời thề trong lễ kết nạp Đảng đơn sơ mà cảm động ngay tại mặt trận là một hình ảnh không bao giờ phai trong tôi”.

MỸ ĐỨC